Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, TP.HCM, được vệ sinh, khử khuẩn trưa 28-2 để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hôm nay 1-3, trừ Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng, học sinh hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã trở lại trường.
Không còn lo lắng
Chị Bình phân tích: "Dịch bệnh quả là đáng sợ nhưng không phải vì thế mà ngưng trệ tất cả hoạt động. Các con ở nhà học trực tuyến thì phụ huynh như tôi vất vả lắm, nội chuyện nhớ lịch học và lo ăn uống cho 2 đứa con cũng khiến tôi mệt nhoài, không thể chu toàn công việc ở cơ quan. Chưa kể việc học trực tuyến thì hiệu quả không thể nào bằng học trực tiếp. Thế nên, điều quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19".
Đa số phụ huynh ở TP.HCM đều tâm sự các em học sinh THCS và THPT đã có kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 từ năm trước nên không đáng lo. "Con gái tôi năm nay học lớp 9 đã tự chuẩn bị mọi thứ để quay lại trường: con tự rửa bình nước, tự xin mẹ 1 bịch khẩu trang 10 cái để trong cặp dùng dần, tự lấy chai nước rửa tay móc vào cặp" - chị Hiệp, phụ huynh Trường THCS Vân Đồn, Q.4, kể.
Chị Trương Anh Nga, phụ huynh ở Q.11, tự tin: "Đợt học sinh trở lại trường lần này có nhiều thuận lợi hơn năm 2020. Đầu tiên là việc mua khẩu trang khá dễ dàng. Tôi đã chuẩn bị và cho con mình mang đi học 5 cái khẩu trang mỗi ngày.
Bé nhà tôi năm nay đang học lớp 1, cháu có tính hay quên và hay làm mất đồ. Vì vậy, mấy bữa nay tôi cùng con học thuộc đồng thời tập luyện các nguyên tắc như: không uống nước chung ly với các bạn mà chỉ uống nước trong bình mẹ cho mang đi học, hết nước bé lại mang bình đó ra khu nước uống của trường để lấy nước...".
Hai ngày liên tiếp trước khi học sinh trở lại trường, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) đã vệ sinh kháng khuẩn trường lớp để đón gần 1.900 học sinh. Thầy Nguyễn Văn Tuấn - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Trường thuê đội ngũ vệ sinh công nghiệp, khử trùng trường, lớp, bàn học trong hôm qua và sáng hôm nay. Nhà trường cũng phổ biến đến học sinh việc khai báo y tế, đo thân nhiệt, thực hiện nguyên tắc 5K.
Nhìn chung, cả thầy cô và học sinh không áp lực lo lắng như trước vì đã thích nghi và vì TP.HCM đã kiểm soát được dịch. Tất cả đều háo hức mong đợi ngày 1-3 đến trường sau kỳ nghỉ tết".
Tương tự, cô Nguyễn Đoan Trang - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1 - cho biết: "Trở lại trường lần này, về phía giáo viên không căng thẳng, lo lắng như lần trước. Tất cả đã quen với cách dạy trực tuyến, cách không đến trường nhưng vẫn dạy và học. Tôi quan sát theo dõi thì thấy học sinh đều mong muốn đi học lại, giáo viên cũng thế".
Ngày cuối tuần không nghỉ
Phụ huynh và giáo viên nhiều trường học ở Hà Nội đã có những ngày cuối tuần không nghỉ để vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón học sinh trở lại vào ngày 2-3. Cô Lê Thị Tuyết Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết trường từng là nơi được sử dụng để cách ly tập trung các giáo viên, phụ huynh, học sinh trong những ngày giáp tết nên ngay sau khi học sinh trở về nhà, ở đây đã được dọn dẹp khử khuẩn.
Nhưng để đón học sinh trở lại, trong hai ngày nghỉ cuối tuần, rất nhiều phụ huynh đã tình nguyện cùng các thầy cô giáo lau dọn, vệ sinh lần cuối lớp học, cầu thang, cửa sổ, bàn ghế và thiết bị dạy học.
Thầy trò Trường tiểu học Xuân Phương đều có những trải nghiệm khó quên vì trường có học sinh dương tính và nhiều học sinh, giáo viên phải cách ly tập trung nên các quy định phòng chống dịch đã được ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc.
Nhiều trường học khác ở Hà Nội trong các ngày 26, 27 và 28-2 đều thực hiện việc khử khuẩn. Một số trường tổ chức bán trú đã giặt chiếu, thảm của học sinh, lau sát khuẩn dụng cụ ăn bán trú, luộc sôi khăn ăn, bát đũa. Hầu hết các trường trải qua đợt COVID-19 năm 2020 nên đã lắp đặt thêm bồn rửa tay, tăng cường nguồn nước và dung dịch sát khuẩn.
"100% học sinh sẽ khai báo y tế online và đo thân nhiệt, thông báo lên hệ thống trước khi đến trường. Chúng tôi cũng phối hợp với phụ huynh để nắm tình hình sức khỏe học sinh, lưu ý với những trường hợp học sinh có tiếp xúc với người hoặc khu vực có nguy cơ lây nhiễm" - một giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết.
Tổ chức ôn tập kiến thức dạy học trực tuyến
Thầy cô và phụ huynh Trường tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón học sinh tới trường - Ảnh: T.L.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu trong tuần đầu tiên đi học trở lại, các trường phải có kế hoạch ôn tập lại kiến thức đã dạy học trực tuyến cho học sinh tại lớp. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải nắm tình hình tiếp thu bài học của học sinh, có giải pháp phối hợp để hỗ trợ, kèm cặp thêm đối với những học sinh gặp khó khăn trong thời gian học trực tuyến hoặc học sinh có lực học yếu, kém.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT) - cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường phải dành thời gian nhất định để kiểm tra việc tiếp thu kiến thức của học sinh trong thời gian dạy học trực tuyến và có giải pháp khắc phục nếu chất lượng dạy học chưa đảm bảo yêu cầu, giúp những học sinh còn chưa đạt yêu cầu bù đắp kiến thức.
"Khi học sinh trở lại trường, giáo viên có thể thực hiện các bài thực hành, thí nghiệm kết hợp với ôn tập kiến thức cũ để học sinh hiểu kỹ bài học, tăng cường các kỹ năng không thể thực hiện được bằng hình thức trực tuyến. Các bài kiểm tra định kỳ của mỗi môn học cũng sẽ được thực hiện khi học sinh đi học bình thường" - ông Thành nói.
Khi học sinh đã trở lại trường học vào đầu tháng 3-2021, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không xáo trộn kế hoạch thời gian năm học cũng như thời gian dự kiến tổ chức các kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp.
V.HÀ
Bố trí lệch giờ vào học, tan học
Là địa phương từng có ca lây nhiễm Covid-19, Điện Biên đề ra nhiều biện pháp phòng chống dịch khi học sinh trở lại trường. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, trên cơ sở hướng dẫn của sở, các trường đã có kế hoạch chuẩn bị đón học sinh trở lại. Nhiều trường đã điều chỉnh giờ vào học, tan học lệch nhau giữa các khối lớp để tránh tập trung đông học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận