Một thuở "nhất Hoa Kỳ, nhì Khâm Đức"
Hơn 20 năm về trước, thị trấn nhỏ phía tây của xứ Quảng này từng là một xứ sở nhộn nhịp trong cơn lốc vàng của bao người.
Ngày ấy, Khâm Đức được người ta còn gọi "thị trấn giang hồ" bởi là điểm đến hàng ngàn người tìm kiếm giấc mơ đổi đời hoặc những dân "anh chị" trốn truy nã, lấy nơi đây làm nơi trú thân.
Vùng đất của phu vàng, đại gia vàng với những cuộc ăn chơi, tiêu xài chẳng gớm tay. Đã từng có một thời tiệm vàng ở Khâm Đức còn nhiều hơn tiệm cắt tóc, tiệm thuốc Tây.
Rất khó khăn chúng tôi mới tìm gặp được những đại gia vàng đã "gác kiếm" chia sẻ về quá khứ một thuở ở Khâm Đức. "Chuyện qua lâu lắc, mấy chục năm rồi, đôi lúc nhớ lại cũng chỉ như nhớ một chút gia vị của cuộc đời", ông Ba (tên nhân vật đã thay đổi) nói đầy vẻ chiêm nghiệm.
Và thực tình, ngày nay những người đã gắn bó xương máu, lang bạt khắp các hầm, bãi ở Phước Sơn như ông Ba muốn "chuyện cũ" được ngủ yên, hoặc khi ngẫu hứng lắm mới kể dăm ba đoạn hồi tưởng.
Ngồi bên ly cà phê đặc quánh, ánh đèn đường vàng vọt hắt vào chỉ thấy khuôn mặt ông mờ mờ, ảo ảo. Nhấp ngụm nhỏ cà phê, rít hơi thuốc, ông Ba "tua lại" những thước phim "lịch sử" một thời.
"Các chú có biết làm vàng trúng đậm nhất là năm nào không, đó là những năm 2004 - 2005. Trúng khiếp luôn, năm ngày hoặc bảy ngày trúng vàng ký là thường", ông Ba nhả khói thuốc từ từ rồi tiếp mạch chuyện.
Những năm tháng đó, cánh làm vàng như ông Ba cứ bỏ vàng vô bao cột trên chiếc xe Minsk mà chạy từ hầm ra Khâm Đức. "Vàng để rứa chẳng lo mất. Mà sợ mất nhất là chi biết không. Là mất tuốc nơ vít, cờ lê. Mất hai món ni khi đi xe giữa rừng lỡ hư hỏng xe chỉ có khóc", ông Ba cười nói.
Hai món đồ được những người làm vàng như ông Ba quý tới mức khi xuống suối đánh cá để làm thức ăn những bữa ở giữa rừng, họ luôn mang theo bên người. Vàng vẫn để trên xe tận trên lộ, nhưng nhiều người có đi qua lại thấy cũng không để ý vì họ tưởng gạo muối...
Đêm về khuya, trời Khâm Đức se lạnh. Chúng tôi đón thêm vị khách là ông Sáu (tên nhân vật đã thay đổi) vào bàn trà. Nghe câu chuyện vàng mà ông Ba vừa kể, ông Sáu giọng sang sảng.
"Lúc đó, mỗi lần xuống Đà Nẵng vào các tụ điểm ăn chơi họ hay nói vui "Nhất Hoa Kỳ, nhì Khâm Đức" vì hồi đó nhiều người trúng vàng, ăn chơi chẳng gớm tay. Hồi đó là vậy, và nay thương hiệu Khâm Đức vẫn ngon", ông Sáu nói tếu.
Những cuộc ăn chơi của dân làm vàng ở Phước Sơn còn được truyền tai đến nhiều năm sau đó. Thậm chí lúc đó có ông D. (một đại gia vàng) tổ chức tiệc cho con ở Đà Nẵng, sau khi hỏi quản lý sàn một đêm thu được bao nhiêu. Nghe xong, đại gia này phẩy tay nói đóng cửa lại, ông bao nguyên một đêm cho cả sảnh anh em chơi...
Anh Y., một người sống ở Khâm Đức, kể lại thời điểm năm 2001 - 2002, dân làm vàng, nhất là những đại gia vàng, tiêu tiền mạnh vì vàng kiếm được. Hồi đó anh Y. còn đang là sinh viên ở Sài Gòn, những lúc nghỉ hè lên Khâm Đức ở lại nhà người thân chơi.
"Mình đã từng chứng kiến một cuộc đánh bi da độ, đại gia vàng lấy vàng trong túi ra cân để chung thua độ, thấy mà khiếp. Có cảm giác những người từ hầm lò, bãi bờ khi ra Khâm Đức dường như trong túi lúc nào cũng có vàng", anh Y. nhớ lại.
Anh kể thêm "lúc đó cái thị trấn xíu xiu mà có tới tám tiệm vàng là hiểu rồi. Uống lon bia ở đây bằng tiền lon bia trong quán bar ở Sài Gòn", anh Y. kể.
Cho đến năm 2008, Khâm Đức đã có khách sạn đầu tiên mang tên Bé Châu Giang. Người chủ khách sạn này kể rằng thời điểm đó luôn kín phòng. "Muốn đặt phòng ở khách sạn phải đặt trước hai tháng mới có. Còn giờ thì khách sạn ít khách hơn, chủ yếu là khách du lịch, người đi công tác... chứ ít có bóng dáng phu vàng", người này kể.
Ngày đó ăn theo "cơn lốc vàng", nhiều dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí rồi buôn bán nở rộ. Bà Trang (50 tuổi, thị trấn Khâm Đức) kể rằng những năm thập niên 1990 bà buôn bán rau, cá, thịt ở chợ đắt kinh khủng vì nhu cầu cho cả trăm, ngàn người trong các bãi lớn.
"Hàng hóa đem từ dưới xuôi lên bán giá gấp đôi vốn, buôn bán đắt như tôm tươi", bà Trang nhớ lại.
Đến rồi thì khó ra đi
Giờ đây, nếu khách lạ ghé qua Khâm Đức cũng sẽ thấy sự thay đổi của một thị trấn miền núi của Quảng Nam. Ngay trên con đường Hồ Chí Minh băng ngang thị trấn này, những siêu thị điện máy, khách sạn, nhà hàng... đã mọc lên bên đường. Đi vào các khu dân cư, đường nhựa thênh thang, cây xanh được trồng khá bài bản.
Chừng 2-3 năm trước, một nhóm các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã cùng kéo nhau lên Khâm Đức để phát triển một dự án đô thị, thương mại phố chợ Khâm Đức. Tới hôm chúng tôi có mặt tại đây, cả khu chợ mới Khâm Đức đã hoạt động sầm uất.
"Dự án nằm ngay trung tâm Khâm Đức, điểm giao thương thuận lợi giữa Tây Nguyên và duyên hải miền Trung với cung đường Hồ Chí Minh đi qua. Với vị trí vàng như vậy nên chúng tôi đã cùng nhau tham gia phát triển dự án phố chợ tại đây", anh Việt, phó tổng giám đốc một công ty ở Đà Nẵng, chia sẻ.
Chúng tôi tìm đến một ngôi nhà nhỏ nằm ven đường Hồ Chí Minh là nhà của ông Hồ Văn Điều, nguyên bí thư Huyện ủy Phước Sơn. Ở cái tuổi ngoài 80, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, ông Điều chứng kiến gần như đầy đủ những giai đoạn lịch sử của vùng đất.
Nhìn xa xăm về hướng núi, ông kể những ngày sau giải phóng huyện đã làm một cuộc cách mạng định canh định cư, đưa dân từ các xã từ vùng cao về ở Khâm Đức.
"Đường sá xa xôi, có xã phải cõng gùi đi 2-3 ngày mới đến nơi", ông Điều nhớ lại. Những năm tháng ấy, người dân Khâm Đức chủ yếu là làm ruộng, nương rẫy. Khoảng những năm 1990 mới bắt đầu xuất hiện làm vàng. Ban đầu, họ đi đãi vàng sa khoáng và phát hiện ra mỏ ở suối Nước Xa (xã Phước Đức).
Cũng theo ông, lúc đó người bản địa chưa có kinh nghiệm làm vàng và chỉ có một số ít tham gia, còn chủ yếu là người ở đồng bằng và địa phương khác đến khai thác. "Người dân chỉ tọ mọ được thêm lon gạo thôi", ông Điều nhớ.
Có những giai đoạn chưa quản lý khai thác vàng, người ở Phước Thành, Phước Kim, Phước Đức... chia lô các bãi và bán cho dân làm vàng để lấy tiền.
"Nhưng vàng chỉ có mức độ thôi. Chủ yếu sau này cuộc sống đủ ăn, no bụng là từ trồng trọt, trồng lúa, keo, chăn nuôi, buôn bán. Nhất là khi đường Hồ Chí Minh làm qua, đây đã mở ra sự giao lưu thương mại, giúp Khâm Đức sôi nổi hơn", ông Điều chia sẻ.
Có một điều rất đặc biệt là những người chúng tôi gặp nơi thị trấn nhỏ, ai cũng có một tình yêu đất này rất mãnh liệt. Ông B., một người gốc huyện Quế Sơn (Quảng Nam), từng làm vàng rồi gác kiếm là người như vậy. Ông kể nhà cửa dưới phố cũng khá nhiều nhưng về dưới đó đến hôm thứ hai là ông lên lại Khâm Đức liền. "Quen cái không khí ở mảnh đất này rồi", ông B. tâm sự.
Anh Trọng Ý, một người đã gắn bó Khâm Đức hơn 20 năm qua, nói rằng nơi đây đã như một phần máu thịt của mình. "Đi đâu xa mấy ngày là thao thức mong về. Đó thực sự là quê hương của mình", anh tâm sự.
Và đâu chỉ có anh, nhiều đại gia vàng hiện có tiền tỉ trong tay, con cái đã đi du học hoặc an cư ở phố thị, nhưng họ vẫn chọn ở lại nơi đây.
Thay vào đó là một thị trấn đẹp hơn, khang trang hơn nhờ những đầu tư về hạ tầng, hàng quán, phố xá vẫn sầm uất. Người rời đi thường là những phu vàng một thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận