29/04/2016 13:50 GMT+7

Hậu duệ họ Lý ra Trường Sa

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TTO - Ông Lý Thừa Vĩnh là hậu duệ thứ 28 của vua Lý Thái Tổ và là chủ tịch Hội dòng họ Lý Hoa Sơn hơn 1.000 người ở Hàn Quốc.

Ồng Lý Thừa Vĩnh luôn mang theo mình cuốn sổ tay công tác Trường Sa - DK1 để ghi chép suốt hải trình ra Trường Sa - Ảnh: N.T.U.
Ồng Lý Thừa Vĩnh luôn mang theo mình cuốn sổ tay công tác Trường Sa - DK1 để ghi chép suốt hải trình ra Trường Sa - Ảnh: N.T.U.

Ông Lý Thừa Vĩnh có thể lẫn trong 200 thành viên người Việt tham gia chuyến hải trình ý nghĩa ra Trường Sa vì vóc dáng rất Việt, song ông luôn nổi bật với chiếc áo thun đỏ có ngôi sao vàng trước ngực, sau lưng là bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là chiếc mũ quấn dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”.

Ít ai biết đây là chuyến đi để ông Lý làm đầy thêm gốc gác, đầy thêm tinh thần của một người Việt.

“Hoàng tử Việt Nam”

Ông Lý Thừa Vĩnh là hậu duệ thứ 28 của vua Lý Thái Tổ và là chủ tịch Hội dòng họ Lý Hoa Sơn hơn 1.000 người ở Hàn Quốc. 22 năm trước, ông cùng những người trong họ đã về Bắc Ninh làm lễ cúng tổ tiên nhận họ. Ông nói đó là một niềm vinh dự khi người ta tìm được nguồn cội của mình.

“Trong một xã hội khá khép kín như Hàn Quốc trước đây, việc tự nhận là một người gốc Việt không phải là điều dễ dàng. Nhưng từ lúc còn nhỏ tôi đã ý thức mình là người Việt, bạn bè gọi tôi là hoàng tử Việt Nam.

Từ sự lạ lẫm đến quen thuộc, bây giờ ai cũng tỏ ra thú vị với gốc gác Việt của tôi. Mỗi khi có tin tức về Việt Nam, người quen đều gọi điện báo cho tôi hay” - ông Lý kể.

Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam do Hội người Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức tại Seoul đầu năm 2016, ông Lý Thừa Vĩnh là một “gương mặt thân quen”.

Một số tờ báo Hàn Quốc hỏi ông tại sao tham gia các cuộc biểu tình đó, ông khẳng khái trả lời rằng mình là người Việt Nam nên có nghĩa vụ tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa.

Cũng từ dịp đó, nhiều người Hàn Quốc biết ông nhiều hơn, phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam càng có thêm tiếng nói ủng hộ từ xứ sở kim chi.

Khi nhận được lời mời sang Việt Nam thăm quần đảo Trường Sa, ông Lý Thừa Vĩnh đã có mấy đêm mất ngủ vì háo hức.

“Tôi không nghĩ đây là chuyến tham quan hay đi du lịch Trường Sa, mà là một chuyến đi nhằm tìm hiểu thực tế ở Trường Sa để trở về truyền tải thông tin đúng và đầy đủ cho người Hàn Quốc, để hai chữ Việt Nam thêm lan tỏa ở nước Hàn” - ông khẳng định.

Chuyến đi thôi thúc đến mức ông đành phải vắng mặt trong lễ giỗ tổ 22 năm nhận họ Lý vào ngày 21-4, vì với ông, đây là chuyến đi có thể chỉ có một lần trong đời, việc về với Trường Sa cũng là về với nguồn cội của dân tộc Việt”.

Nắm đất thiêng

Nhưng dù đã đầy chất Việt trong mình, dù đã đi về Việt Nam bao lần và đã tìm hiểu rất nhiều về Trường Sa và Hoàng Sa, ông Lý Thừa Vĩnh có quá nhiều trầm trồ bất ngờ khi có mặt ở Trường Sa.

11 ngày quá ít để ông khám phá 11 điểm đảo và hai nhà giàn DK1, ít khi thấy ông rảnh rỗi mà đi liên tục, tìm hiểu mọi nơi, hỏi chuyện mọi người.

Đến đảo chìm Cô Lin, Đá Lớn, Đá Lát...; đảo nổi Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh...; nhà giàn DK 1/17 và 18, ông ngỡ ngàng với việc trong gian khổ giữa biển như thế, những người lính hải quân Việt Nam vẫn giữ gìn được từng tấc biển thiêng của Tổ quốc, trong khi ở các đảo xung quanh Trung Quốc cải tạo các đảo với quy mô lớn và luôn uy hiếp chiến sĩ ta.

Từ vốn tiếng Việt lơ lớ, suốt chuyến đi ông đã có thể đồng ca với mọi người những bài hát ca ngợi lính hải quân.

Gặp ông, nhiều người lính hỏi “Ông là người Hàn Quốc à?”, ông đều đáp: “Không, tôi là người Việt, chỉ có điều chưa nói chuẩn tiếng Việt thôi”.

“Tôi thật cảm phục với những gì các bạn trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc luôn đau đáu tìm cách đóng góp cho Trường Sa. Vì vậy, chuyến đi này thúc giục tôi cần phải làm nhiều hơn cho đất nước” - ông Lý Thừa Vĩnh nói.

Ông đoan chắc sau chuyến đi này, ngoài việc kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở Trường Sa cho các thành viên trong dòng họ, gia tộc, ông còn phối hợp với Hội Người Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc lên kế hoạch các dự án truyền thông về Hoàng Sa - Trường Sa, để vấn đề bảo vệ chủ quyền lan tỏa hơn không chỉ với người Việt mà cả những người Hàn sát cánh cùng người Việt.

“Những việc này với tôi không phải là do ai kêu gọi hay thúc giục gì cả. Tôi là người Việt thì những việc đó là chuyện từ trái tim, để không thẹn với tổ tiên khi nói rằng mình là hậu duệ của dòng họ Lý” - ông nói và đặt tay lên ngôi sao vàng trên ngực áo.

Biết là không phải khi lấy một nắm đất ở Trường Sa mang về, nhưng ông cũng lấy một nắm cất cẩn trọng, tự nhủ lòng rằng xin một nắm đất tiên tổ này để đưa về Hàn Quốc.

Với ông, đó là một nắm đất thiêng. 

Đóng góp thiết thực

Các bạn trẻ nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc đang lắp đặt máy lọc nước cho nhà giàn DK1/17 - Ảnh: N.T.U.
Các bạn trẻ nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc đang lắp đặt máy lọc nước cho nhà giàn DK1/17 - Ảnh: N.T.U.

Ra Trường Sa lần này, các bạn trẻ Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc mang theo những đóng góp thiết thực nhất để cải thiện đời sống chiến sĩ hải đảo.

Sau chuyến đi Trường Sa năm 2015, Nguyễn Trung Kiên - nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc - nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần cải thiện đời sống của chiến sĩ, trong đó có hai vấn đề chính là nước ngọt và rau xanh.

Trong một thời gian dài, họ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu thành công máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt và bây giờ đưa ra Trường Sa, lắp đặt tại các đảo Cô Lin, Đá Lát và nhà giàn DK 1/17.

Khi các sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc mang các thiết bị lọc nước ra đảo chìm Đá Lát, các chiến sĩ hải quân ta không tin có một hệ thống chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt, đến khi các bạn trẻ lắp đặt xong thì niềm vui vỡ òa cả đảo, bởi từ nay ở nơi nước ngọt quý hơn vàng này có thêm mỗi ngày 10-20 lít nước ngọt.

Họ còn đưa ra Trường Sa hai mô hình trồng rau thủy canh và trồng rau bằng đất trên giàn để tiết kiệm diện tích được các bạn trẻ mang ra trồng thử nghiệm tại ba điểm đảo và nhà giàn DK1.

Chi phí tổng cộng của ba dự án này khoảng 30 triệu won (28.000 USD), tất cả đều là tiền tài trợ của các công ty, hội đoàn do các bạn trẻ là sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đi vận động.

“Những dự án này là tấm lòng của những người con Việt Nam sống xa quê hương, muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc” - tiến sĩ Trần Hải Linh, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, chia sẻ.

_____________

Kỳ tới: Nhiều hơn cho Trường Sa

Xem kỳ trước

>> Kỳ 1: 

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên