14/06/2020 10:42 GMT+7

Hậu đại dịch rất cần 'máy trợ thở'

LÊ KIÊN - NGỌC AN
LÊ KIÊN - NGỌC AN

TTO - Quốc hội đã dành cả ngày 13-6 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Trong bối cảnh đặc biệt những tháng đầu năm 2020, đề cập đến kết quả phòng chống dịch COVID-19, tất cả các đại biểu Quốc hội đều cho rằng đó là một "kỳ tích"

Hậu đại dịch rất cần máy trợ thở - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp ở Bình Dương gia công hàng đi Mỹ - Ảnh: T.T.D.

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng những thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu kép là rất lớn, cần các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, gắn với tiết kiệm và sử dụng chi ngân sách hiệu quả.

Chưa tăng lương làm tính dưỡng liêm giảm sút

Chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng đây chỉ nên là giải pháp tình thế. 

Bởi đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này khi mà lạm phát tăng, làm giảm sức mua của đồng lương, giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống.

"Đa số công chức viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút. Tôi thiết nghĩ giải pháp căn cơ, thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải thực sự là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thật sự là thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả và đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực" - đại biểu Xuân nhấn mạnh.

Đồng tình, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng trong bối cảnh thu ngân sách giảm mạnh, phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi. 

Tuy nhiên, ông băn khoăn và cho rằng Chính phủ: "Cần đánh giá cụ thể, sớm trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu, chi, bội chi ngân sách, đồng thời thu giảm sâu không thể chi theo dự toán cũ. Chính phủ cần cập nhật kịp thời nguồn thu, khả năng vay để sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách".

Cứu sống doanh nghiệp

Gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, nhiều đại biểu cũng đề nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực, hiệu quả. 

Đại biểu đoàn Bắc Ninh Nguyễn Như So - chủ tịch Tập đoàn Dabaco VN - cho rằng dù có nhiều chính sách ví như "máy trợ thở" được ban hành, nhưng đại biểu đặt câu hỏi là liệu thuốc đã đủ liều, đúng, trúng và liệu có dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách điều hành cũ phát triển trong tình hình mới sau dịch COVID-19?

Đặc biệt, ông So cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ như thành lập quỹ đảm bảo tín dụng lấy từ nguồn ngân sách nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay, thậm chí xóa nợ cho doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động. 

Miễn hoàn toàn thuế thuê đất, mặt bằng kinh doanh, các khoản thuế hết quý 4-2020, hoàn trả lại thuế VAT đã nộp kể từ thời điểm phát sinh dịch, hỗ trợ tiền lương cho người lao động.

Ông So nhấn mạnh rằng: "Cứu sống doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách là khoản đầu tư lâu dài, bền vững".

Một số vụ án khiến dư luận hoài nghi, bức xúc

Vụ án Hồ Duy Hải đã được nêu ra với các tranh luận qua lại làm "nóng" nghị trường. Người nêu vấn đề đầu tiên là trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị Hoàng Đức Thắng, ông dẫn chứng một số vụ án khiến dư luận hoài nghi, bức xúc, trong đó có vụ Hồ Duy Hải và vụ nhảy lầu tự tử ở TAND Bình Phước.

"Đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân. Đồng thời nó là hồi chuông để thôi thúc Quốc hội quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, niềm tin nhân dân vào nền tư pháp được củng cố, góp phần làm trong sạch cơ quan bảo vệ pháp luật" - ông Thắng đề nghị.

Lập tức, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) - phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM - nói: "Khi xét xử thì hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ, đưa ra và kiểm tra chứng cứ, qua các lời khai và tranh tụng tại phiên tòa mới đưa ra phán quyết đúng đắn của hội đồng xét xử".

Đồng thời cho rằng: "Không nên chỉ qua một vài trang giấy hoặc bình luận của báo để đưa ra quyết định là không đúng. Vì hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác".

Không đồng tình với đại biểu ngành tòa án, đại biểu Thắng nói: "Phát biểu của đại biểu Phạm Hồng Phong vô tình dẫn dắt suy nghĩ là đại biểu Quốc hội nói theo báo chí, nói theo thế lực phản động, có dụng ý xấu, dễ dẫn đến tổn thương đại biểu Quốc hội".

Theo ông Thắng, để các thế lực thù địch không có cơ hội chống phá thì "chúng ta không để sơ hở. Phải sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái thì ai chống phá ta được. Khi đã sửa rồi thì có nhân dân luôn bên ta".

Ông Thắng "chia sẻ với đại biểu của ngành tòa án, nhưng nghe đại biểu Quốc hội nói chính là nghe dân nói. Trên nữa đó là sự góp ý để cầu thị sửa chữa khuyết điểm. Tôi chắc rằng ngành tòa án không thể không có sai lầm, khuyết điểm, nếu không nói là có cả vi phạm pháp luật".

Ông khẳng định mình dẫn chứng các vụ án bị hoài nghi là để "ngành tòa án, các cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại xem có đúng như dư luận hay không. Nếu không đúng thì đó là điều hạnh phúc, còn đúng là nếu chưa tốt thì chúng ta phải làm cho tốt, lấy lại niềm tin cho nhân dân".

Tranh luận sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định việc đại biểu Quốc hội lên tiếng về một số vụ án được dư luận quan tâm là đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Việt Nam sắp tròn 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng Việt Nam sắp tròn 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng

TTO - Cập nhật sáng nay 14-6 của Bộ Y tế cho biết đã qua 59 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, chỉ một ngày nữa là tròn 2 tháng Việt Nam ngăn chặn được dịch lây lan tại cộng đồng.

LÊ KIÊN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên