Hậu COVID-19: Những sang chấn tâm lý dai dẳng

CẨM NƯƠNG 18/02/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Người từng nhiễm COVID-19 không chỉ gặp phải những bất ổn về sức khỏe mà còn bị khủng hoảng, sang chấn tâm lý kéo dài, cần nhiều giải pháp kết hợp trong điều trị.

Ảnh: istockphoto.com

 

Khi những bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động cũng là lúc nhiều khoa, trung tâm điều trị hậu COVID-19 hình thành, chuyển từ giai đoạn “chinh chiến” sang chăm sóc hậu nhiễm.

Giật mình khi nghe tiếng còi cứu thương

Bước từ phòng trị liệu tâm lý sang phòng tập phục hồi chức năng, bà T.H. (62 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) chăm chú nghe nhân viên điều trị hướng dẫn. 

Đã khỏi COVID-19 được 2 tháng nhưng gần đây bà H. mới biết đến việc điều trị hậu COVID-19, và bà đến Trung tâm điều trị hậu COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh hằng ngày.

Người gầy yếu, giọng nói nhỏ rụt rè, ánh mắt vẫn ánh lên nỗi sợ khi nhắc lại thời gian bị nhiễm bệnh, bà H. cho biết đã điều trị COVID-19 tại bệnh viện dã chiến 23 ngày. 

Với bà, đó là lần bước một chân vào cửa tử. “Khi hàng xóm xung quanh lần lượt có người dương tính, chúng tôi bị khủng hoảng. Vì chỉ có 2 vợ chồng già sống cùng nhau nên mỗi khi nhân viên y tế đến test, hồn vía chúng tôi cứ như để trên mây”,  bà H. kể. “Sợ dữ lắm, tôi lúc đó cứ nghĩ mình sẽ không qua khỏi nên gọi dặn dò con đủ thứ việc”.

Đã hơn 2 tháng sau nhiễm, bà H. vẫn bị mất ngủ, lo lắng khi thấy nhà nào đó giăng dây, giật mình khi nghe tiếng còi xe cấp cứu.“Mỗi lúc nghe tiếng còi xe cứu thương tôi lại giật mình, bước ra khép cửa lại, cảm giác dịch bệnh không biết khi nào sẽ quay lại với gia đình mình một lần nữa”, bà H. chia sẻ.

Tại tổ tham vấn tâm lý tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, bệnh nhân đến điều trị rất đông. ThS tâm lý Hồ Hoàng Phương cho biết bệnh nhân đến đây đa phần thuộc hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh và lực lượng tuyến đầu chống dịch (cán bộ phường, xã, tổ COVID-19 cộng đồng). 

Sau khi khỏi bệnh, họ đều có những nỗi sợ trong lòng. “Có bệnh nhân cao tuổi, một mình nuôi cháu ngoại do ba mẹ cháu vừa mất vì COVID-19, bà cảm thấy bế tắc trước quãng đời còn lại khi không đủ sức chăm lo cho cháu, rồi bật khóc” - ThS Hồ Hoàng Phương trầm ngâm.

Các bệnh nhân nếu không lo về cuộc sống trong tương lai thì cũng có những ám ảnh về quá trình điều trị đã qua. Nhiều người nửa đêm giật mình thức giấc xem giờ, đi đi lại lại trong nhà, tự trấn an mình đã khỏe rồi.

“Do lúc điều trị tại bệnh viện dã chiến hay xem giờ đợi nhân viên y tế đến thăm khám, nên khi về nhà họ vẫn lập lại thói quen đó một cách vô thức. Đó là những triệu chứng tâm lý dai dẳng khó dứt”, ThS Phương nói.

Bệnh nhân ở Trung tâm điều trị hậu COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. -Ảnh: CẨM NƯƠNG

 

Cần trị liệu lâu dài

Tiếp đón hàng chục lượt bệnh nhân mỗi ngày, ThS Phương cho biết đa số bệnh nhân mất ngủ, ám ảnh sợ bệnh, lo tái nhiễm, lo sẽ chết bất cứ lúc nào... Họ không muốn vui chơi, giải trí, thậm chí tuyệt vọng, có người nói không còn muốn sống nữa.

Dịch bệnh làm thay đổi nhiều điều: Trẻ em phải học trực tuyến, không được tiếp xúc với bạn bè. Người cao tuổi có thói quen thăm hỏi, gắn kết tình làng nghĩa xóm thì phải ở trong nhà suốt các đợt giãn cách. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, nhất là với người Việt vốn có tính cộng đồng cao. 

“Điều trị phục hồi mất bao lâu tùy thuộc vấn đề bệnh nhân mang đến, tùy thuộc “khả năng miễn dịch về tinh thần” của họ cùng các nguồn lực gia đình, bạn bè... Những mất mát lớn như vậy thì không thể quên nhanh được, cần một tiến trình điều trị lâu dài”, ThS Phương cho hay.

Theo các chuyên gia, văn hóa Việt Nam là ở bên cạnh người thân những phút cuối đời, mai táng chu toàn, cúng kiếng cẩn thận cho người mất. Nhưng trong đại dịch, nhiều người mất đi người thân đột ngột, không kịp nhìn mặt, họ tự trách cứ dằn vặt bản thân dẫn đến trầm cảm.

Theo thống kê của Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu COVID-19 (BV Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM), khoảng 66% bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 gặp phải triệu chứng trầm cảm, mất ngủ (45%), rối loạn tập trung (27%) và thường kéo dài trong vài tuần, thậm chí vài tháng. 

ThS.BS Trần Quang Trọng- chuyên viên tâm lý, BV Lê Văn Thịnh - cho biết giai đoạn hậu COVID-19 bệnh nhân có thể gặp hai trạng thái về tâm lý: rối nhiễu hoặc rối loạn. Rối nhiễu là những triệu chứng thoáng qua như mất ngủ, nhịp tim nhanh, thay đổi thói quen, hành vi nhưng có thể điều chỉnh dần trong sinh hoạt thường ngày. 

Theo số liệu nghiên cứu tại BV Bạch Mai, trong thời gian bị phong tỏa (từ 26 đến 29-4-2021) có đến 15% nhân viên y tế mắc triệu chứng lo âu, 13% bị trầm cảm và 5% bị mất ngủ.

Rối loạn xảy ra khi bệnh nhân mang tâm lý nặng nề, ám ảnh dai dẳng về COVID-19, stress sau sang chấn. Họ thụ động, ít giao tiếp hơn, những ký ức sang chấn tái đi tái lại dưới các hình thức như giấc mơ, nghe tiếng còi xe cấp cứu...

“Từ rối nhiễu dẫn đến rối loạn đã thành một chứng bệnh, cần được hỗ trợ trị liệu tâm lý bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay đa phần bệnh nhân đều ở mức rối nhiễu”, BS Trọng nói. 

Ông cho biết trước đây, khi số ca điều trị ở các bệnh viện dã chiến, thu dung cộng với số ca tử vong cao, số người gặp vấn đề sang chấn tâm lý hậu COVID-19 khá nhiều, nhưng hiện nay, phần lớn bệnh nhân được tạo điều kiện điều trị tại nhà nên tâm lý họ phần nào ổn định hơn.

Gần đây, khi ngành y tế bắt đầu chú trọng việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, số lượng bệnh nhân đến điều trị ngày một nhiều hơn, số lượng khoa/phòng/trung tâm điều trị cũng ngày một tăng.

Các chuyên gia tâm lý đưa ra 3 lời khuyên chính cho bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Thứ nhất, cần tập trung cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân bằng việc xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể thao hợp lý. 

Thứ hai là tìm các phương pháp thư giãn để phục hồi trạng thái tâm lý ổn định. Thứ ba là thường xuyên kết nối với người thân, bạn bè thông qua nhiều hình thức để tái thiết các mối quan hệ, chia sẻ những khó khăn đã trải qua.

TP.HCM thúc đẩy chăm lo hậu COVID-19

Sở Y tế TP.HCM cho biết trong năm 2022 TP sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, đặc biệt cho y tế cơ sở. Sẽ có một tổng đài chăm sóc sức khỏe tâm thần, và tiến hành nghiên cứu tác động của COVID-19 với các lĩnh vực. Chiến lược chăm sóc hậu COVID-19 được triển khai theo hướng tiếp cận và can thiệp sớm nhằm chăm sóc, điều trị sớm cho người mắc di chứng, giúp họ lấy lại sức khỏe thể chất, tinh thần.

Hiện nay, ngoài trung tâm điều trị hậu COVID-19 ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các BV tại TP.HCM đã mở ra nhiều phòng khám (BV Đại học Y dược, BV Chợ Rẫy, BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM…) phục vụ điều trị hậu COVID. 

Theo BV Đại học Y dược TP.HCM, hơn 1 tháng mở cửa phòng khám hậu COVID-19, nơi này đã đón hơn 4.000 bệnh nhân với các triệu chứng phổ biến là khó thở, mất ngủ, mệt mỏi… Trong đó, rất nhiều người có di chứng về thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, mau quên, không tập trung.

BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cũng tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19. “Trong nhóm các bệnh nhân khỏi COVID-19 ở độ tuổi 30 - 50, dù không có bệnh lý nền nhưng hầu hết vẫn xuất hiện các triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress...” - BS Phan Minh Hoàng, giám đốc BV, cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận