Khoảng 250 đại biểu trong và ngoài nước đã dự diễn đàn MTP - Ảnh: B.D.
MTP quy tụ 250 doanh nghiệp trong tiểu vùng sông Mekong với chủ đề "Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch". Sự kiện do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, nhằm tìm giải pháp kết nối, vực dậy du lịch sau COVID-19.
Ngành du lịch đang "tái thiết" sau cú sốc COVID-19
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - cho rằng đại dịch đặt ra yêu cầu nhìn nhận và định hình lại ngành du lịch để hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Theo ông, dù có những tín hiệu lạc quan, hiện tại ngành du lịch đang đứng trước nhiều thách thức do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này làm chi phí vận chuyển và lưu trú tăng cao, tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp tới mức chi tiêu của du khách.
Ông Khánh khuyến khích các bên liên quan đến du lịch ở mọi quy mô tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của ngành, cũng như nâng cao năng lực của ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.
Các sản phẩm thủ công truyền thống ở Việt Nam được giới thiệu tại diễn đàn - Ảnh: B.D.
Để thúc đẩy nhanh sự phục hồi du lịch trên quy mô lớn, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng sự bắt tay hợp tác liên vùng là rất quan trọng. Các sáng kiến được triển khai và áp dụng với sự thúc đẩy mạnh mẽ của truyền thông sẽ kích thích ngành du lịch tăng trưởng trở lại.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho rằng với lợi thế về tài nguyên điểm đến phong phú và được cả thế giới biết đến, Quảng Nam là một mắt xích nằm trong tổng thể du lịch vùng.
Tỉnh đang tranh thủ mọi cơ hội giúp ngành du lịch phục hồi với đồng loạt các sự kiện quy mô quốc gia được kéo về tổ chức.
Quảng Nam cũng cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.
Sau đại dịch, chưa bao giờ ngành du lịch chứng kiến sự "tái thiết" mạnh mẽ như hiện tại, cả về ý tưởng lẫn các sản phẩm thực tế, quyết tâm hỗ trợ từ chính quyền.
Ông Tân cũng tranh thủ diễn đàn MTP để mời gọi các đại biểu trải nghiệm phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm...
"Công nghệ sẽ mở ra cơ hội du lịch xanh"
Diễn đàn du lịch Mekong 2022 bao gồm ba phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất các diễn giả đã trao đổi về các nguồn lực cần thiết để nâng cao tầm nhìn và khuôn khổ pháp lý tăng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Khách du lịch đang dần trở lại phố cổ Hội An sau COVID-19 - một điểm đến nổi tiếng thế giới - Ảnh: B.D.
Ở phiên thảo luận thứ hai, các diễn giả trao đổi các công cụ tài chính, hình thức hợp tác và cơ chế khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ du lịch và người mua hợp tác với nhau cùng phát triển vì sự bền vững.
Trong phiên thảo luận cuối cùng với chủ đề "Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh", các diễn giả đã chia sẻ phương pháp tối ưu nhất về việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối đa hóa tác động tích cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
Phiên thảo luận đã nêu bật những thách thức, giải pháp và cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để áp dụng tốt hơn công nghệ và hội nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ.
Sau Diễn đàn du lịch Mekong 2022 lần này, Campuchia sẽ nhận đăng cai phiên tiếp theo vào cuối tháng 3 năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận