12/06/2024 08:06 GMT+7

Hậu bầu cử Nghị viện châu Âu là gì?

Trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, người di cư và Ukraine được nhận định sẽ là hai trong số các vấn đề chính "bị đe dọa". Và giờ là lúc các vấn đề đó sẽ được các chính trị gia đắc cử đặt lên bàn cân.

Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ tập trung bên ngoài tòa nhà EP tại Brussels (Bỉ) vào hôm 9-6 - Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ tập trung bên ngoài tòa nhà EP tại Brussels (Bỉ) vào hôm 9-6 - Ảnh: REUTERS

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc sẽ định hình cách khối 27 nước đối mặt với các thách thức, từ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, biến đổi khí hậu cho tới vấn đề người di cư và cuộc chiến ở Ukraine.

Tăng rào cản với người nhập cư

Trong thập niên qua, ít chủ đề nào gây chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) như chính sách di cư và tị nạn, vấn đề cũng đã thử thách sự đoàn kết vốn được coi là nền tảng của khối này.

Mức độ ủng hộ gia tăng với các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử EP có khả năng sẽ giúp củng cố những đề xuất tăng cường rào cản với người nhập cư và làm quan hệ nội khối thêm căng thẳng.

Các đảng cực hữu đã giành được vị trí hàng đầu ở Ý, Áo và Pháp được nhận định sẽ sớm mở rộng ảnh hưởng của họ đối với các chính sách của EU với người di cư. Gần 1/4 số ghế sắp tới tại EP sẽ do các nhà lập pháp theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy và hoài nghi về châu Âu nắm giữ.

Tại Pháp, chính trị gia Marine Le Pen đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử EP. Bà Le Pen tuyên bố Đảng Mặt trận quốc gia theo đường lối cực hữu của bà sẵn sàng "nắm quyền, bảo vệ lợi ích của Pháp và chấm dứt tình trạng di cư hàng loạt". Đảng của bà giành được hơn 30% số phiếu, gấp đôi đảng trung dung của Tổng thống Macron.

Giáo sư luật Barbou des Places tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne giải thích: "Cuộc khủng hoảng di cư đã làm tăng nhận thức về mối đe dọa và càng cho thấy thái độ "hướng nội" của các quốc gia thành viên, với mong muốn tự bảo vệ mình bằng cách tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, gồm cả trong khu vực Schengen".

Hồi năm 2016, EU đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng ý trả 6 tỉ euro để đổi lấy cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn bớt dòng người di cư bất hợp pháp.

EU cũng đã tăng gấp đôi ngân sách phân bổ hằng năm cho Cơ quan Biên phòng và bảo vệ bờ biển châu Âu (Frontex) lên 900 triệu euro, với mục tiêu có một lực lượng biên phòng và bảo vệ bờ biển thường trực gồm 10.000 người vào năm 2027.

Năm nay, các nhà lập pháp EU đã thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn, trong đó thiết lập một thủ tục để "lọc" người di cư tại biên giới các nước EU và trả về những trường hợp có cơ hội xin tị nạn thấp. Hiệp ước này cũng yêu cầu các quốc gia có ít người nộp đơn phải đồng ý tiếp nhận nhiều hơn hoặc đóng góp tài chính cho những nước có số người nộp đơn cao nhất.

Hiệp ước này mất gần bốn năm đàm phán khó khăn, nhưng chỉ vài ngày sau khi thông qua, 15 quốc gia thành viên đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi đưa ra biện pháp cứng rắn hơn.

"Nhiều quốc gia tin rằng chính sách di cư của EU vẫn chưa đủ mạnh", giáo sư Barbou des Places chỉ ra. Bà cho rằng người di cư "vẫn là vấn đề chính trong nhiệm kỳ tiếp theo tại EP với sự chia rẽ rõ ràng giữa cánh tả và cánh hữu".

Các đảng ủng hộ Ukraine vẫn giữ đa số

Theo tờ Euromaidan Press ngày 11-6, kết quả bầu cử EP nhiệm kỳ 2024 - 2029 cho thấy các đảng cực hữu đã đạt được một số thắng lợi, nhất là kết quả ở Pháp và Đức. Các đảng cực hữu ở châu Âu, như Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) bị cáo buộc có quan hệ với Nga và trong hàng ngũ có người chịu ảnh hưởng của Điện Kremlin.

Theo Hãng tin AP, kết quả tại Pháp gây lo lắng cho Tổng thống Macron trong lúc ông cố gắng dẫn dắt nỗ lực trên toàn châu Âu để bảo vệ Ukraine và thúc đẩy phòng thủ của EU.

Tuy nhiên về tổng thể, các nhóm trung dung ủng hộ Ukraine vẫn giữ được thế đa số tại EP. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu vẫn dẫn đầu khi giành được 186 trong số 720 ghế tại EP. Đảng này nhìn chung ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen - chính trị gia đến từ EPP - một lần nữa được kỳ vọng trở thành ứng cử viên cho chức chủ tịch EC. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, bà Ursula von der Leyen là người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine, ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga và cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo cho Ukraine.

Kết quả bầu cử EP cho thấy đứng sau EPP là hai đối tác chính - Liên minh Xã hội và dân chủ (S&D) theo đường lối trung tả với 135 ghế và Đảng Renew Europe (RE) theo đường lối trung dung với 79 ghế.

Tiếp đến là hai nhóm cực hữu - gồm Đảng Bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR) với 73 ghế và Đảng Bản sắc và dân chủ với 58 ghế.

Biến EDIS thành hiện thực

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến các thành viên EU nhận thức sâu sắc những thiếu sót của họ về năng lực và trang thiết bị quốc phòng, cũng như nhu cầu tăng cường cơ sở công nghiệp và công nghệ của châu Âu để không chỉ làm mới kho dự trữ mà còn cung cấp vũ khí cho Ukraine.

EC đã đề xuất một khuôn khổ dài hạn - được gọi là Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIS) - nhằm mục đích "đầu tư nhiều hơn, tốt hơn, cùng nhau và trên toàn châu Âu", đồng thời giảm tỉ lệ vũ khí mua từ ngoài EU.

Bà Elsa Bernard, chuyên gia quốc phòng EU tại Đại học Lille ở miền bắc nước Pháp, bình luận việc biến EDIS thành hiện thực "sẽ là thách thức chủ yếu đối với EC và EP tiếp theo".

Cuộc bầu cử làm đảo lộn châu ÂuCuộc bầu cử làm đảo lộn châu Âu

Sự trỗi dậy của các đảng trung hữu và cực hữu trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu gióng lên hồi chuông báo động với nhiều chính phủ hiện tại ở lục địa già.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên