25/11/2011 00:12 GMT+7

Hát xoan Phú Thọ trở thành di sản thế giới

 HÀ HƯƠNG
 HÀ HƯƠNG

TT - Trưa 24-11, từ Bali (Indonesia), tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho biết UNESCO chính thức công bố đã ghi danh hát xoan của Việt Nam vào di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

9cS5qbuD.jpgPhóng to
Thiếu niên phường xoan Phù Đức (Phú Thọ) trình diễn tại lễ hội đền Hùng năm 2010 - Ảnh: Quốc Hội

“Theo báo cáo của ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ họp tại Bali (từ ngày 21 đến 29-11-2011), hồ sơ hát xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ làm tốt nhất trên tổng số 33 hồ sơ khẩn cấp được đệ trình lần này. Tổng số di sản được bảo vệ khẩn cấp được ghi nhận sáng 24-11 là 10 di sản của chín quốc gia (Việt Nam, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Brazil, Mali, Mauritus, Mông Cổ, UAE” - bà Lý thông báo.

Từ Indonesia, tiến sĩ Lê Văn Toàn (Viện Âm nhạc) cho biết hồ sơ khoa học về di sản hát xoan đã được hội đồng UNESCO đánh giá rất cao, đáp ứng đầy đủ tiêu chí và đã được coi là một trong số những hồ sơ mẫu. Hội đồng UNESCO đánh giá hát xoan là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo bởi tính cổ xưa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ.

Hát xoan (điệu hát mùa xuân) là loại hình nghệ thuật dân gian có từ rất lâu đời ở Phú Thọ. Hiện ở Phú Thọ có bốn phường xoan, trong đó có ba phường xoan cổ và phường An Thái mới thành lập. Thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ cho thấy hiện còn 69 nghệ nhân hát xoan (từ 60 tuổi trở lên), 49 người (từ 60 tuổi trở lên) biết hát xoan, 81 người tham gia các phường xoan, trong đó chỉ có tám nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy. Hồ sơ hát xoan ở Phú Thọ được hoàn thành vào tháng 3-2010, đến tháng 8-2011 nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế kèm khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam.

* Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (thành viên ban soạn thảo hồ sơ hát xoan Phú Thọ trình Unesco):

Phải nhìn thấy hát xoan ở cả ba chiều: lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Hát xoan quý ở chỗ là sáng tạo của quá khứ, có bề dày của lịch sử văn hóa và đến nay vẫn còn sức sống trong cộng đồng. Đời sống của hát xoan chính là đời sống của cộng đồng, được họ trân trọng, gìn giữ. Đó là tiêu chí rất quan trọng để Unesco đánh giá và vinh danh.

Giữ hát xoan không có cách nào tốt hơn là giữ nguyên dạng như hiện nay. Còn chuyện phục hưng phải từ từ. Nếu cứ thêm mắm, thêm muối, thêm lời, thêm từ thì chẳng còn gì là hát xoan cả. Phải làm hát xoan sống như thể là hơi thở của đời sống cộng đồng. Rất may cho hát xoan hơn nhiều di sản khác là có người nghe. Hàng nghìn người dân ở bốn làng xoan đều yêu hát, truyền dạy cho nhau và bảo tồn hát xoan. Họ còn dạy cho lớp 9-10 tuổi và các cháu hát rất hay. Đôi khi, cũng phải có chút bảo thủ mới giữ được di sản.

* Ông Nguyễn Khắc Xương (nhà nghiên cứu hát xoan Phú Thọ):

Hát xoan là điệu hát nghi lễ. Hầu hết các làng hát xoan đều hát thờ vua Hùng. Có thể nói hát xoan là hát thờ tín ngưỡng Quốc tổ Hùng Vương, cũng là biểu hiện cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Vì vậy, về mặt nghi lễ, đó là nghi lễ linh thiêng nhất.

Hát xoan ngoài phần lễ nghi còn là tập hợp của những điệu hát trữ tình giao duyên, vừa nôm na lại vừa duyên dáng. Trong lễ hội của làng xoan, sau phần lễ đều có phần vui chơi mà người phường xoan gọi là hát chơi bời gồm có hát đúm, hát đố, hát đối đáp trai gái... mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Sức sống của hát xoan chính là tổng hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được người già đến người trẻ yêu thích.

 HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên