Cùng với quốc kỳ, quốc ca là một trong những biểu tượng của một dân tộc và người dân các nước rất tự hào với quốc ca của mình.
Phóng to |
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM chào cờ và hát quốc ca tại lễ phát động chủ đề năm học 2010-2011 do Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức sáng 30-8 - Ảnh: MINH ĐỨC |
Chúng tôi rất đồng tình với tác giả Vũ Mão khi ông đề cập việc hát quốc ca trong Quốc hội ở một bài báo trên Tuổi Trẻ. Gần như không có nơi nào trên thế giới khi bật nhạc lại kèm theo có máy hát như ở ta khi hát quốc ca. Người ta chỉ bật nhạc và trên nền nhạc đó mọi người sẽ hát vang bài ca về Tổ quốc.
Một cuộc khảo sát với chủ đề “Viết lời bài hát Tiến quân ca và cho biết tác giả bài hát cùng với năm ra đời của bài hát này” được chúng tôi thực hiện ở hai trường ĐH tại TP.HCM với 500 SV, trong đó có cả SV hệ chính quy và không chính quy, cho biết khoảng 95% người được điều tra viết sai lời bài hát Tiến quân ca. Trong đó lỗi viết sai phổ biến nhất: “Tiến mau ra sa trường” thành “Tiến mau ra xa trường” cùng rất nhiều lỗi căn bản và buồn lòng khác mà không tiện viết ra.
Chỉ khoảng 60% biết đúng tên tác giả và khoảng 10% biết được năm ra đời của bài hát. Trong số SV không chính quy, các anh bộ đội, công an và những cán bộ Đoàn hầu như viết không sai lời, điều này chứng tỏ trong quân đội, công an và Đoàn thanh niên rất chú trọng và quan tâm đến quốc ca.
Những con số này nói lên điều gì? Phải chăng chúng ta chỉ quan tâm tới những môn học thi tốt nghiệp, thi đại học mà quên đi những môn mang tính xã hội và nhân văn? Ai là người có lỗi?... Viết đến đây tôi nhớ lại một lần hỏi con trai về ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong (mà cháu đang là đội viên). Câu hỏi đã không được trả lời. Do vậy việc HS của VN biết rất ít về lịch sử nước nhà là điều không tránh khỏi.
Tại các trường ĐH, các ngày lễ, nhất là các buổi kết nạp Đảng cũng rất ít người hát quốc ca, phần lớn người hát lại là SV. Trước các buổi thi đấu thể thao tầm quốc gia, các vận động viên được nghe và hát quốc ca để thi đấu cho máu lửa và hướng đến màu cờ sắc áo. Khi trao huy chương vàng người ta cũng bật quốc ca của nước thắng cuộc.
Trong lúc hát rất nhiều người bật khóc và khi trang nghiêm hát quốc ca chúng ta thấy có trách nhiệm hơn về vận mệnh dân tộc, về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, về niềm tự hào là công dân của một đất nước...
Nhớ ngày đi học Từ lâu tôi luôn băn khoăn, day dứt vì không có dịp hát quốc ca. Đây là nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Thế nhưng từ khi vào ĐH đến nay đã hơn ba năm tôi mới chỉ hát quốc ca chừng vài lần. Nói là hát nhưng có hai lần tôi chỉ việc đứng và nghe nhạc. Nếu tôi cất tiếng hát để thể hiện niềm tự hào dân tộc hay sự đoàn kết thì thật lạc lõng và... đơn chiếc. Hình như càng lớn người ta càng ít hát quốc ca. Việc hát quốc ca không chỉ xây dựng cho thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, cảm giác cùng một tập thể cất vang tiếng hát cũng tạo nên tinh thần gắn kết, tình cảm cộng đồng, cũng như sức mạnh của tình đoàn kết. Thế nhưng chúng ta ngày càng lạm dụng vào công nghệ. Tôi thấy nhiều lúc người ta chỉ mở nhạc. Nếu người hát quốc ca hát chưa hay thì đó vẫn là tiếng hát thiêng liêng, cao cả về Tổ quốc của mỗi người dân VN. Tôi còn nhớ ngày đi học, mỗi buổi sáng đầu tuần mỗi lớp thay phiên nhau tổ chức kéo cờ, đánh trống và bắt nhịp hát vang bài quốc ca. Thật tự hào biết bao! Thế mà ngày nay, ngay cả trong những kỳ họp Quốc hội người ta cũng chỉ bật nhạc khi chào cờ. Cũng có người biện hộ rằng nếu hát thì sợ không đồng thanh, không hùng hồn. Điều này thật khó hiểu! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận