Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 26-6 (giờ Mỹ) gây chú ý với phát biểu cho rằng Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa hạt nhân. Đây là cách nhìn ngược lại với Tổng thống Donald Trump, người khẳng định "không còn mối đe dọa hạt nhân đến từ Triều Tiên".
Vẫn nghiên cứu hạt nhân?
Ngày 27-6, trang chuyên đưa tin về Triều Tiên 38North.org dẫn các phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể tiếp tục phát triển hạ tầng tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyong.
Theo 38North, một chương trình của Viện Mỹ - Hàn, thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại SAIS (Washington, Mỹ), khẳng định các bức ảnh hiển thị việc Bình Nhưỡng có vẻ đã điều chỉnh hệ thống làm mát tại lò phản ứng plutonium và dựng một công trình mới gần tháp làm mát. Kiến trúc này cũng có thể được quan sát tại lò phản ứng nước nhẹ đang thử nghiệm của khu vực nghiên cứu.
Thông tin này sẽ chờ xác nhận thêm nhưng từ lúc đăng tải, nó đã được hàng loạt cơ quan truyền thông uy tín dẫn lại như Wall Street Journal, Guardian, Time, CNN, ABC...
Nếu đúng như phân tích của 38North, Triều Tiên dường như không có biểu hiện nào cho thấy họ đang tiến hành phi hạt nhân hóa ngay lập tức, như điều mà Tổng thống Trump từng nói sau sự kiện gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12-6.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về nhận định trên, bởi lẽ không thể đưa ra phán đoán chính xác nếu chỉ dựa vào ảnh vệ tinh. Mặt khác, có khả năng Yongbyong vẫn hoạt động như những gì diễn ra lâu nay và chỉ có sự thay đổi nếu có mệnh lệnh trực tiếp từ chính phủ.
Việc tiếp tục hoạt động ở Yongbyong không hẳn liên quan tới bất kỳ lời hứa nào của Triều Tiên về phi hạt nhân
Các chuyên gia phân tích của 38North khuyến cáo
Tiếp tục chờ đợi
Trong khi Mỹ chưa chính thức lên tiếng về thông tin Triều Tiên tiếp tục hoạt động tại Yongbyong, rất có thể câu chuyện phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên sẽ quay lại với nhịp độ cách đây vài tuần và các bên phải tiếp tục chờ đợi trong lúc những cuộc vận động hành lang được thực hiện.
Ngoại trưởng Pompeo từ chối đưa ra chi tiết sâu hơn về những yêu cầu của Mỹ đối với Triều Tiên. Nhưng trong phát biểu tại buổi điều trần với Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện hôm 27-6, dù khẳng định Triều Tiên vẫn là mối đe dọa hạt nhân như đã nêu, ông Pompeo vẫn tự tin Bình Nhưỡng hiểu được nội hàm trong cụm từ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của Mỹ.
Hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang trong chuyến công tác liên quan chặt chẽ tới vấn đề Triều Tiên.
Sau khi thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Mattis tiếp tục đến Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 28-6 trong chuyến đi được nhận định nhằm bàn bạc và trấn an các đồng minh này.
Theo AFP, ông Pompeo đã phát tín hiệu cho thấy cần có thêm thời gian để chốt hạ việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nên nhiệm vụ của ông Mattis một phần cũng là làm rõ cùng người đồng cấp ở Nhật và Hàn về thời hạn và những hoạt động cụ thể.
Thông tin khá bất ngờ về tình hình nghiên cứu hạt nhân của Triều Tiên được đưa ra đúng giai đoạn ông Mattis có mặt ở Bắc Kinh. Ông Mattis được nhận xét đã thể hiện ôn hòa hơn rất nhiều so tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng này. Ngược lại, chủ tịch Trung Quốc đưa ra những thông điệp rất mạnh mẽ về Đài Loan và Biển Đông: “Chúng tôi không thể mất dù là một inch trong lãnh thổ của mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận