TTCT - Thị trường hạt mắc ca thế giới đã đạt kỷ lục mới trong năm 2015 và nó vẫn khiến chúng ta hi vọng Việt Nam cũng có thể trồng và xuất khẩu mắc ca như một loại cây chiến lược? Hãy bình tĩnh xét lại... Nhìn kỹ vào sự sôi động trở lại trên thị trường này của thế giới sẽ thấy một bức tranh “ảo” chủ yếu là do những thương nhân người Hoa tạo nên. Thị trường mắc ca thế giới 2015 vẫn chưa chịu lớn Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc và Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy thị trường mắc ca thế giới trong năm 2015 đã đạt kỷ lục mới: lượng mắc ca xuất tăng 24,5% và lần đầu tiên vượt khá xa ngưỡng 100.000 tấn. Nhưng bức tranh xuất khẩu mắc ca thế giới không quá sáng sủa bởi hai lẽ chủ yếu: do cơ cấu mặt hàng thay đổi rất lớn nên lượng mắc ca xuất khẩu trên thị trường thế giới mới được khuếch đại như vậy. Trong khi lượng mắc ca thô (chưa tách vỏ) trong “rổ mắc ca xuất khẩu” giai đoạn 2012-2014 chỉ dao động trong khoảng 55-58% và mắc ca nhân chiếm tỉ trọng còn lại, thì năm 2015, tỉ trọng của mắc ca thô đã tăng vọt lên 72%, mắc ca nhân chỉ chiếm 28%. Như vậy, nếu quy nhân lượng mắc ca thô xuất khẩu đã tăng vọt nói trên (theo Hiệp hội Mắc ca Úc), lượng mắc ca nhân xuất khẩu của thế giới năm 2015 đã “co lại” chỉ còn hơn 50.000 tấn, không thay đổi so với năm 2014. Việc có rất nhiều quốc gia tham gia xuất khẩu mặt hàng này cũng làm quy mô buôn bán mắc ca trên thị trường thế giới tăng lên không ít. Theo ước tính của INC (International Nut and Dried Fruit Council), sản lượng của 8 quốc gia sản xuất mắc ca chủ yếu hiện chiếm 88% tổng sản lượng của thế giới, nhưng tỉ trọng của nhóm quốc gia này trong “rổ mắc ca thô xuất khẩu” của thế giới hiện chỉ chiếm 37,7%, tức là đã có gần 2/3 tổng lượng mắc ca thô đã được các nước không sản xuất mắc ca nhập để xuất khẩu. Ở nhóm hàng mắc ca nhân, tỉ trọng này là 46,1% và 53,9%, đương nhiên góp phần làm “rổ mắc ca xuất khẩu” của thế giới phình to hơn. Tất cả cho thấy thị trường mắc ca thế giới là một thị trường rất nhỏ, nên nếu Việt Nam hăm hở phát triển nhanh hàng chục nghìn hecta sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa. Việc trồng hàng trăm nghìn hecta mắc ca để nó trở thành cây chiến lược có lẽ là điều viển vông. Khó hi vọng ở giá mắc ca? Ngoài chuyện “ảo nhiều hơn thực” về lượng, kim ngạch xuất khẩu mắc ca năm 2015 tăng 25,1% (lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 triệu USD), tăng trưởng bình quân ba năm gần đây đạt 27,7%/năm. Dù đó là điều đặc biệt quan trọng đối với những người trồng mắc ca, nhưng thực tế giá mắc ca vẫn thấp hơn nhiều so với những năm mất mùa trước đó. Nếu tính chung cả “rổ mắc ca” trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu năm 2015 đạt 6,70 USD/kg, chỉ tăng rất nhẹ so với 6,67 USD/kg năm 2014. Giá mắc ca thô năm 2015 là 4,2 USD/kg (tương đương 94.000 VND hiện nay). Giá mắc ca nhân năm 2015 có tăng tới 27,2% so với năm trước, cũng chỉ đạt tới 13,1 USD/kg (tương đương 292.000 VND). Thực trạng giá cả nói trên bác bỏ ý kiến cho rằng thị trường mắc ca thế giới luôn ở trong tình trạng cung không đủ đáp ứng cầu. Bởi nhiều khả năng là do cung giảm liên tục trong hai năm trước đó đã đẩy giá mắc ca lên đỉnh vào năm 2012, ngược lại khi cung liên tục được đẩy lên trong hai năm 2013-2014 thì giá đã giảm mạnh, còn cung trong năm 2015 chững lại thì giá được phục hồi. Bảng giá đó của thế giới cho thấy giá mắc ca thô 210.000-320.000 đồng/kg và giá mắc ca nhân 700.000-900.000 đồng/kg ở thị trường nước ta hiện nay là loại giá “trên trời”, gây ảo tưởng thu nhập “khủng” cho người trồng mắc ca và ảo tưởng nhanh chóng đưa nó thành cây trồng chiến lược, thậm chí giúp xoay chuyển cục diện nền nông nghiệp của Việt Nam. Thương nhân người Hoa đang khuynh đảo thị trường? Dù tổng khối lượng mắc ca buôn bán trên thị trường thế giới năm 2015 thực chất không tăng, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh là một thực tế. Thực tế này có phần rất quan trọng là do các thương nhân người Hoa tạo ra. Không trồng một cây mắc ca nào nhưng năm 2014 Hong Kong đã xuất khẩu gần 21.000 tấn mắc ca thô (chiếm 65,2% thị trường thế giới), năm 2015 tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn còn hơn 13.000 tấn (17,4%). Để có được đầu ra lớn như vậy, năm 2014 họ đã nhập khẩu gần 21.000 tấn (65,2%), năm 2015 vẫn nhập khẩu hơn 19.000 tấn (31,2%). Trong đó, nhập khẩu từ hai quốc gia sản xuất mắc ca chủ yếu là Nam Phi và Úc thường xuyên chiếm khoảng 80%. Thống kê về xuất nhập khẩu mắc ca của Trung Quốc năm 2015 còn gây ngạc nhiên hơn. Theo INC, sản lượng mắc ca nhân của Trung Quốc những năm gần đây dao động trong khoảng 1,1-1,5 nghìn tấn, lượng mắc ca thô nhập khẩu liên tiếp từ năm 2012-2014 dao động trong khoảng 7.000-8.000 tấn, xuất khẩu mắc ca nhân hai năm 2013-2014 đạt 2,2-2,6 nghìn tấn. Như vậy, Trung Quốc đã thường xuyên nhập khẩu mắc ca thô để chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, 93-98% nguồn nhập này là từ bốn quốc gia sản xuất chủ yếu: Úc, Hoa Kỳ, Nam Phi và Zimbabwe. Nhưng nhập khẩu mắc ca thô năm 2015 của họ tăng đột biến lên hơn 20.000 tấn, xuất khẩu mắc ca nhân năm 2015 lại giảm mạnh xuống chỉ còn 1,5 nghìn tấn. Do vậy, với khối lượng mắc ca thô “khủng” nhập khẩu năm 2015 của Trung quốc, có thể xảy ra hai khả năng: hoặc vẫn còn tồn kho lớn để tiếp tục chế biến và xuất khẩu trong năm nay, hoặc nhu cầu tiêu dùng mắc ca thô của nước này tăng đột biến. Khả năng thứ hai ít xảy ra hơn, bởi khó có lý do kinh tế nào bảo đảm cho điều đó. Như vậy, có thể suy đoán rằng trước việc giá mắc ca năm 2014 chạm đáy, các thương nhân người Hoa đã vào cuộc và năm 2015 vừa qua họ đã khống chế được thị trường này và đẩy giá lên. Thị trường mắc ca thế giới năm 2015 dẫu có tín hiệu tích cực hơn nhưng khó lường, quy mô của nó vẫn còn rất nhỏ, giá cũng không thể bảo đảm cho người trồng mắc ca nước ta thu lợi như mong muốn.■ Tags: Hạt mắc caThị trường mắc caThương nhân người Hoa
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.