Tra tấn người khác
"Tiếng ồn đã trở lại và còn lợi hại hơn trước. Họ hát từ sáng tới tối. Loa thì rè, nhạc lôm côm, giọng hát pha bia rượu thì lè nhè… như tra tấn.
Tôi đã chứng kiến nhiều người muốn thuê nhà kinh doanh, để ở nhưng khi đến nghe có nhà hàng xóm hay hát karaoke là chào tạm biệt không quay lại thuê nhà gần khu đó. Chẳng hiểu vì sao lực lượng chức năng không kiên quyết xử lý dứt điểm việc này?", bạn đọc Đình Trúc kể.
Tương tự, bạn đọc có nick name Nickle bày tỏ: Chính quyền TP lên tiếng được một dạo, rồi đâu lại vào đó. Giờ việc hát karaoke càng ngày càng mất trật tự hơn.
Họ hát không chỉ để giải trí, thỏa mãn cái tôi. Mà còn thách thức những cư dân khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống. Nhất là người già và trẻ em.
Còn bạn đọc Minh Trần lại cho rằng các quy định còn nhẹ, xử lý không dứt điểm với tệ nạn này thì người dân còn khổ.
Và theo bạn đọc Minh Trần, xã hội văn minh không thể chấp nhận những hành vi bát nháo, xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân khác như thế.
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc Trang đặt vấn đề: Chuyện này báo chí nói mãi nhưng việc hát karaoke tra tấn xóm làng không ai chịu trách nhiệm giải quyết là sao? Hay cho đây là chuyện nhỏ nên ngành chức năng và chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc?
Để khắc chế nạn hát karaoke, bạn đọc Dung tếu táo kể: Nhà tôi có cưa máy. Hễ nhà hàng xóm hát mà ồn ào không chịu nổi, tôi xách cưa ra cưa củi... Ấy thế mà không hiểu sao chút xíu là họ im ắng à.
"Chúng ta quá dễ dãi với những hoạt động ngoài trời như dạng này. Đó chính là những sinh hoạt gia đình nhưng lại ảnh hưởng đến người sống xung quanh.
Tại sao chúng ta không quy định là muốn tổ chức sinh hoạt ngoài trời mà có gây tiếng ồn là phải xin phép? Và mỗi lần hát hò hay tiệc tùng đông người mà phải xuống phường xin phép thì nhiều khi họ cũng nản, nên khỏi tổ chức cho khỏe.
Chính quyền mà nghe dân báo có tiếng ồn hay tiệc tùng linh đình, chỉ cần người của chính quyền xuống hỏi có giấy phép chưa, vậy là đủ rồi", bạn đọc Da Nang nêu đề xuất.
Không lẽ bó tay chịu tra tấn
Nói thêm về thực trạng, bạn đọc M.R.CH. cho biết khi nhà hàng xóm hát karaoke, nhắc nhở họ thì cũng như không. Người dân gọi cho công an khu vực thì cũng chẳng giải quyết được gì. Quá chán nản luôn!
Để xử phạt, bạn đọc Thanh Bình Dương cũng cho biết máy đo tiếng ồn có đầy trên thị trường online. Công an phường, xã đo, căn cứ luật phạt. 50% tiền xử phạt nộp ngân sách, 25% dành cho xã phường, còn 25% cho người làm nhiệm vu phạt hưởng. Phạt nặng là hết hát.
"Tính ra vấn nạn hát karaoke cũng diễn ra cả hơn 10 năm rồi mà chả xử lý được. Gọi báo phường, riết chán, cứ điệp khúc thông cảm cho người ta có tiệc.
Chúng tôi phản ảnh lên tổng đài 1022 thì được trả lời đã xử lý xong. Riết tôi chán khi nghĩ đến phải ở nhà những ngày lễ Tết. Tôi là nạn nhân tiếng ồn karaoke tra tấn lâu năm của phường Tân Kiểng, quận 7 đây", bạn đọc có nick nam Trần Xuân Soạn viết.
Tương tự, bạn đọc Minh bày tỏ: Người dân rất bức xúc với vấn nạn karaoke này, án mạng cũng đã xảy ra. Đề nghị các cấp quy định tăng nặng xử phạt, bãi bỏ quy định về hát karaoke trong thời gian sau 22h và độ ồn. Chỉ cần cơ quan chức năng lập biên bản là phạt.
"Tôi nói thật, xem ra chính quyền địa phương đã bất lực và thua trắng hoàn toàn tệ nạn tiếng ồn từ karaoke trong nhà ngoài phố. Người dân ai cũng nghe thấy và bị tra tấn ngày đêm từ các tiếng ồn đó.
Nhưng riêng chính quyền địa phương lại không nghe thấy hay sao? Đã đến lúc Chính phủ nên đưa vấn đề tệ nạn này vào dự luật để kiểm soát tiếng ồn và đem lại bình an cho người dân", bạn đọc Thảo Dân đề xuất.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có bao giờ gặp phải tình huống nhà hàng xóm "đắp một cuộc tình" hết ngày này qua ngày khác? Khi gặp tình huống này bạn có báo chính quyền địa phương và được giải quyết ra sao?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
ĐỨC TUYÊN tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận