Ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí tháng 7-2018 - Ảnh: VŨ TUẤN
Cái tên Phạm Văn Thủy xuất hiện trong thông cáo của Ủy ban Kiểm tra trung ương gợi nhiều suy nghĩ.
Ông Thủy năm nay 50 tuổi, vốn là một trong số 59 cán bộ trung ương luân chuyển trong nhiệm kỳ 2011-2016. Từ vị trí cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), ông được điều về làm tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vào tháng 4-2014.
Trong công tác cán bộ, người thuộc diện luân chuyển luôn được xem là "hạt giống đỏ". Họ phải là những cán bộ trẻ, nằm trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng phát triển.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cứ được luân chuyển là nghiễm nhiên sẽ được thăng tiến sau thời gian luân chuyển (ít nhất 36 tháng). Nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc"dính" án kỷ luật thì sẽ bị bố trí vị trí thấp hơn chức danh đảm nhiệm trước khi luân chuyển.
Ông Phạm Văn Thủy là một trường hợp điển hình. Với mức kỷ luật cảnh cáo và bị xác định là "đầu vụ" (chịu trách nhiệm chính cùng giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức) trong một vụ án gian lận thi cử chấn động đi vào lịch sử, ông Thủy còn đối diện với các hình thức xử lý khác bởi kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, xử lý hình sự.
"Hạt giống đỏ" nếu không tu dưỡng, rèn luyện sẽ trở thành "hạt giống lép".
Bài học ấy không mới nhưng vẫn luôn giá trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận