13/07/2014 11:43 GMT+7

Hát cho hương hồn những đồng đội

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Trưa 11-7, nhạc sĩ Trương Quý Hải - một người lính của sư đoàn 356 - ôm guitar hát ở đài hương trên cao điểm 468 cho những hương hồn đồng đội 30 năm chưa được về nhà.

Buổi chiều 12-7, anh ngồi hát giữa những đồng đội đã nằm yên dưới mộ ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Những câu hát là gan ruột của một người lính đã từng hát, từng chia sẻ từng hơi thuốc lào và cũng tự tay chôn hàng trăm đồng đội 30 năm trước. “Tôi nhập ngũ năm 1982, đến năm 1984 thì đơn vị hành quân từ Hoàng Liên Sơn sang Hà Giang. Ngày đó, không hiểu sao các thủ trưởng biết tôi chơi violon nên chuyển tôi lên tuyên văn sư đoàn (tức là tuyên truyền văn nghệ). Sau ngày 12-7, tôi chuyển sang chăm sóc anh em thương binh và khâm liệm tử sĩ. Đó là những ngày đáng nhớ nhất, đau xót nhất” - nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ lại.

* Ở các điểm cao thì khốc liệt, còn không khí ở phía sau mặt trận như thế nào?

- Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Ít ai biết năm 1984 mà chiến tranh khốc liệt đến như thế. Từng đoàn xe Gaz - 66 chở đầy anh em đã hi sinh về, nhiều thân thể không còn toàn vẹn. Không hiểu sao trong thời khắc đau thương đó, tôi cứ nghĩ về gia đình, cha mẹ. Những người lính mười tám, đôi mươi suy nghĩ đơn giản lắm, chỉ có ba điều: gia đình, Tổ quốc, đồng đội. Và khi đó, tất cả chúng tôi đều nghĩ phải ở lại, dù có thể mình sẽ mãi mãi nằm lại mảnh đất này.

Trước lúc khâm liệm, tôi đều tìm thông tin về số hiệu đơn vị trong các túi áo. Hầu như chẳng còn gì đâu, quần áo tan nát hết cả. Có lần tôi tìm được một lá thư trong túi áo ngực của một cậu lính còn rất trẻ. Lá thư viết dở trên vỏ bao thuốc Sapa, mới chỉ có dòng chữ “Mẹ kính yêu” trộn cùng máu. Suốt đêm đó, tôi đi lang thang, nghĩ đến người mẹ của đồng đội vừa chết. Tôi cũng muốn viết một lá thư cho mẹ mình. Nhưng thời đó, nguyên tắc bí mật, có viết thư cũng không gửi được về nhà. Đêm hôm đó, tôi viết bài Thư gửi mẹ. Bài hát đó tôi hát ngay cho anh em thương binh đang điều trị ở Vị Xuyên.

* Không chỉ có Thư gửi mẹ, những ký ức đau thương từ Vị Xuyên còn xuất hiện trong rất nhiều bài hát của anh sau này?

- Tôi viết cho các đồng đội ở sư đoàn 356, cho trận đánh trên cao điểm 685. 30 năm sau trận chiến ác liệt ngày 12-7, tôi viết Về đây đồng đội ơi và Hát cho người còn sống. Về đây đồng đội ơi tôi viết sau 100 ngày khánh thành đài hương trên cao điểm 468. Bài hát được viết từ những chuyện anh em kể, từ những áy náy vì chưa thể trở về Vị Xuyên. Viết xong tôi điện thoại đọc luôn cho một đồng đội đang có mặt trên 468 mà tất cả chúng tôi đều khóc. Những điếu thuốc lào, chén chè chốt là những hình ảnh rất thật của chúng tôi thời đó. Và ám ảnh tôi là hình ảnh những anh em đồng đội khi chết mỗi người một tư thế, nhưng xác thịt thì giờ cũng đã hóa thành đất, linh hồn họ cũng hóa thành lời hát. Tôi mong những lời hát có thể gọi anh em trở về.

Một tuần sau thì tôi viết Hát cho người còn sống, thay tâm sự của anh em đã chết với đồng đội còn sống. Dẫu sao mình vẫn là tuyên văn của sư đoàn, có thế nào cũng là tuyên văn của anh em đã chết. Một lần gặp lại Quyền, cũng là lính 356 ở Hà Nội, cậu ấy nói: anh em được sống cuộc đời mình và phần đời còn lại của những người đã hi sinh. Câu nói ấy ám ảnh tôi. Thật sự, đồng đội đã tặng lại cuộc đời họ cho chúng tôi. Những ca từ trong bài hát cũng là những tâm sự ngày còn nói chuyện và hát nghêu ngao ở đơn vị với nhau:

Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi còn sống về đi!Trở về mái ấm quê hương, tiện đường ghé thăm nhà tôiNhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng,Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sôngMẹ hay nước mắt, cha thường lặng lẽEm tôi ngoan lắm, trăng non tóc thềThay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con hiếu trung dở dangNặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên.... Ký ức góp chuyện cho đời,Bình thường thôi nếu nhắc về tôi,Xác hóa thành đất đá biên cương...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên