30/11/2019 21:41 GMT+7

'Hạt cát nhỏ' Lan Anh 20 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo, khuyết tật

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TTO - Trời đất Bắc đầu đông se lạnh, nhưng lớp học của cô giáo Lê Thị Lan Anh ở Chương Mỹ (Hà Nội) lại 'nóng' tưng bừng bởi sự háo hức của học trò: 'Cô ơi, cô đi nhận giải thưởng có vui không? Cô đi máy bay có thích không?'.

Hạt cát nhỏ Lan Anh 20 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo, khuyết tật - Ảnh 1.

Không chỉ dạy tiếng Anh, Lan Anh còn dạy các em tình yêu thương để làm người tử tế - Ảnh: NVCC

Vừa vào lớp, "hạt cát nhỏ" Lan Anh đã được đón chào bằng hàng loạt câu hỏi pha lẫn tiếng cười khúc khích của trẻ.

Động lực khiến mình gượng dậy chính là sự ham học và tình cảm các em nhỏ dành cho mình. Nếu bây giờ dừng lại thì đó là sự mất mát rất lớn.

LÊ THỊ LAN ANH

"Người ngoài hành tinh"

Vậy là thay vì bắt đầu bài dạy tiếng Anh, cô giáo Lan Anh dành ít phút kể cho học trò của mình về giải thưởng Kova - giải thưởng thường niên dành cho các tập thể, cá nhân hướng đến các giá trị khoa học ứng dụng và sự đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Bọn trẻ reo lên đầy vui thích khi cô giáo của chúng báo tin cô được trao giải Kova về sống đẹp!

Nhưng đó là câu chuyện của hôm nay...

Khác với sân khấu rực rỡ của lễ trao giải thưởng Kova tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM vào sáng 16-11, ngày Lê Thị Lan Anh ra đời hơn 40 năm trước thật ảm đạm. Chịu di chứng chiến tranh do cha nhiễm chất độc hóa học ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, cô bé Lan Anh yếu đến mức không thể bật tiếng khóc chào đời.

Chứng vẹo cột sống nghiêm trọng, tay chân co quắp được xác định dị tật bẩm sinh. Mẹ là công nhân không thể nghỉ việc lâu để chăm con, mới 7 tháng tuổi Lan Anh đã được gửi về cho bà nội chăm sóc. 

"Tôi nuôi 6 đứa con không vất vả bằng nuôi cháu!" - bà nội cô tâm sự. Nhưng rồi nhờ tình yêu thương vô bờ của bà và người thân, Lan Anh sống sót qua thời ấu sinh đầy bệnh tật.

Lên 6 tuổi, biết mình khác biệt so với chúng bạn, Lan Anh vẫn nằng nặc đòi đi học. Bố mẹ cô lo con không thể ngồi học được, thậm chí không thể cầm nổi cây bút viết, nhưng Lan Anh vẫn quyết tâm học chữ, luyện viết. 

Lan Anh viết chữ đẹp đến mức khiến bất cứ ai đọc cũng thốt lên lời khen ngợi. Tuy nhiên, đường đến trường với Lan Anh không bằng phẳng. Suốt những năm tiểu học, cô luôn bị chúng bạn nhỏ vô tâm trêu chọc là "lai khỉ", "người ngoài hành tinh"...

Lan Anh buồn lắm nhưng vẫn không bỏ học. Lên lớp 6, cô đi thi học sinh giỏi văn. Càng lớn, cô càng ham học trong khi sức khỏe dường như cạn dần theo những ngày gắng sức đến trường. Vừa lên lớp 9, cô đã bị một trận ốm thập tử nhất sinh và sau đó đành phải bỏ học vĩnh viễn.

Tự học để tìm hạnh phúc

Đó là những năm đầu 1990, Lan Anh ngồi nhà, giúp mẹ trông quán nước nhỏ mà trong lòng chỉ nghĩ đến sách vở và nung nấu tìm con đường để được học tiếp. Cô muốn vươn tới một cuộc sống ý nghĩa hơn và biết rằng chỉ bằng cách nỗ lực trau dồi tri thức, cô mới có thể tìm thấy cánh cửa cho tương lai của mình.

Yêu thích Anh văn và do không được học môn này ở trường phổ thông, Lan Anh mày mò tự học qua radio cùng những cuốn sách hiếm hoi mà cô kiếm được. Cô quyết tâm học để đạt được trình độ tiếng Anh của sinh viên được đào tạo đại học. 

Cô năn nỉ bố mẹ cho ra Hà Nội để học Anh văn. Sức khỏe yếu, không thể tự đến trung tâm học, Lan Anh ở tạm nhà người bác và được một gia sư là sinh viên đại học dạy những bài học tiếng Anh đơn giản.

Thế rồi những ngày có gia sư cũng không kéo dài do hoàn cảnh không cho phép, Lan Anh lại trở về ngôi nhà mình. Cô xác định học ngoại ngữ, nhất là hoàn cảnh của cô, thì tự học là cách phù hợp nhất. Cô chấp nhận tìm kiếm người thầy trong chính bản thân mình, và kể từ đó hành trình tự học của cô bắt đầu chuyển sang giai đoạn bền bỉ, đầy quyết tâm.

Hạt cát nhỏ Lan Anh 20 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo, khuyết tật - Ảnh 3.

Cô giáo Lan Anh chải tóc cho một em học sinh của mình - Ảnh: NVCC

Sẻ chia yêu thương

Kiên trì tự học hết năm này đến năm khác, cuối cùng một lối đi bắt đầu mở ra đối với đời cô. Chị hàng xóm thấy Lan Anh tự học nghiêm túc liền ngỏ ý nhờ cô dạy kèm tiếng Anh cho hai đứa con nhỏ của mình. Rồi học trò thứ ba tìm đến. Lan Anh trở thành "cô giáo" tiếng Anh của đám trẻ hàng xóm từ lúc nào.

Những năm 2000, nhiều phụ huynh và học sinh ở Chương Mỹ biết đến lớp học tiếng Anh tại nhà của Lan Anh bởi sự tận tụy và tình yêu thương của "cô giáo nhỏ". Lớp học ấy luôn mở rộng cửa tiếp nhận các trẻ mà không hề có sự phân biệt. Không chỉ miễn học phí cho học trò khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn, Lan Anh còn dành cho các em sự quan tâm đặc biệt và sự yêu thương, nhẫn nại.

Trong khi đó, các học sinh bình thường cũng nhìn cách cô giáo đối xử với những bạn ấy mà thấm sâu được bài học về sự tôn trọng, sẻ chia. Một em gái 17 tuổi, bị khuyết tật vận động thể co cứng cơ, người lắc lư liên tục, phát âm rất khó khăn, xin vào lớp Lan Anh và được cô yêu thương tận tình dạy như dạy trẻ tập nói. Và sau một thời gian, em gái ấy đã biết nói những câu tiếng Anh thông dụng trong một môi trường không có sự kỳ thị.

Cách ứng xử của Lan Anh không chỉ truyền cảm hứng đến học sinh, mà còn "cảm hóa" được những phụ huynh vốn chỉ chú trọng kiến thức mà chưa thực sự quan tâm bài học làm người của con trẻ. 

Hạt cát nhỏ Lan Anh 20 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nghèo, khuyết tật - Ảnh 4.

Cô giáo Lan Anh nhận giải thưởng Kova về sống đẹp - Ảnh: NVCC

Mỗi năm cứ đến ngày nhà giáo, Lan Anh lại có dịp chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của cô những câu chuyện cảm động về tình cảm của học sinh và phụ huynh dành cho mình. Ít ai biết cô thường thầm lặng mua những cuốn sách về các tấm gương vượt khó tặng học trò đặc biệt của mình để gieo những hạt mầm hi vọng...

Con người Lan Anh vốn giản dị và lặng lẽ. Nếu các học trò và phụ huynh không lan truyền sự tận tụy và nỗ lực vượt khó của cô thì rất ít người ngoài huyện Chương Mỹ biết. Chính Lan Anh cũng ngạc nhiên vì sức khỏe mong manh của cô lại có thể duy trì các lớp học gần 20 năm, dù có thời gian cô phải nằm viện khá lâu.

Bản thân cô cho rằng mình chỉ như một hạt cát nhỏ trong cuộc đời này, trong khi xã hội còn biết bao người sống đẹp. Khi ban tổ chức giải thưởng Kova liên lạc báo cô đã được chọn trao giải, cô đã rất bất ngờ. Và ngồi trong hội trường, chứng kiến con mình được ghi nhận và tôn vinh, bố Lan Anh đã "bật" ra những dòng thơ từ trái tim người cha:

Con bước lên khán đài vinh danh SỐNG ĐẸP

Cha...

Hai hàng lệ rơi

Con tôi...

Đứa trẻ sinh ra không được bằng người

Bởi chất độc da cam nhiễm vào tôi những tháng năm kháng chiến

Vượt nỗi đau tật nguyền

Tự học 

Vươn lên

...

Bài học vươn lên

"Tôi có 7 năm được cô Lan Anh dạy tiếng Anh. Những gì cô dạy giúp ích cho tôi rất nhiều trong học tập và trong công việc hiện tại. Bài học lớn nhất mà cô truyền cho chúng tôi là sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống!" - Đỗ Thị Phương, cử nhân kinh tế, một trong những học trò của Lan Anh, tâm sự.

Rưng rưng cô giáo lội nước lũ vào giữ trường, Rưng rưng cô giáo lội nước lũ vào giữ trường, 'cõng' khai giảng lên núi

TTO - Trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, có hai cô giáo trẻ 'cõng' khai giảng lên điểm trường trên đỉnh Ngọc Linh, còn ở 'rốn lũ' Hương Khê, thầy cô lội nước lũ vào giữ trường cho học trò...

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên