Thanh Hoa (bìa trái), diễn viên chính trong vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí dù giỏi nghề nhưng thiếu bằng cấp nên nhà hát nghệ thuật Phương Nam vẫn chỉ có thể ký hợp đồng - Ảnh: Gia Tiến
Mới đây, cả Nhà hát nghệ thuật Phương Nam và Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM cùng đăng thông báo tuyển người.
Thiếu người năm này qua năm khác
Ông Lê Diễn - giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - cho biết trong đợt dịch vừa qua cả nhà hát và anh em diễn viên cũng gặp những khó khăn nhưng may mắn nhận được một số hỗ trợ nên tính tới giờ này chưa có diễn viên nào vì quá khó khăn mà phải bỏ nghề để kiếm việc khác. Đợt tuyển dụng này là định kỳ hằng năm của nhà hát.
Lý ra đã đăng tuyển từ tháng 4, nhưng do vướng dịch bệnh nên giờ mới đăng thông tin. Hơn nửa tháng rồi mà hồ sơ nộp dự tuyển khá khiêm tốn, chỉ chừng chục hồ sơ. Thế nhưng, theo ông Diễn, năm nay vẫn đỡ hơn năm ngoái chỉ có độ 5 - 7 hồ sơ. Và câu chuyện cần người mà không có cứ diễn ra từ năm này tới năm kia.
Theo ông Diễn, vì quy định nghệ sĩ phải có bằng cấp nhà hát mới được tuyển nên có những diễn viên trẻ hiện đang hoạt động tại nhà hát rất giỏi nghề như Thanh Hoa vì thiếu bằng cấp cũng đành ngậm ngùi chỉ ký hợp đồng, diễn suất nào lãnh cát sê suất đó.
Hiện tại các trường đào tạo nghệ thuật cũng không có ngành nào đào tạo hát bội, thế nên tìm bằng cấp cho lĩnh vực này càng khó hơn.
Ở lĩnh vực xiếc, rối cũng không dễ dàng gì. Cả nước chỉ có Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ VN có đào tạo diễn viên xiếc.
Theo ông Tống Toàn Thắng - phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, hiện tại việc tuyển sinh đầu vào của trường cũng gặp khó khăn vì ít người chịu theo bộ môn tập luyện vất vả mà không biết tương lai ra sao. Để có được học sinh, trường phải về vùng sâu vùng xa, lên tận vùng cao để tuyển sinh.
Với số lượng học sinh hiếm hoi đó, ông Lê Diễn chia sẻ khi ra trường ít em chịu mạo hiểm vào TP.HCM làm việc vì lương đầu vào khá thấp. "Em nào có nhà người quen trong thành phố có thể ở nhờ thì may ra mới chịu vào" - ông Lê Diễn nói.
Đào tạo từ xa, tuyển ngành gần...
Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM mỗi năm tuyển diễn viên không nhiều. Ông Hoàng Vũ - phó giám đốc nhà hát - cho biết mấy năm gần đây nhà hát đều có thể tuyển được số lượng đủ.
Cách giải quyết là đồng ý tuyển ngành gần, đó là các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành cải lương, khoa kịch hát dân tộc (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM).
Thế nhưng, vì không được đào tạo bài bản về hát bội nên khi nhận các em vào, nhà hát phải bỏ thời gian từ 2 - 5 năm đào tạo lại thì các em mới có thể làm nghề được.
Với Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM, theo NSƯT Hữu Danh, vẫn còn các em trẻ đến với hát bội là đủ mừng rồi:
"Nhà hát luôn cố gắng tạo điều kiện để các em có thể bám trụ với nghề. Nhìn chung hát bội không thiếu suất diễn, mỗi năm phải trên 140 suất diễn, rồi diễn sân khấu học đường, phục vụ chính trị nhưng thù lao nếu so với các bạn cải lương chạy sô lẻ thì không thể bằng. Chúng tôi động viên các em ít ra mình còn có cơ hội được diễn, được làm nghề. Ráng gói ghém thì cũng có thể sống được" - ông Danh nói.
Ông Lê Diễn mới đây vui mừng cho biết sau một thời gian bàn bạc, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam sắp tới sẽ phối hợp với Trường Xiếc và tạp kỹ VN đào tạo từ xa để bổ túc kiến thức và bằng cấp cho lực lượng các diễn viên trẻ có nghề ở nhà hát nhưng đang thiếu bằng cấp.
Ông Diễn nói: "Nếu số lượng đăng ký học nhiều, nhà trường sẽ mời giảng viên dạy trong TP.HCM, chỉ môn chung thì học online. Khóa học sẽ kéo dài khoàng 2 - 3 năm cho cả diễn viên xiếc và rối".
Theo ông Diễn, đây là cách giải quyết khá tối ưu để các diễn viên trẻ có thể vào biên chế, hưởng chế độ đầy đủ - là sự động viên, khích lệ tinh thần để các bạn có thể yên tâm gắn bó lâu dài với nhà hát.
Thông báo tuyển diễn viên
Nhà hát nghệ thuật Phương Nam gây chú ý khi cần tuyển đến 20 diễn viên rối, xiếc hạng IV (có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn xiếc và rối) và 5 diễn viên rối, xiếc hạng III (có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp trở lên).
Nhà hát nghệ thuật hát bội TP tuyển ít hơn, với 2 diễn viên hạng III và 4 diễn viên hạng VI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận