TTCT - Tác phẩm của Harper Lee đã đụng chạm đến những khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi người khi phải trải qua sự bối rối, nỗi cô quạnh vì nhận thức được trong nỗi thất vọng những bất công mà thực tế trần trụi và phức tạp của cuộc sống đem đến. Nhưng nữ văn sĩ cũng để lại cho người đọc hi vọng về khả năng thức tỉnh và thiên hướng nhân bản mà con người dù ở hoàn cảnh bất công nào cũng luôn hướng tới. Nguồn Năm 1969, Giết con chim nhại đã nhận giải thưởng Pulitzer còn Harper Lee, dù chỉ viết một quyển sách cho đến những năm gần cuối đời, đã được trao tặng nhiều giải thưởng cống hiến cho nền văn học đương đại. Ngược lại với sự phổ biến của cuốn tiểu thuyết, bản thân Harper Lee chưa bao giờ mong muốn hay thích thú sự nổi tiếng. Sau khi xuất bản Giết con chim nhại, bà quay về sống bình lặng ở quê nhà Alabama, dù lúc đó nếu muốn bà dễ dàng trở thành nhân vật của công chúng. Đó cũng là điều đặc biệt về Harper Lee, chỉ một cuốn tiểu thuyết làm say mê bao thế hệ với chỉ một cuộc sống bình dị, có phần thầm lặng và ngoan đạo. Trong Giết con chim nhại, qua giọng văn ngây thơ của một cô bé 6 tuổi tên là Scout Finch, Harper Lee đã đưa người đọc đến những biến cố xảy ra ở thị trấn Maycomb miền nam Hoa Kỳ, qua đó gián tiếp mô tả những mâu thuẫn xã hội rối ren trong một chương của lịch sử nước Mỹ với các vấn đề về chủng tộc, giới tính, tôn giáo và văn hóa cùng những giá trị làm nền tảng cho giấc mơ Mỹ. Harper Lee đã đề cập đến gốc rễ của những vấn đề liên quan đến màu da chủng tộc vào lúc nhiều người da trắng cảm thấy họ cần duy trì vị thế cao hơn những người da màu, nhất là ở các bang miền nam nước Mỹ. Thế giới của người da màu lúc đó hầu hết là sự nghèo đói, thất học và bất bình đẳng dù cuộc nội chiến đã chấm dứt chế độ nô lệ. Tương tự, tùy theo lăng kính chủ ý của mình, người đọc cũng có thể tìm hiểu và cảm nhận những góc cạnh xã hội khác ngoài vấn đề chủng tộc như góc nhìn về giới tính và vai trò người phụ nữ truyền thống đã uốn ép những suy nghĩ phân biệt giới tính vẫn còn dai dẳng đến tận hôm nay. Hoặc người đọc cũng có thể tập trung sự chú ý vào những suy nghĩ đạo đức xã hội với các vấn đề đa chiều vượt qua ranh giới tôn giáo và luật pháp. Bối cảnh cuộc đại khủng hoảng tại nước Mỹ vào những năm 1930 gây hệ lụy cả đến những giá trị đạo đức xã hội thời đó. “Làm điều đúng đắn” (doing the right thing) trở thành một thông điệp không rõ ràng, gây nhiều tranh cãi trong giai đoạn này. Vậy nên, Harper Lee đã mượn lời nhân vật chính Atticus Finch khi căn dặn con mình để gửi gắm suy nghĩ của mình đến người dân Mỹ lúc ấy: “Bạn có thể bắn tất cả những con chim nhại nếu muốn, nhưng hãy nhớ rằng bắn chúng là một tội lỗi. Những con chim nhại không gây ra tội lỗi gì, chúng chỉ hát những bài hát từ trái tim cho con người nghe”. Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple và là một trong số những người đọc mến mộ tác phẩm của Harper Lee, đã viết lại một câu hội thoại trong Giết con chim nhại trên tài khoản Twitter của mình sau khi biết tin nữ văn sĩ từ giã cõi đời: “Điều duy nhất không nằm trong khuôn khổ của luật lệ số đông chính là lương tri của con người”. Nói cách khác, giữa những rối ren phức tạp của các vấn đề chủng tộc, tôn giáo và đạo đức đan xen lẫn nhau, dường như Harper Lee muốn con người, dù có những tư tưởng, lối sống, thứ bậc xã hội khác biệt nhưng cùng có khả năng hủy diệt lẫn nhau, hãy nghĩ tới và tôn trọng thiện tính trong con người. Thông điệp này dù ở thời gian nào trong lịch sử loài người vẫn không lỗi thời, nhất là ở giai đoạn có những xung đột chính trị và tư tưởng toàn cầu như hiện nay. Đó cũng là thứ làm nên sự cuốn hút độc giả của Giết con chim nhại, bên cạnh thủ thuật kể chuyện với ngôn từ không bị lệ thuộc vào ranh giới độ tuổi người đọc, sự khéo léo kết hợp đa dạng ngôn ngữ đặc trưng của người da màu và da trắng, trẻ con và người lớn, phụ nữ và nam giới... Tác phẩm của Harper Lee suy cho cùng đã đụng chạm đến những khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi người chúng ta khi phải trải qua sự bối rối, nỗi cô quạnh vì nhận thức được trong nỗi thất vọng những bất công mà thực tế trần trụi và phức tạp của cuộc sống đem đến. Nhưng nữ văn sĩ cũng để lại cho người đọc hi vọng về khả năng thức tỉnh và thiên hướng nhân bản mà con người dù ở hoàn cảnh bất công nào cũng luôn hướng tới. Harper Lee đã ra đi nhưng con chim nhại trong tác phẩm của bà vẫn sẽ hót thánh thót trong tâm trí của nhiều thế hệ người đọc. ■ Tags: Harper Lee
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.