23/08/2013 07:10 GMT+7

Hấp dẫn một tinh thần thượng võ

NGỌC LINH thực hiện
NGỌC LINH thực hiện

TT - Cả tuần nay nhà văn Phạm Ngọc Tiến - nhà biên kịch của nhiều phim chính luận gay cấn - bỗng nhiên hào hứng với Vịnh Xuân quyền. Nhưng không phải ông mê luyện võ, chỉ là ông đang đọc sách võ thuật.

Và đang say sưa với Quyền sư...

aaSQs26r.jpgPhóng to
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Châu Anh

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà biên kịch của Chuyện làng Nhô, Ðất và người, Gió làng Kình, Ma làng, Ðàn trời... lại hứng khởi "thanh minh":

- Thoạt đầu tôi không mấy hứng thú khi biết cuốn sách ở dạng tư liệu, nghĩa là nó đảm bảo những yếu tố về sự thật và sự thật thì đương nhiên phải là trung thực. Tôi không khoái những dạng tự truyện kiểu này, nhưng chỉ ngay trang đầu "nghe" lời ngỏ của tác giả Trần Việt Trung - một người không chuyên viết lách vốn là võ sư, là lương y - giãi bày về ý định của mình, đó là những tư liệu góp nhặt lại trong một sự khiêm nhường để kể lại câu chuyện về những bậc tiền bối trong môn phái Vịnh Xuân quyền, ngay lập tức Quyền sưđã cuốn hút tôi.

* Nhưng một lời ngỏ hai trang không đủ "bảo chứng" cho cả cuốn sách 200 trang...

- Phải nói luôn là Quyền sư hấp dẫn ở sự lạ và mới. Những câu chuyện về danh sư Nguyễn Tế Công (Nguyễn Tế Vân), nhân vật số 1 trong Quyền sư và là quyền sư số 1 của Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam, được tác giả kể một cách đầy dung dị nhưng lại vô cùng sắc nét.

Cuộc đời của ông bí ẩn như một huyền thoại. Ông sinh năm 1877, mất năm 1959. Nhân vật võ lâm gốc Trung Hoa này là người đầu tiên đặt dấu ấn cho môn phái Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam. Sự lạ và mới ở Quyền sư không chỉ là những màn đấu võ gay cấn và sinh tử, không chỉ là những biến thiên thời cuộc thông qua những nhân vật cụ thể tạo nên bức tranh đa dạng của giới võ thuật. Không chỉ là chân dung cuộc đời của danh sư Tế Công với lớp học trò như võ sư, nhà giáo Ngô Sĩ Quý và những lớp hậu sinh như chính tác giả Trần Việt Trung mà còn là sở học, là kiến thức về võ về đạo về đời, là cả những bài học về đạo đức, nhân sinh.

* Con mắt xanh của một nhà biên kịch có khiến ông nghĩ xa hơn cho tương lai của một cuốn sách mình ưa thích?

- Từ lâu tôi đã ao ước được làm một kịch bản điện ảnh về võ thuật. Việt Nam là một đất nước liên miên chiến tranh nên tinh thần thượng võ luôn là thứ được đề cao dù ở bất cứ thời đại nào. Quan trọng nhất là những môn phái võ thuật ở nước ta đều có bề dày trải nghiệm thử thách qua thời gian.

Quyền sư thỏa mãn được tất cả những yếu tố cần và đủ để có thể tiến hành được một kịch bản điện ảnh chất lượng. Ðặc biệt đây là cuốn sách viết về một môn phái cụ thể và nổi tiếng ở Việt Nam, đó là Vịnh Xuân quyền.

Quyền sư thể hiện từ những cá nhân sáng lập môn phái với nhân thân sắc nét và phủ màu huyền ảo. Từ những không gian, thời gian cụ thể có chiều dài chiều sâu với những biến thiên lịch sử, đến các mốc dấu phát triển môn phái và các miêu tả chi tiết những miếng mảng tinh hoa của một môn phái. Hơn nữa đó là sự hấp dẫn, tinh thần thượng võ nhân văn của câu chuyện những nhân vật đã làm nên lịch sử Vịnh Xuân quyền. Nếu được dựng thành phim sẽ là một phim lạ với điện ảnh Việt và mang vóc dáng tinh thần dân tộc.

Ngay sau khi đọc xong tôi đã trao đổi với một biên kịch điện ảnh vốn là một võ sư từng theo học cả Vịnh Xuân quyền. Biên kịch này đã rất hào hứng với việc hợp tác để làm kịch bản. Nhưng có lẽ khó khăn nhất để đưa được Quyền sư lên màn ảnh là kinh phí, để có thể phục dựng bối cảnh Hà Nội, Sài Gòn những năm trước đây, thời gian trải dài trước năm 1954 và sau hòa bình năm 1954 kéo đến những năm 1990. Kinh phí để quay dựng những trường đoạn đánh võ cùng việc chọn lựa diễn viên và kỹ xảo cũng là những vấn đề lớn.

Tôi cũng vừa gặp tác giả Trần Việt Trung. Anh Trung là võ sư và là một thầy thuốc đông y nên có những kiến giải rất sắc sảo về võ thuật, về y lý và những triết luận cuộc đời khiến tôi càng thêm quyết tâm. Nếu được đầu tư đủ về sức người sức của, Quyền sư tại sao lại không là một phim tốt thỏa mãn được cả những yêu cầu lịch sử, tính dân tộc, tinh thần thượng võ nhân văn, đặc biệt nhu cầu cảm thụ của nhiều đối tượng khán giả - điều mà điện ảnh Việt đang loay hoay tìm kiếm. Tôi tin vào thành công của Quyền sư trước hết là ở góc độ văn học.

Quyền sư với cách viết đơn giản, kết cấu lớp lang gần giống chương hồi kết hợp giữa kể chuyện và trưng bày tư liệu nhưng lại mang đến những hiệu quả không ngờ. Đọc về võ nhưng lại hiện ra những trang văn lấp lánh dù người viết không dụng văn. Nó là gì vậy? Giản đơn thôi, một cuốn sách về võ thuật, về tình người, tình đời, về đối nhân xử thế, cao hơn cả là nhân cách của những con người bình dị một cách vĩ đại. Người không biết võ, không học võ vẫn có thể thu lượm được nhiều điều từ Quyền sư. Suy cho cùng gốc của võ là văn mà văn thì còn gì khác ngoài chữ Người. Một chữ Người viết hoa.

Và với Quyền sư, tác giả đã có những trang viết thật đẹp, thật cảm động về đạo thầy trò, huynh đệ.

8gHV3AkN.jpg
Ảnh: N.L.

NGỌC LINH thực hiện

NGỌC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên