29/11/2015 18:19 GMT+7

​Hào hứng xem kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Những khán giả nhí khi đến rạp Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội thưởng thức vở kịch "Ông lão đánh cá và con cá vàng" (từ 27 đến 29-11) đã được bữa cười…rung ruột!

 Không gọi là “cá vàng” mà là “cá bơn” nhưng khán giả nhí Việt Nam vẫn thích thú với vở kịch Ông lão đánh cá và con cá vàng - Ảnh: Đức Triết

Dù rằng, nhân vật cá xuất hiện ở đây có tên gọi rất khác so với bản dịch quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam, từ “cá vàng” thành “cá bơn”. Dù rằng, sân khấu mà đạo diễn người Đức- Dominik Günther - tạo ra không sặc sỡ, màu mè mà toàn dựa trên hình khối cùng màu sắc trầm. Dù rằng, màu sắc cổ tích được biến đổi bằng ngôn ngữ, âm nhạc, vũ đạo, đạo cụ của thời hiện đại.

Nhất là, cách tương tác không phải là nghệ sĩ trực tiếp hỏi khán giả mà lại là tương tác qua clip với những câu hỏi về ước  mơ, về sở thích, về ứng xử hàng ngày… được chiếu trên…những cánh buồm trắng - phông nền của sân khấu.  

Đầy khác biệt và mới lạ như thế nhưng khán giả nhí vẫn chấp nhận và hào hứng nhập cuộc với vở kịch.

Là người đầy kinh nghiệm khi dựng kịch tương tác với điện ảnh nhưng lần này trở lại Việt Nam, đạo diễn Dominik Günther vẫn… hồi hộp. Anh chia sẻ rằng, anh đã ngồi tít dãy ghế cánh gà ở tầng một và chăm chú theo dõi khán giả nhí. Vì với anh, dựng kịch cho người lớn khó một thì dựng kịch cho thiếu nhi khó gấp mười. Với lại, kể chuyện theo lối hài hước mà không khéo, không tự nhiên, không dí dỏm thì sẽ trở thành...vô duyên.

“Nếu không hài lòng, người lớn vì tôn trọng xung quanh nên có thể bấm bụng cố xem cho đến hết. Trẻ con thì khác. Chúng sẽ phản ứng ngay lập tức.Tôi rất vui vì các bạn nhỏ Việt Nam đã cùng cười nắc nẻ khi gặp chi tiết hài hước, cùng tức giận khi thấy mụ vợ tham lam - dù các em đã biết rõ mười mươi diễn biến câu chuyện” - đạo diễn Domimik Günther nói.

“Chưa có vai diễn nào mà tôi phải lao động hết công suất về thể lực như thế. Nào là tạo tiếng nổ cho thuyền, nào là hát giữa sóng to, gió lớn, nào là ngã như…bị bông... Mệt lắm, nhưng lại sung sướng vì thấy trẻ em thích thú” - với gương mặt đẫm mồ hôi sau mỗi suất diễn, nghệ sĩ Quang Ánh chia sẻ.

Ngoài ra, nghệ sĩ vào vai ông lão đánh cá này còn cho biết thêm: “Chúng tôi được “thả phanh” sáng tạo cho vai diễn. Sáng tạo đến khi nào đạo diễn nói: “tôi thích “bản diễn” này của anh/chị”. Cách làm việc ấy sẽ đem đến cho nghệ sĩ nhiều hứng khởi và luôn tạo được sự khác biệt mới lạ…”

Vở kịch Ông lão đánh cá và con cá vàng (phiên bản sân khấu của Einar Schleef) là dự án hợp tác của Nhà hát Tuổi trẻ với Viện Goethe và Nhà hát thanh thiếu niên Dresden (Đức).

Sau những suất diễn ở Việt Nam, vở kịch sẽ tiếp tục được Nhà hát thanh thiếu niên Dresden dàn dựng với phiên bản Đức. Sau đó, dự kiến vào tháng tư năm sau sẽ có phiên bản đặc biệt kết hợp giữa diễn viên nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam với các nghệ sĩ múa rối Đức.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên