TTCT - TTCT trò chuyện với kiến trúc sư Mai Hưng Trung, người sáng lập dự án Hanoi Ad Hoc, về cách anh “vừa làm vừa chơi” với không gian đô thị Hà Nội. Hình ảnh thuộc một dự án của Hanoi Ad Hoc. Ảnh: Facebook Hanoi Ad HocTrong vài năm qua, nhóm các nhà nghiên cứu đô thị trẻ Hanoi Ad Hoc nổi lên với những nỗ lực ấn tượng nhằm lưu trữ, lý thuyết hóa và nhân bản hóa những câu chuyện đằng sau các công trình di sản công nghiệp của thành phố thủ đô.Hanoi Ad hoc là dự án nghiên cứu đa ngành, giao thoa các góc nhìn khác nhau như nhân học, địa lý học, kiến trúc, nghệ thuật... với 7 chủ đề nghiên cứu tương ứng 7 thành tố đô thị: không gian sản xuất; không gian ở; nước và hệ sinh thái; làng đô thị; cấu trúc tâm linh; không gian công cộng; cơ sở hạ tầng. “Thực ra chữ ad hoc ở đây trong tiếng Latin mang nghĩa for this/for that, tức là một thứ được đo ni đóng giày cho một mục đích nào đấy. Cái tên này có nhiều nghĩa, nhưng một trong số đó là dự án, nghiên cứu hay một sự quan tâm đặc biệt dành cho nơi chốn Hà Nội” - Mai Hưng Trung nói với TTCT. Với tôn chỉ “Playfully investigating the ordinary elements constitutive of urban palimpsest” (Khảo cứu các nhân tố thường nhật cấu thành nên tầng tầng lớp lớp của đô thị), Hanoi Ad Hoc bắt đầu trình bày những kết quả nghiên cứu của họ qua các video bắt mắt từ năm 2022, kết nối các dữ kiện lịch sử để kể chuyện về các di sản công nghiệp Hà Nội. Từ cụm nhà máy Cao-Xà-Lá đến ngành bia hơi, nhóm lần đầu cho công chúng thấy được tham vọng của họ: Những nghiên cứu sâu và nghiêm túc về các xung lực văn hóa - lịch sử làm nên cảnh quan Hà Nội, thể hiện dưới các hoạt họa tinh nghịch và ưa nhìn.Cũng trong pha đầu tiên làm về di sản công nghiệp Hà Nội, nhóm đã xuất bản một báo cáo dày hơn 200 trang, tổ chức hàng loạt tọa đàm chuyên sâu, thu thập ý tưởng cộng đồng về tái thiết nhà máy Hà Nội qua cuộc thi thiết kế 72h “Vẽ (lại) giấc mơ hiện đại”. Tuy nhiên, nỗ lực nổi bật nhất là triển lãm The Grid nằm trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi nhóm trình bày tầm nhìn quá khứ-hiện-tại-tương lai của di sản công nghiệp Hà Nội. Đây là pha khởi đầu trong 7 pha nghiên cứu mà nhóm đề ra. Đề tài thứ 2 về di sản nhà ở Hà Nội đang được nhóm gấp rút tiến hành.Bên cạnh dự án nghiên cứu Hanoi Ad Hoc, Mai Hưng Trung và cộng sự cũng song song vận hành Ad Hoc Practice - studio kiến trúc đưa ra các giải pháp thiết kế đô thị hiện đại. Sau 3 lần liên tiếp được vinh danh tại Europan - giải thưởng quy hoạch danh giá tại châu Âu, Trung cùng Ad Hoc Practice đang có nhiều dự án mới, trong đó có việc tư vấn cho quận Hoàn Kiếm về thiết kế sinh thái tại bãi giữa sông Hồng. Nhóm cũng vừa ra mắt một không gian triển lãm các di tích trong tòa biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo. Hanoi Ad Hoc đặt ra cho mình một phạm vi nghiên cứu khá đồ sộ. Nhóm mong muốn thực hiện điều gì với nghiên cứu dài này?Thực ra là nó đến từ sự thiếu thốn. Năm 2018 có vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông. Hồi đó tôi muốn đưa ra một ý tưởng cải tạo nhà máy sau đám cháy, nhưng đi tìm thông tin về nhà máy thì không có một cái gì, bản vẽ cũng không thấy có. Tôi quyết định xây dựng một dữ kiện cho nhà máy đấy. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn thì thấy nhà máy không tồn tại một mình - nó nằm trong một hệ sinh thái các nhà máy khác.Sau đó tôi mới nhận ra thành phố không chỉ được tạo nên bởi nhà máy, mà còn bởi nhiều thành tố đô thị khác nữa. Nếu thế thì tôi sẽ mở rộng nghiên cứu của mình ra để bao quát được cả thành phố. Sẽ có năm làm về nhà máy, năm làm về nhà ở, sông ngòi, về những công trình công cộng, về cơ sở hạ tầng, về làng trong thành phố. Làm sao để sau mấy năm nghiên cứu (ước tính đầu tiên là 7 năm) thì có thể ráp nó lại và nhìn tổng thể, để xem tương tác giữa chúng và kể một câu chuyện có tính tổng quát nhất về đô thị.Hanoi Ad Hoc thường nhắc đến tiếp cận nhân học trong nghiên cứu - tiếp cận này được nhóm sử dụng như thế nào?Nhân học là một thực hành có thể nói là quan trọng nhất trong việc làm nghiên cứu [của nhóm], bởi kiến trúc sư thường có cách nhìn rất “từ trên xuống” và không thực sự hiểu bối cảnh từ mặt đất/thực tế nhìn lên. Còn phương thức từ nhân học thì hoàn toàn ngược lại. Muốn hiểu về kiến trúc hay là một nơi chốn nào, mình bắt buộc phải đi đến đó, sống ở nơi đó, nói chuyện với những con người ở đó và sống, ăn, mặc như họ.Bắt đầu từ năm nay, Hanoi Ad Hoc bắt đầu cách tiếp cận này qua những workshop, đi thực địa đến những nơi mà mình quan tâm, trò chuyện với những người dân để hiểu hơn về cuộc sống của họ. Và từ đấy, chúng tôi lắp ghép lại, so sánh với những kiến thức đã đọc được từ sách báo. Luôn phải kết hợp hai cách tiếp cận, một cái đi từ kiến thức thực địa, thực tế và một cái đi từ nghiên cứu học thuật đã có sẵn.Nhìn vào lượng tư liệu đồ sộ và những câu chuyện mà nhóm thu thập được trong chủ đề 1: Nhà máy, có thể thấy quá trình thu thập và nghiên cứu của Hanoi Ad Hoc cần rất nhiều nhân lực. Việc điều hành có khó khăn gì với anh không?Có rất nhiều điều khó. Thứ nhất là đào tạo nhân lực làm nghiên cứu, hay tinh thần, đạo đức nghiên cứu. Đối với sinh viên kiến trúc mới ra trường, họ không được đào tạo những kỹ năng ấy. Để đào tạo lại cách thức làm việc và phương pháp nghiên cứu cần rất nhiều thời gian.Mô hình của Hanoi Ad Hoc cũng tương đối kỳ khôi. Trên thế giới, những nhóm nghiên cứu tương tự Hanoi Ad Hoc hoặc là trực thuộc trường đại học, dùng nguồn quỹ từ trường để làm nghiên cứu, hoặc là những văn phòng kiến trúc làm thêm việc nghiên cứu cho vui. Còn lại khó thấy có tổ chức nào độc lập, không phụ thuộc vào ai mà đi làm nghiên cứu như chúng tôi. Đấy là một điều hơi ngớ ngẩn, phải công nhận, nhưng mà nó vui.Một thông báo tuyển dụng của Hanoi Ad HocNiềm vui có vẻ cũng là một phần trong tôn chỉ hoạt động của Hanoi Ad Hoc?Đúng rồi, chữ “playfully” trong dòng giới thiệu nhóm đến từ việc tôi nghĩ rằng kiến thức hàn lâm đang hơi khó tiếp cận đối với giới trẻ bây giờ. Tôi muốn người ta quan tâm đến nó, muốn là cầu nối giữa kiến thức học thuật và thực tế cộng đồng thì phải làm cho nó hấp dẫn, vui tươi thì giới trẻ hay giới sáng tạo mới quan tâm.Bây giờ bảo đọc một cuốn sách 200 trang [trỏ vào cuốn báo cáo nghiên cứu về nhà máy Hà Nội của nhóm] thì ai ngồi mà đọc. Nhiệm vụ của tôi là soạn lại những kiến thức đã có sẵn, sau đó có thể phản ánh lại một phần góc nhìn của mình trên đấy. Nhưng nó vẫn phải trung lập, đồng thời phải hấp dẫn, dưới nhiều hình thức media khác nhau, có thể là video hay hoạt hình...Chuỗi video tóm tắt lịch sử của các công trình nhà máy Hà Nội đã thu hút nhiều khán giả đến với nhóm, nhưng phải đến năm nay, Hanoi Ad Hoc mới thực sự nổi tiếng với công chúng thủ đô qua hàng loạt tập huấn, hay triển lãm The Grid thành công vừa qua tại nhà máy xe lửa Gia Lâm...Có thể nói là không ai biết đến Hanoi Ad Hoc nếu mình không làm những sự kiện đại chúng như thế. Từ năm 2021, nhóm đã làm nhiều phim và ấn phẩm, nhưng đa phần là online, đưa lên website cũng rất ít người đọc. Các video làm hết sức kỳ công, nhưng khi đưa lên YouTube cũng không có nhiều view như mong đợi. Trong khi đó làm một sự kiện công chúng, một workshop rất đơn giản và chẳng tốn nhiều nguồn lực như làm phim, lại khiến công chúng biết đến nhóm nhiều hơn.Tuy vậy, một tổ chức nghiên cứu như Hanoi Ad Hoc cần được đo qua giá trị về học thuật. Các hoạt động cộng đồng có tạo ra được suy nghĩ và kết nối đa ngành, cũng như tiếp cận cộng đồng cho thực hành nhân học, tuy nhiên, nhóm chưa đủ nguồn lực để tự phân tích những thứ ấy một cách cụ thể để viết ra được thành một sản phẩm nghiên cứu.Triển lãm The Grid tại nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Triệu Chiến Anh đi học Pháp từ năm 18 tuổi, giành nhiều giải thưởng kiến trúc tại châu Âu, sau đó lại chọn trở về, làm về Hà Nội. Anh nghĩ là mình có ở Hà Nội lâu nữa không?Chắc chắn, ở luôn chứ lâu gì! (cười). Đến giờ tôi vẫn thấy quyết định quay về năm ngoái là đúng. Về mới làm được những sự kiện cộng đồng và triển lãm này, gặp gỡ mọi người và ra được nhiều dự án hơn. Ở bên kia, nói chung mọi người cũng biết đến, nhưng chỉ biết qua Zoom, không gặp mặt thì rất khó. Ở Việt Nam, nhiều khi người ta giao việc cho mình không phải vì mình giỏi, mà vì người ta thân và tin tưởng mình. Làm việc với các nhóm cộng đồng ở Hà Nội cũng rất vui, vì cùng tư tưởng, và đều là những nhóm "không có gì để mất". Toàn những người trẻ vừa làm vừa chơi, nhưng thực ra họ làm rất nghiêm túc và có kiến thức rất sâu về cái đang làm.Anh có yêu thành phố này?Đến thời điểm này tôi vẫn chưa yêu nó. Tôi thấy nó là một đô thị đáng được thương hơn là yêu, bởi nó có nhiều vấn đề, giống như một thực thể không được sống đời sống lành mạnh. Nhưng thực ra nó cũng là một thứ tài nguyên để mình sáng tạo. Tôi lấy ví dụ: công trình nhà xanh, trồng cây trên mái của anh Võ Trọng Nghĩa. Ý tưởng ấy không phải là mới - người tiên phong làm nhà phủ cây trên ban công là Stefano Boeri ở Milan. Nhưng Milan đâu phải là đô thị có mức độ ô nhiễm hàng đầu thế giới, cũng không phải đô thị nhiệt đới với các vấn đề khí hậu như Hà Nội. Cùng là giải pháp ấy, đem bối cảnh hóa ở Việt Nam thì sẽ có ý nghĩa mạnh hơn nhiều.Một ví dụ khác: nhóm Think Playground [doanh nghiệp xã hội thúc đẩy các mô hình sân chơi và vườn trong phố]. Cái họ làm là gì? Tận dụng các không gian bỏ không trong thành phố, biến nó thành sân chơi. Việc xây dựng sân chơi cho trẻ con không có gì mới - thành phố nào cũng có, nhưng ở Hà Nội nó có ý nghĩa bởi đây là một đô thị đông, chật và luôn thiếu không gian công cộng. Trong các thiết kế này, concept [ý tưởng chủ đạo] đóng vai trò khá thứ yếu, mà chính bối cảnh đã làm cho concept mạnh hơn nhiều.Thế nên, trong sự thành công của những thực hành tương tự ở Việt Nam, mình phải nhớ ơn thành phố này. Kiến trúc sư Mai Hưng Trung tốt nghiệp loại ưu từ ENSA Paris Malaquais (Pháp) và Leibniz Universitat Hannover (Đức). Năm 2015, anh thắng giải tại cuộc thi Association of Siamese Architects International Competition với đề án quy hoạch không gian công cộng trong phố cổ Hà Nội. Từ một người “chưa thấy thích kiến trúc”, sau cột mốc này, anh mới bắt đầu cảm thấy công việc mình làm hay suy nghĩ của mình ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng. “Từ đấy mình bắt đầu thấy được vai trò của kiến trúc đối với xã hội, rồi dần dần yêu thích nó, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về quy hoạch, đặc biệt các đô thị ở châu Âu và đồng thời là ở Hà Nội” - anh nói. Tôi luôn dành cho Hà Nội một vị trí quan trọng. Tôi nghĩ mỗi kiến trúc sư hay người làm quy hoạch đều có một thành phố riêng của họ, lãnh địa riêng của họ, nơi mà họ hiểu nhất để thực hành. Ngay cả những kiến trúc sư lớn trên thế giới như Renzo Piano - văn phòng của ông ấy đặt ở một thành phố nhỏ ở Ý [Pegli] chứ không phải là Rome hay Milan. Đấy là nơi ông ấy sinh ra và ông ấy hiểu nhất về nó.Kiến trúc, về bản chất, là một thực hành rất mang tính bản địa. Trước thời điểm toàn cầu hóa, kiến trúc sư xây nhà cho một ngôi làng hay một thành phố nào đó, cho những người xung quanh mà ông quen biết. Chỉ khi hiểu về vật liệu địa phương, về khí hậu địa phương, về tập tục sinh hoạt và văn hóa, tín ngưỡng của địa phương ấy thì mới làm được những công trình phù hợp.Bây giờ trong thời đại toàn cầu hóa, kiến trúc không còn phụ thuộc quá nhiều vào tính bản địa nữa. Tòa cao tầng kia có thể được xây ở đây hoặc ở Hong Kong hay San Francisco. Thực hành kiến trúc không còn phụ thuộc vào tính bản địa - đó là một điều khá nguy hiểm.Bây giờ mọi người đang quay lại việc kiến trúc lại phải phụ thuộc vào nơi chốn, vào bối cảnh của nó. Bởi thế, việc chọn một thành phố - nơi mà mình hiểu nhất để thực hành là một trong những cái tôi luôn theo đuổi. Tags: Hanoi ad HocMai Hưng TrungKiến trúcHà Nội
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.