Ông Trương Việt Toàn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về vấn đề này, thẩm phán Trương Việt Toàn, phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội, nói:
- Thông qua một số vụ án mà báo chí đăng tải, dư luận cho rằng người phạm tội ngày càng trẻ hóa là chưa chính xác. Thực tiễn xét xử các phiên tòa trong thời gian gần đây cho thấy độ tuổi phạm tội rất đa dạng.
Trước đây, người ngoài 60 tuổi mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức rất ít. Bây giờ, kể cả những người già vẫn phạm tội nghiêm trọng.
Người ta thực hiện hành vi phạm tội với lý do rất đơn giản: nổi lòng tham tí ti thôi cũng sẵn sàng làm giả giấy tờ lừa lọc cơ quan nhà nước để lấy tiền, va chạm nhau trên đường cũng sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.
Ở TAND TP Hà Nội gần đây xét xử những vụ giết người gia tăng rất nhiều. Số liệu các vụ án đều gia tăng hằng năm. Đặc biệt hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo trong giai đoạn gần đây có tính chất quyết liệt, tàn bạo với động cơ, mục đích đê hèn mà trước đây chưa từng có.
* Tội phạm gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ hành vi phạm tội. Ngồi ghế thẩm phán và đọc rất nhiều hồ sơ vụ án từ xưa đến nay, có bao giờ ông thử lý giải tại sao lại như vậy?
- Trước đây, thực tiễn xét xử không bao giờ có những vụ án phạm tội man rợ, quyết liệt như vậy. Ngày xưa các vụ án giết người chém vài nhát đã hiếm, bây giờ người ta chém hàng chục, hàng trăm nhát, chém đến chết thì thôi.
Thực tiễn nghiên cứu hồ sơ, đọc bản tự khai của các bị cáo, phần lý lịch các bị cáo khai tốt nghiệp trung học phổ thông, tốt nghiệp đại học nhưng bản tự khai hoàn toàn sai chính tả, chữ thì xấu không thể đọc được.
Giáo dục tốt nghiệp phổ thông mà sản sinh ra những con người như thế thì hậu quả ra sao đã có câu trả lời.
Bây giờ, nếu vi phạm đạo đức nhà trường, học sinh hư thì ít cháu nào bị lưu ban. Vì chúng ta mắc bệnh thành tích trong giáo dục. Hai yếu tố cơ bản để hình thành nên con người là kiến thức và đạo đức để bước vào cuộc sống thì đã bị khập khiễng.
* Đã bàn rất nhiều đến vấn đề giáo dục nhưng có vẻ như chúng ta chỉ bàn rồi để đó?
- Câu hỏi này xin nhường cho các chuyên gia giáo dục. Dù anh ở lĩnh vực nào anh cũng phải có lương tâm và trách nhiệm trong lĩnh vực của mình.
Nếu đổ tại lý do này, lý do kia thì sẽ rất vô cùng. Những vấn đề nảy sinh ngày hôm nay hậu quả của một thời gian dài chúng ta không chú trọng giáo dục con người.
* Vậy phải làm thế nào để thay đổi nhận thức, để những con người được đào tạo hôm nay không trở thành gánh nặng cho xã hội ngày mai, thưa ông?
- Sau mỗi phiên tòa, tôi cũng buồn và trăn trở. Tôi thấy rằng lấy tiêu chí vật chất để so sánh sự phát triển của xã hội chứ không lấy tiêu chí văn hóa tinh thần để so sánh. Văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất phát triển không đồng đều.
Ngày xưa, những người tốt nghiệp lớp 10, tốt nghiệp tú tài toàn phần xong thì con người có cái gì đó chỉn chu lắm.
Bây giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học xong kiến thức rất khập khiễng, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Vì vậy, song song với dạy kiến thức thì phải tăng cường giáo dục đạo đức lối sống.
Sinh hoạt vật chất và đạo đức tinh thần phải tương đồng nhau, sẽ giúp hạn chế nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế - xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Có những người biết hành vi phạm tội của mình sẽ phải chịu hình phạt rất cao, nhưng người ta vẫn lựa chọn làm. Nhận thức kém, điều kiện kinh tế khó khăn, lòng tham là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tội phạm.
Chứ nếu biết chắc chắn sẽ bị tử hình, biết chắc chắn sẽ bị bắt thì người ta sẽ không làm. Người ta làm vì hi vọng sẽ thoát.
Trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, người ta nêu lý do và đổ lỗi cho một số vấn đề như tiêm nhiễm do chơi điện tử, do cơ chế thị trường... Nhưng nếu đổ lỗi như vậy là không đúng. Vẫn phải nói rằng hành vi tàn bạo gắn với nhận thức lạc hậu. Yếu tố con người, nhận thức yếu kém là chủ yếu chứ không phải vì tiêm nhiễm bởi bạo lực, bởi game, đó là những nguyên nhân không sát sườn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận