Gặp lại Nguyệt Linh hiện tại, vẫn là cô bé sôi nổi, ham thích tham gia những hoạt động cộng đồng. Chị Minh Nguyệt, mẹ cô bé, đã chia sẻ về hành trình mà chị đã đi cùng con, bỏ qua những lối mòn để chọn một lối đi lạ.
Gia đình là gốc rễ
Từ khi có bầu Nguyệt Linh, chị Nguyệt đã trăn trở với câu hỏi tìm hướng đi nào cho con sau này.
"Tôi nghĩ nhiều và khi đặt ra câu hỏi nếu phải chọn một trong hai là thành công và hạnh phúc, tôi chọn cho con hạnh phúc. Dĩ nhiên để làm được điều đó không hề dễ dàng. Vì đi theo đường nhiều người đã đi thì dễ, tìm con đường mình thấy hay nhưng lại mới mẻ thì khó. Đôi khi chính tôi cũng hoang mang. Rồi tôi nhận ra trong rất nhiều ngã rẽ của cuộc sống phức tạp, cần có điều gì là gốc rễ để không lo bị lạc. Cuối cùng tôi nghĩ: Gia đình là gốc rễ", chị Nguyệt chia sẻ.
Với mục đích này, chị Nguyệt coi trọng thời gian dành cho các con. Không chỉ nói miệng mà chuyện dành thời gian cho con, dành thời gian cho nhau được xem như nguyên tắc, một nề nếp mà toàn thành viên trong nhà đều tôn trọng.
Ngoài những chuyến đi cùng cả nhà, vào các ngày cuối tuần chị Nguyệt hay dắt con ra ngoài. Nhiều khi bố bận thì chỉ cần chở ba mẹ con đến một điểm nào đó trong thành phố. Mẹ con cùng nhau lang thang khắp nơi. Vừa đi vừa nói chuyện, tranh luận hoặc bàn bạc với nhau về một ý tưởng, dự định hay khám phá những điều thú vị, tham gia trải nghiệm nho nhỏ nào đó.
"Các con tôi rất thích những lần lang thang với mẹ. Thổ lộ đó làm tôi thấy mình đã nghĩ đúng. Sau này trưởng thành, các con có thể đi đâu đó rất xa nhưng sẽ luôn mang theo những ký ức ấm áp của gia đình, của mẹ. Nó sẽ là điểm tựa tinh thần cho bọn trẻ, để tâm có thể bình an, không lo đi lạc", chị Nguyệt nói.
Chị chia sẻ từ việc trân trọng những khoảnh khắc gia đình bên nhau, dần dần chị muốn mở rộng ra. Ví dụ muốn các con yêu nơi mình đang sống, yêu những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, yêu thiên nhiên, các con vật. Với mỗi thứ "để yêu" ấy, vợ chồng chị hay nghĩ cách cùng các con đi trải nghiệm.
Tôi muốn các con hiểu các mặt khác nhau của cuộc sống để tìm ra những gì các con yêu thích. Chúng tôi cùng các con đến một cánh rừng, đến nơi bảo tồn động vật hoang dã, khám phá một cộng đồng dân cư nào đó, hay đơn giản chỉ là đến bảo tàng. Có lẽ so với những đứa trẻ khác, các con tôi được di chuyển khá nhiều.
Hành trình trải nghiệm sẽ khiến các con tự khám phá bản thân, biết mình muốn gì. Bản thân tôi cũng thay đổi, học được nhiều thứ từ các chuyến đi ấy.
Cho con học những thứ chẳng giống ai
Thay vì cho con học thêm môn này, môn kia để thi vào trường chuyên, trường điểm, chị Nguyệt tìm cho con những lớp học ít người chọn. Và mỗi lựa chọn đều có một lý do đặc biệt đằng sau nó.
Trong khi nhiều bố mẹ cho con học đàn, thì bé Nguyệt Linh thời 5 tuổi được bố mẹ cho học về cảm thụ âm nhạc, rồi học về sự đồng cảm. Vì chị Nguyệt cho rằng để theo đuổi âm nhạc, chơi các nhạc cụ cần có năng khiếu, nhưng khả năng cảm thụ nghệ thuật hay sự đồng cảm thì cần cho mọi đứa trẻ để "làm giàu có tâm hồn". Nguyệt Linh cũng được mẹ cho học thêu, làm đồ hand made, học chụp ảnh, học quay phim, học làm slide chuyên nghiệp...
Chị kể: "Cô giáo của con có một chú mèo đen trắng bị mất, cô rất buồn. Biết chuyện đó, Nguyệt Linh đã thêu một bức tranh chú mèo bằng len đen trắng tặng cô. Khi ấy tôi nói với con trong đời có nhiều người mình yêu quý và muốn làm gì đó cho người ấy. Nếu ta biết tự làm một món quà thể hiện tấm lòng của mình thì điều đó sẽ ý nghĩa hơn".
Chị khích lệ các con tìm hiểu và tự làm đồ thủ công trong những chuyến trải nghiệm. Chị cho rằng nghề nghiệp trong xã hội sẽ có những biến động mạnh do sự phát triển của công nghệ quá nhanh. Có những nghề sẽ mất đi, nhưng những nghề thủ công truyền thống thì có thể vẫn duy trì. Sản phẩm handmade không bị nuốt chửng bởi trí tuệ nhân tạo. Nó luôn có ý nghĩa nào đó trong cuộc sống hiện đại. Chính vì thế, chị muốn các con biết đến, nếu được thì có thể biết làm.
Mùa hè năm nay, Nguyệt Linh chuyển cấp học, nhưng thay vì cho con học ôn để chạy đua vào những trường có sức hút, chị Nguyệt tìm cho con một ngôi trường vừa sức. Thời gian trong hè của bé Linh "kín lịch", nhưng là những khóa học thêu, trang điểm, nấu ăn...
"Tôi muốn con gái học trang điểm để có ý thức chăm sóc da, yêu quý bản thân. Con học nấu ăn không phải để nấu được các món cầu kỳ mà chỉ để con yêu thích nấu nướng. Tôi từng cho các con đến bảo tàng để học lịch sử tại bảo tàng, hay học làm tour guide nhí và được phép thực hành hướng dẫn khách du lịch.
Tôi ủng hộ con gái tham gia những hoạt động cộng đồng vì con thích. Trong khi ủng hộ và đưa con trai đến phòng lab để thực hành lý, hóa, sinh vì thấy con có xu thế thích nghiên cứu. Có lẽ tôi cho các con học những cái chả giống ai nhỉ. Nhưng tôi quan tâm tới việc các con được trải nghiệm điều mình thích để có một tinh thần khỏe mạnh", chị Nguyệt lý giải về lựa chọn những khóa học cho các con.
"Học nhiều thứ như vậy thì việc học hành của con ở trường thế nào?". Trả lời câu hỏi này chị Nguyệt nói: "Tôi không xem nhẹ việc học hành của các con. Và thực tế các con cũng nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của trường. Nếu các con có năng khiếu nổi trội ở một hay một nhóm môn học, tôi cũng ủng hộ để các con theo hướng phát triển năng khiếu như cách truyền thống nhiều phụ huynh, nhà trường đang làm. Nhưng nếu không thực sự nổi trội và có đam mê thì tôi không ép các con.
Đứng sau những đam mê
Những trải nghiệm cùng gia đình là gốc rễ nuôi dưỡng ước mơ của cô bé Nguyệt Linh. Cô bé từng được biết đến khi viết thư cho các trường học đề đạt việc không thả bóng bay trong lễ khai giảng để bảo vệ môi trường. Sau này, nhiều hoạt động cộng đồng mà em tham gia, đề xướng đều liên quan tới bảo vệ thiên nhiên, động vật và hướng đến môi trường sống sạch cho mọi người.
Năm 2021, Nguyệt Linh cùng nhóm bạn viết cuốn sách Một mẩu rừng cho bạn với mong muốn có nhiều học sinh hiểu về giá trị của rừng. May mắn là có sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, "một mẩu rừng" trở thành chiến dịch gây quỹ trồng rừng ở Mèo Vạc (Hà Giang).
Năm 2023, Nguyệt Linh cùng một nhóm bạn lại ra mắt cuốn sách tiếp theo Những người bạn trong rừng ngập mặn nhằm nâng cao ý thức bảo tồn hệ sinh thái ngập mặn và triển lãm tranh về Trái đất...
Nguyệt Linh cũng tham gia chương trình chống biến đổi khí hậu của UNICEF, My future và Our Planet của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhân hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, hay tại Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững của Mạng lưới Thế hệ xanh (Tổ chức Live and Learn), Chiến dịch trái tim xanh kêu gọi chống bạo lực phụ nữ và trẻ em của UNICEF... Cô bé cũng từng có những hoạt động riêng do mình khởi xướng như câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã.
Trong mọi hoạt động của Nguyệt Linh, đều có người mẹ đứng sau ủng hộ. Chị không làm thay con mà phân tích cho con những đúng, sai, những gì nên làm, hành xử thế nào khi thành công hay thất bại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận