Rời hành trình hôm chiều tối 27-10 ấy, các bạn đã ngồi lại cùng nhau xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, chia sẻ ý tưởng về phong trào sinh viên TP.HCM cho hành trình năm năm phía trước từ góc nhìn của người trong cuộc.
Sinh viên 5 tốt phải gần doanh nghiệp hơn
Bạn Hữu Duy (Trường cao đẳng Lý Tự Trọng) mong Hội Sinh viên có giải pháp hỗ trợ sinh viên khối cao đẳng rõ hơn trong việc xét danh hiệu Sinh viên 5 tốt.
Theo Duy, dù thời gian học ngắn hơn nhưng lượng bài vở, kiến thức khá nhiều, chú trọng thời gian kiến tập và thực tập tại doanh nghiệp lớn. Do đó, sinh viên cao đẳng ít có điều kiện thời gian nghiên cứu khoa học kéo dài, khó đáp ứng yêu cầu này khi xét chọn Sinh viên 5 tốt.
Bạn Gia Hiếu (Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ một suy nghĩ khác khi cho rằng số lượng việc làm do Hội và các đơn vị liên quan giới thiệu cho nhóm sinh viên 5 tốt chưa nhiều. Thực tế cũng chưa thấy danh hiệu này có tác động gì rõ trong chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo Hiếu, không hẳn sinh viên nào cũng có thể đạt được danh hiệu nên mong Hội Sinh viên cần mạnh mẽ hơn trong kết nối, giới thiệu việc làm cho sinh viên nói chung, nhất là sinh viên 5 tốt. Song song đó Hội cần truyền thông để doanh nghiệp biết, hiểu và có cái nhìn rõ ràng hơn về danh hiệu này.
Trong khi đó, bạn Bảo Việt (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng hội cần thêm giải pháp giúp nhiều sinh viên tiếp cận phong trào, danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" hơn nữa. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn cho nhóm các sinh viên đã đạt 3, 4 tiêu chí của danh hiệu để hỗ trợ các bạn phấn đấu đạt đủ "5 tốt".
Và cần tính đến ngành học đặc thù để có quy định sát với tiêu chí điểm học lực. "Nhiều bạn trường mình tích cực nghiên cứu khoa học, đạt thành tích cao nhưng để đạt điểm học tập bình quân từ 8 trở lên với trường mình khá khó, thành ra không tiệm cận được phong trào Sinh viên 5 tốt", Việt bày tỏ.
Cụ thể hơn về chuyển đổi số
Anh Bảo Duy (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói hội cần xác định rõ các mục tiêu của từng đề án, chương trình cụ thể dự kiến trong nhiệm kỳ sắp tới. Có vậy mới giúp các cơ sở Hội dễ dàng nhận diện, vạch ra đúng phần việc cần làm để nương theo. Anh Duy cho biết khá háo hức với công trình "Cổng dữ liệu số về phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM" của nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, dữ liệu nếu đúng định nghĩa đơn thuần chỉ là con số và hình ảnh, còn thông tin là nội dung có thể phân tích, được rút ra từ những nội dung quan trọng. Nên để có thể toàn diện hơn, theo anh Bảo Duy, công trình này cần đổi tên gọi mới phù hợp mục tiêu đặt ra.
"Tên gọi mới nên là "Cổng thông tin về phong trào học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM" sẽ bao gồm cả thu thập, phân tích dữ liệu. Từ đó mới có nhiều hơn các thông tin hữu ích giúp các bạn cán bộ Hội lấy đó làm căn cứ xây dựng và phát triển phong trào của đơn vị", anh Duy đề xuất.
Bạn Minh Hiếu (Trường ĐH Mở TP.HCM) đồng thuận khi dự thảo văn kiện của cả Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đều xem trọng vấn đề chuyển đổi số, chọn làm mục tiêu, đề án trọng tâm của nhiệm kỳ sắp tới.
Nhưng Minh Hiếu nói cần tính toán kỹ, nhất là phải đưa ra định hướng cụ thể, rõ ràng hơn về việc thực hiện đề án, chương trình liên quan đến chuyển đổi số sao cho tránh dàn trải, thực hiện không hiệu quả, rườm rà khiến sinh viên khó đáp ứng.
Minh Hiếu nói hiện sinh viên đang phải cài đặt và dùng cùng lúc quá nhiều ứng dụng liên quan đến việc quản lý hết của trường rồi đến tổ chức Đoàn, Hội cấp trên, cấp trường.
"Sinh viên sẽ thấy thoải mái, hợp tác tốt hơn nếu biết và nhìn thấy được mặt tích cực trong hoạt động quản lý sinh viên, đoàn viên từ các ứng dụng trên. Quan trọng là sinh viên sẽ nhận lại được gì, có những lợi thế nào từ việc cài đặt các ứng dụng này sẽ ủng hộ, cao hơn là thấy mặt tích cực của việc chuyển đổi số", Hiếu nói.
Đại hội ngày 4 và 5-11
Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) dự kiến diễn ra ngày 4 và 5-11 tại Nhà văn hóa Sinh viên (Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM). 459 đại biểu chính thức đại diện hơn 600.000 cán bộ, hội viên và sinh viên TP.HCM tham dự.
Khẩu hiệu hành động của đại hội là "Sinh viên TP.HCM sáng tri thức, vững kỹ năng, tiên phong hội nhập". Đây cũng là đại hội không giấy khi đại biểu điểm danh, nhận tài liệu, biểu quyết qua ứng dụng "Đại hội HSV". Nhiệm kỳ mới xác lập thực hiện một công trình, ba chương trình và hai đề án.
Phát triển văn hóa, rèn luyện thể chất
Anh Trương Văn An (ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM) nói việc xác lập chương trình "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sinh viên TP.HCM" dường như đang quá dàn trải, thiếu tính hợp lý khi văn hóa và con người là hai đối tượng có nội dung riêng.
"Không biết chúng ta đang muốn phát triển văn hóa hay con người? Chưa kể cần xác định rõ vai trò của sinh viên TP.HCM từ khâu tham gia tới phát huy văn hóa, con người Việt Nam. Liệu có cần thay đổi tên gọi thành "Phát huy bản sắc sinh viên TP.HCM trong thời kỳ mới" hay không?", anh An đặt vấn đề.
Bạn Phương Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) quan tâm đến chương trình rèn luyện thể chất sinh viên. Thảo nói hội cần có khảo sát cụ thể tình hình thực tế về sức khỏe tâm thần sinh viên. Trong đó, cần có thêm mô hình, giải pháp như cổng thông tin (hoặc đường dây nóng) chuyên tư vấn sức khỏe tâm thần cho sinh viên mỗi khi cần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận