Bảng tuyên truyền Lạm dụng rượu bia hiểm họa tai nạn giao thông trên đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Như vậy, khi luật này có hiệu lực (1-1-2020), người uống rượu bia sẽ không được điều khiển tất cả các loại xe.
Thông qua đầy bất ngờ
Hiếm có dự án luật nào được thông qua sau một hành trình gian truân, với nhiều tranh cãi, giằng co "thêm vào - bỏ ra" các quy định như vậy. Đến "phút 89" tưởng chừng điều luật được xem là xương sống của dự luật bị bỏ ra trong sự nuối tiếc của nhiều đại biểu.
Nhưng cuối cùng với sự "tha thiết đề nghị" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự luật đã được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết.
Trước đó, điều khoản trong đó có quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" được đưa ra biểu quyết riêng. Kết quả bất ngờ khi có đến 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,2%. Chỉ có 54 đại biểu không tán thành và 18 đại biểu không biểu quyết.
Trong khi chỉ mới cách đó 11 ngày, cũng biểu quyết về điều khoản này chỉ có 44,2% đại biểu đồng ý và 43,8% ý kiến không đồng ý đưa quy định vào luật.
Đồ họa: N.KHANH
Sẽ lược bỏ điều khoản trong Luật giao thông đường bộ
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo kết quả kỳ họp về việc vì sao trước đó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng do kết quả thăm dò chưa có sự đồng thuận cao nên nội dung "đã uống rượu bia thì không lái xe" bị rút ra khỏi dự thảo luật. Thế nhưng đến ngày "bấm nút" thì lại đưa nội dung này vào. Không những vậy, UBTVQH còn ghi kèm theo một câu "tha thiết đề nghị đại biểu Quốc hội bổ sung quy định đã uống rượu bia thì không lái xe"?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kết quả thăm dò chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải biểu quyết. Ngoài ra, trên cơ sở cân nhắc ý kiến, đặc biệt là trước tình trạng tai nạn giao thông gia tăng thời gian qua nên UBTVQH quyết định đưa nội dung cấm sử dụng bia rượu khi lái xe vào luật để biểu quyết. Mong muốn này của UBTVQH cũng thể hiện sự đồng tình rất cao qua kết quả biểu quyết.
Về nội dung người lái xe sử dụng bia rượu dù ít hay nhiều cũng sẽ bị xử lý tại Luật phòng chống tác hại bia rượu vừa được thông qua, sẽ "vênh" với nội dung tương tự tại Luật giao thông đường bộ hiện hành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng về nguyên tắc luật nào ra đời sau thì luật đó sẽ có hiệu lực cao nhất.
"Nội dung chế tài tài xế sử dụng bia rượu khi lái xe sẽ được áp dụng tại Luật phòng chống tác hại bia rượu sẽ phủ quyết điều khoản liên quan tại Luật giao thông đường bộ. Khi sửa Luật giao thông đường bộ, quy định này cũng sẽ được lược bỏ để đảm bảo đồng bộ" - ông Lợi nói.
Cú “bấm nút” từ tiếng dân
Có thể điều luật "cấm tiệt bia rượu khi lái xe" khó có thể đi ngay được vào cuộc sống, vì nó còn phụ thuộc vào năng lực thi hành của các cơ quan công vụ cũng như nhận thức của người dân. Nhưng ngay cả khi chưa được thực thi triệt để, cũng không có lý do gì để từ chối chào mừng sự "ra đời" của một điều luật phù hợp với xu hướng của thế giới văn minh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người.
Dù còn 54 phiếu "chống" và 18 phiếu "trắng", nhưng đa số đại biểu Quốc hội còn lại, vào sáng 14-6, đã quyết nghị theo nguyện vọng của đa số cử tri. Vậy là tiếng dân, trong trường hợp này, đã vang vọng đến phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội), để đa số đại biểu đặt tay lên nút bấm "đồng tình".
Người dân đã dõi theo diễn trình của dự luật này trong suốt nhiều ngày qua, đặc biệt là sau thời điểm có kết quả thăm dò ý kiến đại biểu nhưng không "quá bán" cho một điều luật được trông đợi. Thậm chí, các nhà báo đã đặt thẳng câu hỏi với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, rằng "có hay không chuyện các đại biểu được các doanh nghiệp rượu bia lobby?". "Doanh nghiệp rượu bia làm sao lobby hết được gần 500 đại biểu" - ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời.
Vâng, Quốc hội của dân thì không thể phục vụ riêng cho một nhóm lợi ích nào cả!
LÊ KIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận