29/03/2013 12:00 GMT+7

Hành trình tìm trầm: máu và nước mắt

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Ngày 28-3, phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn và các thôn Tiến Thắng, thôn Bắc, xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình), nơi năm thợ rừng xấu số bị bắt cóc và bị giết trước đó mấy ngày.

aR46rZxH.jpgPhóng to
Mẹ con chị Hoàng Thị Hòe (ở thôn Tân Sơn) với nỗi đau mất chồng, mất cha là anh Trần Văn Trị - Ảnh: Quốc Nam

Dù cả năm người đã được đưa về và an táng, nhưng những câu chuyện về chuyến đi rừng khủng khiếp vẫn đang là nỗi đau chưa thể nguôi với những người dân nghèo nơi đây.

Có ở đây mới biết điều đau đớn nhất đối với những người dân này chưa phải là những cái chết, mà là cuộc sống bế tắc. Nếu không vào rừng thì cũng không có con đường nào khác để mưu sinh...

Sống nhờ rừng

Ngôi nhà của chị Hoàng Thị Hòe - vợ anh Trần Văn Trị, một trong năm nạn nhân vụ bắt cóc - nằm giữa thôn, cũng là gia đình nghèo “có thứ hạng” ở làng nghèo này. Nhà chị hai hôm nay được nhiều bà con láng giềng đến thăm hỏi và chia sẻ nỗi đau mà gia đình chị vừa trải qua. Ba con nhỏ của anh chị cứ ngơ ngác bởi chúng còn quá nhỏ để thấm thía hết nỗi đau mất cha. Anh Trần Văn Minh, anh của anh Trị, kể cả gia đình đều sống nhờ vào những chuyến đi rừng của anh Trị. Chuyến đi may mắn thì vợ con có cái ăn cái mặc, không thì cả nhà cũng chỉ rau cháo qua ngày.

Việc học của ba đứa con cũng từ những đồng tiền anh Trị kiếm được từ rừng mà ra. Ngày 24-3, anh Hiền (người sống sót) chạy về báo tin anh Trị bị nạn. Nhưng trước đó từ ngày 23-3 gia đình cũng đã nghe loáng thoáng về chuyện này, nhưng không ai dám tin bởi khủng khiếp quá.

Chị Hòe ngất lên ngất xuống. Chị không còn nước mắt để khóc. Anh Minh phải đứng ra thay mặt gia đình huy động thêm mấy người bà con hàng xóm thuê xe đi ngay vào chỗ bị nạn. Cùng lúc, những gia đình khác có người gặp nạn cũng nhờ người đi vào rừng tìm người thân.

Vùng rừng những người tìm trầm gặp nạn nằm ở tận địa phận Lào giáp xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nên cả mấy chục người phải đi hết buổi sáng mới tới được vị trí để xe. Sau đó, cả đoàn phải cắt cử ra một nhóm 20 người khỏe nhất đi bộ vào rừng đến địa điểm những người bị nạn. Đồn biên phòng Cù Bai (xã Hướng Lập) cũng cử năm người đi theo đoàn tìm thi thể.

Hố chôn chung thi thể cả năm thợ rừng được tìm ra khoảng 2g chiều 25-3. Cả nhóm phải thay nhau khiêng võng năm thi thể ra khỏi rừng. Nhưng phải đến hơn 1g sáng cả đoàn mới đưa được thi thể ra đến chỗ để xe. Anh Hoàng Văn Hà, một trong số những người vào đưa thi thể nạn nhân về, kể đi đường rừng suốt bốn năm tiếng đồng hồ, đi tay không còn khó, nên nhiều anh em có lúc muốn quỵ xuống chực lao xuống núi. Đến khi khiêng qua suối Cha Lỳ, nước ngập lên đến võng, những người khiêng thi thể phải chia nhau người khiêng người đỡ võng lên cho khỏi ướt. Phải đến 9g sáng 26-3 mới đưa được năm người xấu số về đến nhà.

“Những người thợ rừng như chúng tôi đã chấp nhận sống với rừng, ăn của rừng thì phải chấp nhận trả giá. Có khi là cả mạng sống...” - anh Hà nói.

Không lối thoát...

Miền quê nghèo này hầu như không hề tìm thấy một mảnh ruộng nào, đặc biệt là ở Tân Sơn. Nơi này như một ốc đảo nằm biệt lập giữa bốn bên là núi rừng, đất đai khô cằn sỏi đá. Những mảnh vườn khô khốc không mấy cây cối mọc nổi. Ông Hoàng Văn Thuận, trưởng thôn Tân Sơn, cho biết cả thôn có 123 hộ thì 100% là làm nghề rừng. Hết một phần tư trong số đó là làm nghề tìm trầm. Những ai có điều kiện mua trâu thì đi rừng đốn gỗ về bán. Ai không có trâu thì chỉ có đi trầm.

Trong thôn này có người có thâm niên mấy chục năm đi tìm trầm. Chưa ai trong thôn trúng đậm để đổi đời, chỉ thi thoảng được vài mẩu nhỏ, bán đủ để trang trải cuộc sống và thanh toán nợ nần. Nhưng tất cả đều nuôi hi vọng. Và từng thế hệ nối tiếp nhau vào rừng. Mỗi chuyến đi rừng tìm trầm có khi kéo dài đến hơn một tháng. Về, rồi lại đi. “Với người đi tìm trầm, cả năm ở giữa rừng hết 11 tháng, chỉ được một tháng ở nhà” - anh Trần Văn Minh kể.

Khi chúng tôi có mặt ở Tân Sơn, không khí tang thương vẫn bao trùm. Người ta vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết của những thợ rừng xấu số. Tuy nhiên, nói như ông Đinh Xuân Viễn - một thợ rừng có thâm niên hơn 20 năm đi tìm trầm ở Tân Sơn, nếu không vào rừng thì chẳng biết làm việc gì khác để kiếm sống, nuôi gia đình, vợ con, nên đành chấp nhận đánh cuộc.

Chị Hoàng Thị Hòe mấy hôm nay cứ ngồi ôm ba con nhỏ mà khóc. Ba đứa con của anh chị đứa đầu mới lớp 5, đứa út chỉ mới học mẫu giáo. Chị bị gai cột sống mấy năm nay nên gần như việc nuôi con học hành đều đặt lên vai anh Trị. “Giờ tui không biết phải bấu víu vào đâu để cho ba đứa con tiếp tục được đến trường” - chị lo lắng.

Cùng hoàn cảnh như chị Hòe, chị Hoàng Thị Mỹ Lệ (thôn Bắc, xã Quảng Minh) cũng mất chồng. Anh Trương Thanh Hiền, chồng chị, gặp nạn để lại gánh nặng lên vai chị là hai đứa con, học lớp 6 và lớp 4. Cả nhà chị cũng trông cậy hoàn toàn vào việc đi rừng của anh Hiền. Chị không nghề nghiệp. Cả thôn Bắc này hoàn toàn trông vào việc đi rừng của những người đàn ông. Phụ nữ chỉ ở nhà chăm con và chờ chồng. Cùng chung nỗi lo, chị Lệ nói: “Điều tui lo nhất là nếu con tui không thể học tiếp thì rồi có lẽ nó cũng buộc phải đi theo con đường của bố”.

Truy tìm nhóm hung thủ

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ chiều 28-3, thiếu tướng Lê Công Dung (giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị) và đại tá Nguyễn Đình Hà (phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) cho biết ngay sau khi nhận được tin về vụ án mạng năm thợ tìm trầm bị giết chết ở biên giới Việt - Lào, liên quan đến địa bàn hai tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị, công an tỉnh và bộ đội biên phòng tỉnh đã cử ngay nhiều mũi công tác lên đường, phối hợp với lực lượng chức năng của các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Bình và nước bạn Lào để truy tìm nhóm hung thủ tại khu vực biên giới này.

Theo thông tin chính thức về vụ việc trên từ Bộ đội biên phòng Quảng Bình, ngày 25-3 đồn biên phòng Làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình) nhận được tin báo với nội dung ngày 23-3 có 15 người quê ở xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch vào khu vực bản Cha Lỳ, xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tìm trầm và gỗ sưa.

Nhóm này bị ba người lạ mặt có một súng tiểu liên AK đến khống chế, trói lại và bắt bảy người sang khu vực khe Tà Băng, thuộc cụm bản Ca Phai, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào để đòi tiền chuộc.

Năm người đã bị giết chết là Đinh Xuân Thân (33 tuổi), Trần Văn Trị (34 tuổi) cùng trú ở xã Quảng Sơn; Nguyễn Văn Thắng (45 tuổi), Nguyễn Văn Sáu (23 tuổi) và Trương Thanh Hiền (37 tuổi) cùng trú ở xã Quảng Minh. Hai người đã thoát về được là anh Đỗ Văn Hiền và Hoàng Văn Hà. Qua điều tra, Bộ đội biên phòng Quảng Bình xác định địa điểm năm người đi tìm trầm bị giết cách biên giới Việt - Lào khoảng 700m về phía Lào. Theo nhận định ban đầu, đây là vụ giết người cướp của và bắt giữ người để đòi tiền chuộc.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên