11/12/2016 00:54 GMT+7

Hành trình tìm cha của chàng nghệ sĩ mang nửa dòng máu Việt

LINH THOẠI
LINH THOẠI

TTO - Thật bối rối khi phải chứng kiến giọt nước mắt của một người đàn ông 37 tuổi, nhất là khi bạn đã nhìn thấy anh là một nghệ sĩ cuồng nhiệt như thế nào trên sân khấu với nụ cười hầu như không tắt...

Mario (thứ hai từ phải sang) và ban nhạc Lavagance của anh chụp ảnh wefile (tự sướng) cùng khán giả ở Nhạc viện TP.HCM sau buổi trình diễn tại Liên hoan âm nhạc châu Âu 2016 - Ảnh: Marek Rakovicky

Anh là Mario Smasho Vasko, thành viên của Lavagance - một trong những ban nhạc độc lập nổi tiếng nhất Slovakia, ban nhạc vừa đến Việt Nam trình diễn trong Liên hoan âm nhạc châu Âu 2016 ở TP.HCM (29-11) và Hà Nội (1-12).

Một chuyến đi trong mơ. Một tour diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Mario gần 10 năm qua. Mario không tắt nụ cười trong suốt những buổi trình diễn trước khán giả Việt, bởi Việt Nam chính là cội rễ thứ hai mà chàng nghệ sĩ mang nửa dòng máu Việt tìm thấy sau gần 40 năm.

Cha con Mario trên phố HN - Ảnh: NVCC

Đường về quê Việt

Cậu bé mang nửa dòng máu Việt từng lớn lên trong một nỗi buồn khó tránh khỏi, bởi sự vắng mặt của người cha từ khi ra đời, bởi sự quan tâm chưa đủ của người mẹ, bởi những xì xầm của bè bạn. Mario lớn lên trong sự chăm sóc của bà ngoại.

Mẹ anh sống với gia đình mới, có khi cả năm hai mẹ con mới gặp nhau một lần, bà không kể chuyện về cha cũng như không cho anh xem hình cha cho đến khi anh trưởng thành; nhưng trước đó, lúc 8-9 tuổi, Mario đã thật sự sốc khi tìm ra được tờ giấy khai sinh có tên người cha Việt Nam mình chưa biết mặt, dù cái tên ấy đã bị gạch bỏ.

Những câu hỏi không dứt về một nửa gốc rễ thất lạc ám ảnh Mario. Nhưng ngay từ nhỏ, Mario đã thể hiện bản lĩnh của một thiếu niên quyết không xem câu chuyện của mình là một thảm kịch, vì anh biết mình không có lỗi.

Từ năm 16 tuổi, anh tham gia nhiều hoạt động xã hội về đấu tranh cho quyền con người, chống phân biệt chủng tộc. Ở miền trung Slovakia lúc ấy, anh từng bị đánh chỉ vì anh là con lai, nên hơn ai hết anh dấn thân cho những hoạt động xóa nhòa những sự phân biệt ấy, và cuộc sống đầy ý nghĩa cứ thế cuốn anh đi trong những niềm vui.

Đó còn là niềm vui cho hành trình tìm thấy chính mình, dù từ sâu trong lòng anh vẫn biết đời mình còn một khoảng trống lớn.

Cách đây 10 năm, được sự động viên của một người bạn gốc Việt, Mario nhờ người bạn Việt Nam đăng tải thông tin “tìm cha thất lạc” kèm hình của cha ngày trẻ trên trang Người Việt Đông Âu (vietinfo.eu/).

Việc tìm được cha, được gọi ai đó là cha vẫn là một giấc mơ có sẵn trong tiềm thức của Mario. Anh không dám đặt nhiều hi vọng. Nhưng rồi một đêm, tám năm sau ngày đăng tải thông tin, năm 2014, anh thấy trong máy có một cuộc gọi lỡ, hỏi ra mới biết cuộc gọi đó có đầu số Việt Nam.

Anh hồi hộp gọi lại và vỡ òa khi người đàn ông đầu dây bên kia hát một bài hát truyền thống của Slovakia. Anh hiểu: Cha mình đây, cha mình đây.

*** Error ***
Gia đình mới mà Mario tìm lại được - Ảnh: NVCC

Tôi từng sống 14 năm ở Slovakia nên có thể hiểu được nỗi mặc cảm của người con lai có cha Việt Nam mà mất liên lạc như Mario. Thường thì trong hoàn cảnh ấy, người ta dễ nuôi cái giận trong lòng và thậm chí còn bị ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách. Mario hẳn có một tâm hồn nhân hậu lắm anh mới thân thiện và yêu đời, yêu người như vậy.

Cô LÊ THỊ THANH NHÀN (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) - người phiên dịch cho ban nhạc Lavagance tại buổi biểu diễn ở TP.HCM

Bùi Văn Mario - người con của làng

Người hát bài hát khiến Mario không thốt nên lời ấy là ông Bùi Văn Hòa - cha của Mario, nay 62 tuổi và đang sống cùng gia đình ở Diễn Châu, Nghệ An. Trò chuyện qua điện thoại với Tuổi Trẻ, ông Hòa kể ông đã nhờ người con trai ở Việt Nam tìm kiếm thông tin về Mario khi một người bạn ở Slovakia cho biết con trai ông đang tìm bố.

“Lương tâm tôi không cho phép tôi quên đứa con trai đầu lòng của mình và tôi tin mình nghĩ thế nào về con thì con sẽ nghĩ thế về mình, tôi vẫn tự tin con mình sẽ có ngày tìm về, và quả đúng vậy, bố con đã tìm được nhau”.

Hai cha con từ đó thi thoảng lại gặp nhau qua Skype. Ông Hòa bắt đầu nhớ lại nhiều tiếng Slovakia mà ông đã quên, kể từ tháng 2-1979 ông về nước sau thời gian đi học chuyên ngành pha chế pha lê ở Tiệp Khắc, rời cô gái Slovakia ông đã yêu suốt hai năm mà không cưới được.

Cha con Mario cho nhau xem từng thùng đựng gạo ở nhà, từng ngóc ngách ở nơi mình sống. Và rồi tháng 4-2016, Mario quyết định bay sang Việt Nam. Ông Hòa cười thật to qua điện thoại khi nói về cái tên mới ông đặt cho con: Bùi Văn Mario.

Ông chất phác kể cái hôm cả nhà và các cháu chắt cùng kéo nhau lên Hà Nội xem Mario biểu diễn, “nói là xem nhạc chứ xem Mario là chính”, lần đầu gặp con ở sân bay thì muốn khóc mà phải nén cảm xúc, lần này ngồi xem con trình diễn mà “sung sướng không thể tả”. Ông tự hào bảo “trong bốn người con, Mario là giống tôi nhất”.

Còn Mario thì bối rối, anh kể cái ngày 16-4 ấy, đặt chân xuống sân bay Nội Bài, không chỉ một người cha bằng xương bằng thịt đợi mình mà có cả 10 người cùng đứng đón anh, anh lại không biết ai là ai, không thể diễn tả được cảm xúc lúc ấy.

Nhưng suốt hai tuần sau đó, cùng cha đi thăm thú quê nhà ở Nghệ An, anh bắt đầu cảm nhận mình là một người con của làng, của nơi chốn này. Gia đình “bố Hòa” đã tổ chức một buổi tiệc mời cả trăm người đến dự, mừng bố con trùng phùng. Trước sự quan tâm nồng nhiệt từ những người thân trong gia đình, từ “mẹ Nhung” lẫn hàng xóm, Mario nhiều lần không kìm được nước mắt.

Chuyến trở về Nghệ An lần thứ hai kết hợp với chuyến lưu diễn tháng 11 và 12-2016 này, Mario đã chạy xe đi khắp nơi ở Nghệ An và giờ đây đã quen rất nhiều người trong làng. Cả ba người em trai và em gái đều yêu thương, quyến luyến anh. Tình cảm nồng hậu của gia đình mới và người Việt Nam dành cho Mario khiến anh vừa ngạc nhiên, vừa hạnh phúc.

Ở một đất nước có đến hơn 90 triệu dân, vì sao câu chuyện nhỏ bé của mình lại khiến nhiều người xúc động đến vậy? Mario tự hỏi khi thấy rất nhiều khán giả ở cả Sài Gòn và Hà Nội nán lại sau buổi biểu diễn để trò chuyện cùng anh, nhiều người rơm rớm nước mắt.

Anh nhận ra cái tình, sự đồng cảm, hòa đồng và thân thiện ấy cũng có trong dòng máu của mình. Một cách tự nhiên, đất nước còn quá mới mẻ này cứ trở nên thân thuộc và gắn bó với anh.

Mario - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mario - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyến đi trong mơ của người dệt mộng

Đêm 29-11 tại Nhạc viện TP.HCM, những ai xem Mario biểu diễn chắc khó mà quên gương mặt tràn ngập hân hoan của anh. Gần như “bay” trên sân khấu với cây đàn guitar của mình, anh vẫn không quên thi thoảng hướng đôi mắt lấp lánh vào chỗ ngồi của người thân - hai người em trai đang sống ở Sài Gòn.

Nguồn năng lượng tươi vui từ anh như tỏa khắp khán phòng. Ở Hà Nội cũng không khác hơn, vì dưới hàng ghế khán giả còn có sự hiện diện của đại gia đình “bố Hòa”.

Gần hai tuần cho chuyến trở về Việt Nam lần thứ hai trở nên quá ngắn với Mario, bởi như anh bảo, anh đang sống những ngày đẹp nhất đời mình. Từ Sài Gòn, đến Hà Nội, Nghệ An, Phú Quốc, “thật tuyệt vời khi mỗi khi tôi khen ngợi điều gì đó của Việt Nam, những người bạn Việt lại nói với tôi: Đó cũng là tổ quốc của anh đấy”.

Tổ quốc đó đang mang cho anh niềm hạnh phúc mới, khiến cuộc sống anh phong phú hơn, nhiều cảm xúc hơn. “Amazing” (tuyệt vời), “lovely” (đáng yêu) và “delicious” (ngon) là ba tính từ anh nói ngay khi miêu tả về Việt Nam.

Tự gọi mình là “dreamer”, người dệt mộng, khi hai giấc mơ trong đời đã thành hiện thực: tìm thấy cha và biểu diễn âm nhạc tại “daddyland” - quê nhà của cha; giấc mơ lớn nhất của Mario lúc này không gì khác hơn là có thêm nhiều cơ hội biểu diễn tại Việt Nam để anh có thể kết hợp về thăm quê hương thứ hai của mình.

Anh đã kịp tìm hiểu thêm về lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa và những liên hoan khác có tính quốc tế ở Việt Nam, để nuôi hi vọng ban nhạc Lavagance sẽ còn nhiều dịp “cháy” cùng khán giả Việt.

“Tôi nghĩ mình không cần đi đâu khác nữa, quốc gia nào khác nữa. Từ đây, có thời gian và điều kiện, tôi sẽ về Việt Nam thôi. Còn quá nhiều điều để khám phá ở đây, mà nếu không biết, tôi sẽ thấy xấu hổ” - chàng nghệ sĩ mang nhân dáng cao to của người Âu, đôi mắt châu Á và một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm nói một cách chắc nịch.

*** Error ***
Bùi Văn Mario chơi nhạc ở quê cha - Ảnh: NGỌC ÁNH

Mario hiện làm việc cho Markíza - đài truyền hình tư nhân lớn nhất ở Slovakia. Công việc tìm kiếm tài năng/diễn viên cho các chương trình của đài truyền hình cho Mario cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ người nổi tiếng hàng đầu trong giới showbiz đến những người bần cùng.

Đó là lý do khiến anh cảm thấy yêu thích công việc nhưng cũng cảm thấy nặng lòng trước nhiều phận người. Có lẽ một tuổi thơ thiệt thòi khiến Mario luôn quan tâm đến những cảnh đời không may mắn.

Tấm ảnh mới nhất anh chia sẻ trên mạng là tấm ảnh một người phụ nữ ở Phú Quốc mưu sinh bằng gánh hàng nhỏ với chiếc đòn gánh trên vai, anh viết: Thật khó để sống dễ dàng. Ngoài công việc, Mario dành thời gian ban đêm cho âm nhạc, nhiều đêm anh chỉ có ba tiếng để ngủ nhưng anh bảo “tôi thích thế!”.

Ban nhạc Lavagance

Lavagance gồm 5 thành viên là Marek Rakovicky (hát chính, guitar), Vincent Susol (hát bè, đàn bass), Viliam Bujnovsky (keyboard), Mario “Smasho” Vasko (hát bè, guitar, đàn keyboard) và Robert Dando (trống).

Với thể loại nhạc pha trộn giữa electro-pop-rock-alternative, nhóm đã hoạt động 10 năm và cho ra mắt 5 album, từng lưu diễn ở khoảng 10 quốc gia châu Âu và trình diễn chung với những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới như Depeche Mode, Duran Duran. Lavagance đã đoạt nhiều đề cử và giải thưởng âm nhạc.

LINH THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên