20/10/2003 06:07 GMT+7

Hành trình tiếp sức sẽ còn tiếp tục

PHẠM VŨ - HOÀNG HƯƠNG
PHẠM VŨ - HOÀNG HƯƠNG

TT - Những câu chuyện thật là buồn, gương mặt các bạn cũng buồn. Nhưng từ hôm nay niềm hi vọng đã thấp thoáng, niềm tin về lòng tốt ẩn quanh trong cuộc sống cũng được thắp lên. Đó là cảm nhận của những người đã tham dự buổi trao học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm cho 22 SV vừa đậu đại học nhưng có nguy cơ bỏ học.

Mỗi gương mặt là một tấm gương

iDSBMyBj.jpgPhóng to
Thủ khoa Đại học An Giang Phan Văn Bản tặng hoa cho nhà hảo tâm Dương Quang Thiện - Ảnh: Thanh Đạm
Anh Huỳnh Sơn Phước - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định khi mở đầu buổi lễ: “Mỗi SV có một hoàn cảnh khác nhau nhưng câu chuyện nào cũng là một bài học về tinh thần vượt khó...”. Đúng như thế.

Nguyễn Nhật Anh, khoa công nghệ vật liệu ĐH Bách khoa TP.HCM, kể về những ngày mẹ ốm, căn phòng thuê 8m2 của hai mẹ con không còn một cọng rau. “Tối đi học về, em cầm đèn pin đi soi ếch. Cứ chiếu đúng vào mặt là nó đứng lại, mỗi lần đi bắt được một phần tư bao tải là khỏi phải mua thức ăn một tuần”. Nhật Anh biết làm món ếch kho sả, ếch nấu cháo, ếch chiên trứng, “nhưng các ruộng rau ở Gò Vấp đã thành nhà lầu gần hết, ếch cũng chẳng còn”.

21l32yH4.jpgPhóng to
GS Phan Lương Cầm trao học bổng cho SV Nguyễn Minh Tiến
Lê Trường Giang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thì lại có rất nhiều rau. Niềm vui đi học của Giang gắn liền với việc trồng rau và gánh rau ra chợ bán. Giang đã định bỏ thi đại học vì cảnh nhà: bốn công đất đã bán trả nợ, người cha lớn tuổi lại đau ốm thường xuyên... Nhưng rồi Giang vẫn đi thi và thi đậu. Ngày nhập học, mẹ Giang đi vay 1 triệu đồng, bảo: “Con đừng quan tâm tiền nợ, tiền lãi, cứ học cho tốt...”.

Người dẫn chương trình đọc một lá thư từ Bến Tre gửi đến báo Tuổi Trẻ: “Tôi biết em là con một gia đình nông dân nghèo. Đất đã bán để lo bệnh cho cha và lo học cho con, nhưng cha vẫn mất hẳn sức lao động, em phải đi lột nhãn sấy, đóng rổ nhãn có khi đến 2-3g sáng. Con đoạt giải ba môn văn toàn quốc, tuyển thẳng đại học mà cha mẹ em lo nhiều hơn mừng. Ngày nhập học gần kề cả nhà không ngủ. Ngân hàng đã vay rồi, mượn bà con cũng đã mượn nhiều... Em là Đoàn Thị Quỳnh Như, ấp Bình An, thị trấn Chợ Lách, Bến Tre. Mỗi ngày ở KTX Thủ Đức, em mua đĩa cơm trắng 1.000 đồng thêm ít nước tương, tiết kiệm tiền mua sách đọc. Mong có một phép màu...”.

Thư của độc giả Nguyễn Khắc Tâm làm cả hội trường nghẹn ngào. Quỳnh Như bật khóc. Cô bé thích truyện ngắn của Nam Cao và tiểu thuyết Sông Đông êm đềm mong ước sẽ trở thành một nhà báo...

Cùng nắm tay, cùng tiếp sức

Rất nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã làm thay công việc của phóng viên: phát hiện nhân vật cho chương trình. Thư tới tấp bay về tòa soạn “gửi đến nỗi niềm những nông dân muốn con em vượt lên cái nghèo, cái khổ. Không biết ý chí có thắng được cái khốn khó dai dẳng?”. Những lá thư ấy đã gặp được những tấm lòng, trở thành nhịp cầu cho các học sinh vượt khó, học giỏi gặp những nhà tài trợ...

Phút hội ngộ không nhiều tiếng cười nhưng thật nhiều nỗi sẻ chia. Sự đồng cảm cứ lớn mãi.

Giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã đóng góp học bổng và đề nghị báo Tuổi Trẻ thành lập quĩ tiếp sức - cũng đã ngợi khen các SV.

rse8Y407.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Kim Phú - giám đốc Công ty Bảo Việt Sài Gòn - trao quà và chúc mừng những tấm gương vượt khó trong học tập
Ông Nguyễn Kim Phú, giám đốc Công ty Bảo Việt Sài Gòn - người chu cấp học bổng cho SV Nguyễn Thanh Lập suốt quá trình đại học - kể câu chuyện về một thanh niên đã tạm gác giấc mơ đại học để đi đánh xe bò, chở phân nuôi em. Chàng thanh niên ấy trì chí ôn thi mỗi khi bánh xe dừng, làm thật nhiều nghề kiếm sống, đậu đại học đạt điểm du học nước ngoài và hôm nay trở thành... giám đốc Bảo Việt Sài Gòn.

Giám đốc Nguyễn Kim Phú quyết định trao tặng mỗi SV có mặt 300.000 đồng, quà tặng và cung cấp việc làm thời vụ thông qua báo Tuổi Trẻ để các SV vừa nâng cao tay nghề, vừa kiếm thêm thu nhập.

Kỹ sư Dương Quang Thiện - người đã đóng góp cho quĩ 10 suất học bổng trị giá 30 triệu đồng - cũng kể về cái may mắn của mình ngày xưa: được tiếp tục đi học nhờ mẹ bán được một ghe lúa. Khi được ra nước ngoài học tập, ông đã nhận được sự tài trợ và một mục đích sống từ một nhà hảo tâm: “Nhận sự giúp đỡ hôm nay để sau này giúp những người khác” - bác Thiện cũng là người đầu tiên đề nghị Tuổi Trẻ lập học bổng cho các em học sinh nghèo đậu đại học từ năm 1998.

“Tuổi Trẻ phải đẩy mạnh hơn nữa những chương trình học bổng để các em thấy được rằng đi lên tuy gian khó nhưng không đơn độc. Các em được tiếp sức” - đó là lời nhắc nhở thiện chí của tất cả mạnh thường quân.

Trong câu chuyện của mỗi bạn, sự tiếp sức còn chính là hình ảnh của những người thân. Với Ngọc Khánh là bố mẹ, là các thầy; với Minh Tiến là chị gái; với Nhật Anh, Phương Uyên là mẹ... Một hình ảnh tiếp sức được biểu hiện rất sinh động ngay trong buổi lễ: cái nắm tay giữa hai anh em Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Thanh Lập và SV Danh Thanh Phong.

Đầu tiên là Tân chia tay giảng đường để đi làm nuôi Lập học. Rồi Lập cất giấy báo trúng tuyển để đỡ gánh nặng cho mẹ và anh. Hôm nay, nhận được sự hỗ trợ từ bạn đọc, Lập lại san sẻ cho Danh Thanh Phong, một SV khuyết tật trì chí trong 10 năm để tốt nghiệp đại học.

Hạnh phúc nhất trong buổi lễ là Ngọc Khánh (cô bé quét rác đã trở thành SV ĐH Y Tây nguyên). Cùng với Khánh đến nhận học bổng có cha, có thầy giáo. Người cha vẫn mặc chiếc áo đồng phục công nhân vệ sinh bạc màu, sờn cổ, ngồi dự lễ lúc thì cười, lúc lại khóc: “Năm nào tôi cũng được đi xem con gái lãnh thưởng, nhưng không lần nào xúc động như lần này. Các em khác nữa... thương quá”.

Báo Tuổi Trẻ đã cam kết rằng chương trình không dừng lại mà sẽ tiếp tục, rộng hơn, sâu hơn, sớm hơn. Giám đốc Công ty Bảo Việt Sài Gòn đã nhanh tay đăng ký tài trợ và tổ chức chương trình cho năm sau. Bác Dương Quang Thiện sẽ trao tặng cho Quĩ tiếp sức đến trường 30 triệu đồng vào mùa nhập học 2004-2005. Công ty Dân Trí trao tặng 22 phần quà. Hai sinh viên được nhận học bổng của chương trình là Nguyễn Thanh Lập, Nguyễn Minh Tiến cũng đã ghi tên vào danh sách “nhường lại một số tiền của học bổng” cho các bạn...

Hành trình tiếp sức sẽ còn tiếp tục...

Tiếp sức, cho các em có thêm niềm tin

Chiều 17-10, tại làng Hi Vọng Đà Nẵng trước sự chứng kiến của ban lãnh đạo làng, văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Trung đã trao hai suất học bổng cho hai học sinh của làng Hi Vọng vừa đậu đại học năm học 2003-2004 (Tuổi Trẻ số ra ngày 27-9 đã có bài viết về hai gương mặt này). Mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng/năm và sẽ kéo dài trong suốt bốn năm học (nếu các bạn tiếp tục giữ vững thành tích học tập).

Tại lễ trao học bổng, thầy Nguyễn Thuận - phó giám đốc làng Hi Vọng Đà Nẵng - phát biểu: “Báo Tuổi Trẻ đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa và đầy tình nhân ái, nhất là với hai học sinh của làng. Với những đứa trẻ đã có quá nhiều bất hạnh thì đây là một nguồn tiếp sức cực kỳ mạnh mẽ giúp các em vững bước hơn trên con đường hòa nhập với cộng đồng, trường học. Học bổng “Tiếp sức đến trường” mà báo Tuổi Trẻ khởi xướng sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng vững chắc hơn cho những học sinh nghèo mà con đường đến giảng đường với các em tưởng chừng như quá xa vời”.

Được biết trước khi nhận được thông tin về học bổng này, bản thân hai em Nguyễn Hữu Công (SV khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh Đà Nẵng) và Trần Văn Nhỏ (SV khoa toán tin Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã phải tự kiếm thêm việc làm (phụ hồ) để có tiền nhập học.

Cầm trên tay món quà mà bạn đọc Tuổi Trẻ trao gửi, Công xúc động tâm sự: “Tôi sẽ nỗ lực để không phụ lòng thầy cô đã nuôi dạy, không đánh mất sự kỳ vọng của quí báo cũng như của các nhà hảo tâm đã giúp tôi trong lúc khốn khó này. Sự tiếp sức của báo sẽ giúp tôi cũng như các bạn khác ở làng có thêm niềm tin hơn vào phía trước”.

PHẠM VŨ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên