20/12/2005 06:42 GMT+7

Hành trình Nguyễn Hữu Thọ: Người đi đến cuối con đường

TS PHAN VĂN HOÀNG
TS PHAN VĂN HOÀNG

TT - Có lần luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho biết câu danh ngôn mà ông thích nhất là tư tưởng của nhà bác học Pháp Louis Pasteur: “Khoa học không có tổ quốc, nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”.

zOEvqd2x.jpgPhóng to
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giáo sư Phạm Huy Thông và luật sư Hoàng Quốc Tân trong những ngày bị an trí ở Hải Phòng (1955)
TT - Có lần luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho biết câu danh ngôn mà ông thích nhất là tư tưởng của nhà bác học Pháp Louis Pasteur: “Khoa học không có tổ quốc, nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”.

Kỳ 1: Sự chọn lựa của người trí thức Kỳ 2: Mặt trận giữa lòng địch

Ông giải thích: “Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác”. Suốt đời, ông đã sống như những gì mà ông nói: phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Pháp bắt luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhưng không dám đưa ông ra tòa vì sợ phản ứng của quần chúng. Qua những hoạt động của phái đoàn trong ba tháng đầu năm 1950, ông được đông đảo tầng lớp nhân dân tin tưởng và quí mến.

Để cách ly ông với phong trào cách mạng đang sục sôi của thành phố, Pháp quyết định đày ông lên bản Giẳng (thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Đây là nơi tận cùng phía Tây Bắc của đất nước, nằm ở giao điểm của ngã ba biên giới VN - Trung Quốc - Lào, nơi mà “một tiếng gà gáy, ba nước đều nghe”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị giam lỏng trong một căn nhà sàn nhỏ. Qua một vài người biết tiếng Kinh, ông tìm cách giải thích cho bà con biết vì sao dân mình còn cực khổ như thế này.

Ông dạy cho các cháu thiếu nhi nói tiếng Kinh, dạy cho thanh niên học chữ quốc ngữ, chỉ vẽ cho người lớn những kiến thức phổ thông về khoa học, về vệ sinh phòng bệnh... Dần dần, bà con hiểu ông, thương ông và quí ông. Có của ngon vật lạ gì họ đều biếu ông. Có lần ông ngã bệnh, bà con vào rừng hái lá thuốc sắc cho ông uống...

Trong khi đó, Đoàn luật sư Sài Gòn - Chợ Lớn phản đối Pháp quản thúc đồng nghiệp của họ mà không qua xét xử công khai trước tòa án. Tháng 11-1952 ông được trả tự do. Trở về Sài Gòn, ông mở lại văn phòng luật sư, tiếp tục bảo vệ thành công những cán bộ kháng chiến trước tòa án thực dân - trong đó có chị Nguyễn Châu Sa (tức Nguyễn Thị Bình, sau này là phó chủ tịch nước), chị Đỗ Duy Liên (sau này là phó chủ tịch UBND TP.HCM), chị Thu Trang (sau này là tiến sĩ sử học ở Pháp)... Ông lập luận chặt chẽ, lời lẽ hùng hồn, nên anh chị em tù chính trị bảo nhau: “Được luật sư Thọ cãi cho thì thế nào cũng được trả tự do”.

Phong trào bảo vệ 28 “ông hòa bình”

Pháp thua ở Điện Biên Phủ, phải ký Hiệp định Genève, cam kết rút quân về nước. Mỹ sợ VN độc lập và thống nhất nên đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn để phá hoại hiệp định, chia cắt lâu dài đất nước ta, giữ miền Nam trong quĩ đạo của Mỹ.

Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trương thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình để đấu tranh đòi các nước tham dự Hội nghị Genève phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève. Ban chấp hành phong trào gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm phó chủ tịch của phong trào.

Trên tờ nội san Hòa Bình của phong trào, ông giải thích các điều khoản của Hiệp định Genève để đồng bào dựa vào cơ sở pháp lý của hiệp định mà đấu tranh chống những vi phạm. Nhiều người đến nhờ ông can thiệp với Ủy hội quốc tế giám sát và kiểm soát, với Ban liên hợp đình chiến về những thân nhân của họ chưa được trao trả hay bị phân biệt đối xử vì đã tham gia kháng chiến chống Pháp.

Ngày 1-8-1954, phong trào tổ chức một cuộc mittinh chào mừng hòa bình. Năm vạn người tham gia, đứng chật quảng trường trước chợ Bến Thành và các đại lộ gần đó.

Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào thành lập được 32 ủy ban hòa bình ở các khu phố, nhà máy, trường học... và dự định tổ chức Đại hội hòa bình toàn thành.

Khiếp sợ trước sự lớn mạnh của phong trào, Ngô Đình Diệm ra lệnh cho cảnh sát bắt giam 28 người chủ chốt trong ban chấp hành rồi đưa ra tòa với các tội danh như lập hội bất hợp pháp, xuất bản sách báo không xin phép, tổ chức mittinh gây rối trị an, rải truyền đơn xúi giục dân chúng lật đổ chính phủ.

Ngày 6-12-1954, hơn 2.000 đồng bào tụ tập trước tòa án để ủng hộ các “ông hòa bình”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần lượt bác bỏ các lý do buộc tội. Ông nói: Phong trào bảo vệ hòa bình lấy Hiệp định Genève làm cơ sở pháp lý và nguyện vọng của nhân dân làm mục tiêu, nên hoạt động của phong trào không chỉ hợp pháp mà còn chính đáng nữa.

Các buổi tập hợp của phong trào diễn ra trong trật tự. Chính cảnh sát và quân đội đã gây ra cảnh rối loạn khi họ đàn áp những người dân ôn hòa. Về vụ truyền đơn, ông khẳng định đây là những truyền đơn giả, do chính quyền Diệm in ra để vu cáo phong trào.

Không thể dùng tòa án để buộc tội những người lãnh đạo phong trào, ngày 9-2-1955, Ngô Đình Diệm cho chở các ông ra Hải Phòng (lúc đó còn do Pháp quản lý, mãi đến 13-5-1955 mới giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa). Các ông bị quản thúc trong một ngôi nhà lớn (số 13 phố Lạch Tray) mà chủ nhân đã bỏ chạy vào Nam. Ý định của Diệm là bỏ các ông ở lại Hải Phòng khi quân Pháp rút hết vào Nam.

Thông qua một cơ sở cách mạng, Trung ương Đảng chỉ đạo các ông đấu tranh đòi chính quyền Diệm phải đưa các ông về lại Sài Gòn và trả tự do cho các ông vô điều kiện. Các ông yêu cầu Ủy hội quốc tế, Ban liên hiệp đình chiến can thiệp.

Ngày 23-4-1955, Diệm phải cho máy bay chở các ông về lại Sài Gòn (chỉ có giáo sư Phạm Huy Thông ở lại miền Bắc vì Diệm đã biết giáo sư là đảng viên cộng sản). Nhưng khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì Diệm cho mật vụ ập tới bắt cóc ông cùng ba người nữa - mà Diệm nhận xét là những người chủ chốt nhất của phong trào - đưa sang một máy bay khác chở ra tỉnh Phú Yên tiếp tục quản thúc.

Từ “ông Hòa Bình” đến “ông Việt cộng”

Trong lúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc ở Phú Yên thì các cuộc nổi dậy - lúc đầu lẻ tẻ, về sau đồng loạt - nổ ra khắp nơi. Tình hình đó đòi hỏi phải có một tổ chức chính trị của toàn miền Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Hội nghị trung ương Đảng lần 15 (từ 13-1-1959) nhận định: “Tính chất, thành phần mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có mặt trận riêng cho miền Nam... không nằm trong Mặt trận Tổ quốc VN”.

Nhưng ai là người có đủ đức độ và tài năng để đứng đầu “mặt trận riêng cho miền Nam” đó? Sau khi tham khảo ý kiến của Khu ủy khu 5 và Xứ ủy Nam bộ, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định: phải giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ để ông lãnh đạo mặt trận. Khu ủy khu 5 và Tỉnh ủy Phú Yên được giao nhiệm vụ thực hiện “kế hoạch chị Nghĩa” (mật danh của kế hoạch giải cứu) bằng mọi giá.

Sau nhiều ngày thảo luận, Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp với Thị ủy Tuy Hòa lên kế hoạch: tối 10-9-1960, ông sẽ được cơ sở mật của thị ủy đưa đến chùa Núi Cam. Tại đây, một đơn vị bộ đội sẽ đón ông lên căn cứ tỉnh ủy. Không may, anh Nguyễn Sự - người được phân công đưa ông đến điểm hẹn - bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, anh Sự vẫn giữ kín bí mật nên “kế hoạch chị Nghĩa” không bị lộ.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN được thành lập ở Rùm Đuôn - Trảng Chiên (bắc Tây Ninh), trong khi vị chủ tịch vẫn còn bị quản thúc.

địch đưa ông về Củng Sơn (vùng cao phía tây tỉnh Phú Yên). Ở đây, ông bị kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất cử nhất động đều không qua mắt đám cảnh sát và mật vụ. Nhiều lần, cơ sở của tỉnh ủy tìm cách liên lạc với ông nhưng không tiếp cận được. Vì vậy, khu ủy và tỉnh ủy thấy chỉ có cách dùng lực lượng vũ trang bất ngờ tập kích Củng Sơn mới có thể giải cứu được ông. Một đơn vị tinh nhuệ gồm đặc công, quân báo... được thành lập.

Đêm 18-6-1961, đơn vị này tấn công Củng Sơn. Hai chiến sĩ hi sinh nhưng đơn vị làm chủ được quận lỵ này. Một tổ đặc nhiệm nhanh chóng đến nơi quản thúc ông. Một tình huống bất ngờ: không lâu trước đó ông được địch chở về thị xã Tuy Hòa để gặp gia đình từ Sài Gòn ra thăm nuôi. Hai người bạn của ông trong Phong trào bảo vệ hòa bình theo tổ đặc nhiệm ra vùng giải phóng, người thứ ba vì già yếu phải ở lại.

Thấy Củng Sơn mất an ninh, chính quyền Diệm giữ ông ở lại thị xã Tuy Hòa. Tỉnh ủy và thị ủy lại lên kế hoạch mới, lần này chi tiết và cụ thể hơn: chiều tối 30-10-1961, ông được đưa đến khu vực mộ bà Dũ Ký trong nghĩa trang người Hoa cách thị xã 4km về phía bắc. Tại đây, một đơn vị quân giải phóng sẽ hộ tống ông vượt qua cánh đồng Màng Màng, hướng lên phía Thọ Vực, Hòa Quang... Một bộ phận chốt lại sẵn sàng đánh địch nếu chúng tung lực lượng ra truy tìm ông.

Kế hoạch được thực hiện một cách hoàn hảo. Trưa ngày hôm sau, ông về đến căn cứ tỉnh ủy trong khu rừng già Phước Tân. Nghỉ ngơi một thời gian ông lại lên đường về đại bản doanh của Trung ương Cục miền Nam và lao vào việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của mặt trận. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng đấu tranh giữa lòng địch, ông đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho các chính sách lớn của mặt trận.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đến việc vận động quần chúng, không chỉ quần chúng đã giác ngộ mà cả những người đã hay đang làm việc trong chính quyền và quân đội đối phương.

Ông chủ trương đoàn kết, hợp tác và tập hợp dưới lá cờ của Mặt trận mọi người VN - không phân biệt thành phần xã hội, xu hướng chính trị - có chung nguyện vọng độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, có chung quyết tâm đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ.

Đại hội tán thành những ý kiến của ông và nhất trí bầu ông làm chủ tịch. Từ đó cho đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, ông đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ mà dân tộc đã giao cho ông: giương cao ngọn cờ đoàn kết toàn dân để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

TS PHAN VĂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên