
TS Phạm Thanh Tuấn Anh (phải) nỗ lực truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê để cùng tạo ra cộng đồng nghiên cứu nhỏ - Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2025, đã biến hành trình nghiên cứu khoa học đầy cảm hứng của mình thành động lực cho thế hệ trẻ.
Thích khoa học tự nhiên, Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh từng đam mê vật lý hạt nhân. Song anh lại quyết định chọn vật lý ứng dụng khi trở thành sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Anh tiến sĩ 9X đến nay đã có khoảng 60 bài báo được xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín, trong đó 45 bài đăng tạp chí xếp hạng Q1. Và gần nhất, anh nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM vừa nhận được ngay ngày đầu năm 2025.
Nhân duyên của hành trình nghiên cứu khoa học đầy cảm hứng
Như nhiều bạn trẻ đam mê làm nghiên cứu, cậu bạn sinh năm 1992 này cũng từng mơ ước đi du học, ra thế giới mở mang tri thức. Anh từng cân nhắc và đã nộp hồ sơ ứng tuyển một trường ở Hàn Quốc. Nhưng Tuấn Anh tự nhận "mối duyên" với việc làm nghiên cứu trong nước chắc chưa dứt.
Thời điểm anh nộp hồ sơ tìm học bổng đi nước ngoài, phòng thí nghiệm nơi anh làm khóa luận tốt nghiệp có một cơ hội việc làm. Một vài thầy cô muốn giữ anh lại hỗ trợ, một phần vì tin vào năng lực, nhiệt huyết của Tuấn Anh có thể tiếp nối phát triển dự án. Và anh quyết định ở lại làm nghiên cứu trong nước.
Để thỏa ước mơ mở rộng chân trời hiểu biết, Tuấn Anh chủ động trao đổi khi có thể tham gia các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài. Nhờ vậy anh có cơ hội đến với nhiều chương trình trao đổi, hợp tác, hội nghị quốc tế. Mỗi chuyến đi là thêm cơ hội mở mang, hiểu hơn về lĩnh vực đang theo đuổi cũng như giao lưu với nhiều người trẻ cùng ngành.
Tuấn Anh kể, anh từng nghĩ những điều đang làm là tốt rồi. Nhưng ra nước ngoài, tiếp xúc với các giáo sư đầu ngành cùng các bạn khác giúp anh nhận ra còn nhiều thiếu sót cả kiến thức lẫn công cụ thí nghiệm.
"Tôi học được rất nhiều từ mỗi chuyến đi, tích lũy cái mới và khi trở về luôn cố gắng chia sẻ lại với đồng nghiệp và đàn em", Tuấn Anh nói.
Với anh, đó cũng là cách trao truyền như bản thân từng được nhiều anh chị đi trước hướng dẫn và truyền cảm hứng.
Thực tế đã có một số bạn trẻ tiếp thu những điều được anh chia sẻ lại rồi phát triển hướng khác hiệu quả hơn, tiếp cận vấn đề sáng tạo và có khi mang lại những kết quả tốt hơn. Anh gọi ấy là hạnh phúc vì có thể học ngược lại từ các bạn trẻ đi sau.
Luôn nỗ lực hết mình
Chưa bao giờ Tuấn Anh không tự nhắc bản thân rằng hành trình mình đi luôn có không ít người vẫn đang âm thầm ủng hộ bằng nhiều cách. Gia đình là hậu phương vững chắc, cả đảm bảo tài chính để con trai toàn tâm toàn ý học tập, nghiên cứu dù không mấy khá giả.
Ngoài gia đình, Tuấn Anh nhắc đến hai người thầy hướng dẫn mà anh nói luôn biết ơn. Đó là PGS.TS Trần Cao Vinh, hiện làm phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, là người giúp tạo nền tảng nghiên cứu cho Tuấn Anh ngay những ngày đầu và vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn anh suốt quá trình nghiên cứu.
Người thứ hai là GS.TS Phan Bách Thắng, hiện làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TP.HCM) là người giúp định hướng rõ ràng con đường nghiên cứu của anh.
Đang làm phó trưởng Phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao, Tuấn Anh quản lý đội nhóm hầu hết đều là các bạn gen Z.
Trước quen làm việc một mình nhưng khi có nhóm, anh tự nhận phải học cách thích nghi, dành thời gian hướng dẫn, thảo luận với các bạn nhiều hơn.
Dù quản trị con người, theo Tuấn Anh, không hề đơn giản nhưng anh nói thấy vui vì ít ra mình đang làm công việc truyền cảm hứng trong một cộng đồng nghiên cứu nhỏ với hy vọng nhóm sẽ ngày càng mở rộng.
Trò chuyện với Tuấn Anh, người ta dễ nhận ra vẻ gần gũi, sự khiêm cung và cầu thị ở anh. Vậy mà cậu bạn ấy tự nói mình từng có cái tôi rất lớn và sẽ không dễ gì buông bỏ nếu không được các thầy ân cần sẻ chia, chỉ bảo bao năm qua. Chính các thầy đã dạy anh học cách khiêm tốn, trung thực và cần nỗ lực hết mình dù làm bất cứ vai trò gì.
Dành nhiều công sức theo đuổi các đề tài nghiên cứu, tiến sĩ sinh năm 1992 luôn giữ vẹn nguyên ngọn lửa đam mê như những ngày đầu chập chững làm khoa học. Anh nói có vẻ ngày càng không nhiều người trẻ chọn nghiên cứu bởi những áp lực vô hình.
Đó cũng là lý do thôi thúc anh muốn góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp nối trong hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học.
"Tôi muốn giúp các bạn đạt được những cột mốc quan trọng như tốt nghiệp đại học, nâng cao trình độ sau đại học và có những công trình nghiên cứu chất lượng trong khả năng của mình. Làm sao các bạn hiện thực hóa ý tưởng, công bố kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tiễn cao", Tuấn Anh chia sẻ.
Vượt khó đi đến mục tiêu
Làm khoa học với người trẻ có những khó khăn nhất định mà tài chính là một trong những rào cản khiến khó thu hút nhân tài. Các tạp chí quốc tế đều yêu cầu phí truy cập rất cao mà nhiều trường trên thế giới phải chi hàng triệu USD mua bản quyền cho giảng viên, sinh viên mỗi năm. Trong khi nguồn tài liệu ở Việt Nam khá hạn chế.
Chưa kể thiếu thiết bị nghiên cứu cũng là thử thách khác. Tuấn Anh nói ngành mình theo chủ yếu làm thực nghiệm, đòi hỏi nhiều thiết bị đắt tiền. Điều này rất khó nếu chỉ dựa vào cá nhân nên cần sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước, đơn vị.
"Tài liệu tôi có đều cũ và khó theo kịp những nghiên cứu mới nhất nên thường nhờ bạn bè ở nước ngoài tìm giúp. Có lẽ đây là khó khăn mà nhiều người làm khoa học đang đối diện nên tôi tự nhắc mình càng phải nỗ lực hơn để vượt qua", Tuấn Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận