Phóng to |
Cuộc tái ngộ giữa cựu chiến binh Mỹ và tấm thẻ bài của ông ta là cả một câu chuyện dài. Khi mà Denzil Messman đánh rơi nó trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ông ta hẳn không ngờ rằng hơn 30 năm sau, nó lại nằm lẫn giữa những đồng xu cổ trên một quầy bán hàng lưu niệm trong lòng TP.HCM để rồi sau đó trở về với ông tại bang Texas vào năm 2005 nhờ sự giúp đỡ của gia đình Roskam. Chuyến trở về của chiếc thẻ nhỏ bé bắt đầu vào một ngày hè năm 2001, khi mà chiến tranh đã lùi xa và Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với giới doanh nhân Mỹ.
Trong chuyến đi tìm đối tác kinh doanh tại Đông Nam Á, vợ chồng ông bà Verlyn và Martha Roskam đã bất ngờ bắt gặp những chiếc thẻ nhận dạng quân nhân trên một góc náo nhiệt của TP.HCM. Chứng tích của quá khứ chiến tranh nằm im lìm, lẫn lộn giữa đống tiền cổ trên quầy lưu niệm tấp nập khách ra vào.
“Tôi cầm chúng trong tay và một cảm giác rất buồn ùa đến. Tôi biết rằng mỗi miếng kim loại nhỏ xíu này là cả một câu chuyện về chiến tranh”, bà Martha kể về phát hiện tình cờ của mình. Martha liền đem câu chuyện kể với chồng. Đối với ông Verlyn, người từng tham gia cuộc chiến trang trên bán đảo Triều Tiên nửa thế kỷ về trước, những mảnh kim loại này còn có một ý nghĩa khác. Nó nhắc cho ông nhớ để rồi quên đi cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt, để có thể cảm nhận được giá trị đích thực của hòa bình.
Thẻ bài - chứng tích lặng thầm của chiến tranh – đã ra đời từ thời cổ đại, chúng được những chiến binh thành Sparta của Hy lạp mang theo bên mình trong những trận chiến bạo tàn. Suốt cuộc nội chiến nước Mỹ 1861-1865, binh lính thường ghim mảnh giấy nhỏ ghi tên tuổi, quê quán lên áo khoác. Trong cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha ở vùng Ca- ri- bê hồi cuối thế kỷ 19, lính chiến cũng mang theo nó.
Sau này, nó được cải tiến thành miếng thiếc có ghi tên, nhóm máu, đơn vị của người mang nó. Những chiếc thẻ này sẽ nói thay người lính trong trường hợp họ không thể nói được. Trong chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ thường sử dụng thẻ có bọc cao su bên ngoài để tránh phát ra tiếng kêu khi va chạm. Suốt cuộc chiến dài và khốc liệt này, nhiều lính Mỹ đã rời Việt Nam mà không thể mang theo tấm thẻ bài về nhà.
Sau này, trong các cuộc chiến tranh tại Panama, Afghanistan, Iraq cũng có vô số thẻ nhận dạng rơi xuống chiến trường, lẫn lộn vào những đống đổ nát và lặng lẽ chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh. Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại thời thơ ấu, bọn trẻ chúng tôi từng nhặt được rất nhiều thẻ nhận dạng quân nhân trên các sườn đồi về bán ve chai. Hồi đó, chúng tôi không hề biết rằng những miếng kim loại sang sáng này là “chứng minh thư” của lính Mỹ, cũng chẳng hề biết người ta gọi nó là dog tag (dịch sát nghĩa là “đuôi chó”).
Phóng to |
Ông Verlyn Rocskam (phải) trao lại tấm thẻ bài cho một cựu chiến binh Mỹ |
Trở lại với TP.HCM những ngày hòa bình và câu chuyện của đôi vợ chồng doanh nhân - cựu chiến binh Roskam. Những chiếc thẻ đã làm ông Verlyn nhớ lại cuộc chiến khốc liệt trên báo đảo Triều Tiên và ông quyết định bỏ 20 USD để mua hết 37 chiếc thẻ trên về lưu niệm với hy vọng sẽ trao lại cho chủ nhân của chúng hoặc ít ra là những người có liên quan.
Trở về nước, vợ chồng Verlyn cùng con trai là thượng nghị sĩ bang Illinois Peter Roskam đã tìm mọi cách để trả lại những chiếc thẻ nhận dạng cho chủ nhân của chúng.
Trong số những cựu chiến binh Mỹ còn sống, nhiều người từ chối nhận lại chiếc thẻ vì sợ rằng chúng lại khơi dậy ký ức kinh hoang và đầy ám ảnh về một cuộc chiến khốc liệt mà lẽ ra họ không nên tham gia. Cũng có người nhận lại vật nhỏ bé mà họ đã để lại trên vùng đất xa xôi mang tên Việt Nam, nơi họ từng gieo xuống một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của lịch sử loài người.
Chiến tranh lùi xa và quá trình bình thường hóa đang nảy mầm, nhiều người Mỹ đến Việt Nam để làm ăn và du lịch. Rất nhiều trong số họ là những cựu binh từng tham gia cuộc chiến của hơn 30 năm về trước. Đối với những người này, việc tìm lại thẻ nhận dạng quân nhân cũng là một phần của những chuyến đi.
Tuy nhiên, trong khi mãi mê tìm kiếm trên những vùng đất ngày xưa là chiến trường, họ không ngờ rằng nhiều thẻ đã hiện diện trên quầy lưu niệm ngay giữa lòng TP.HCM sôi động. Mùa hè năm 2001, dạo qua hàng loạt quầy lưu niệm, hai doanh nhân Rob Stiff và Jim Gain đã gom được gần 700 chiếc thẻ bài. Stiff kể: “Chúng tôi đã đi qua 24 địa điểm khác nhau để kiểm tra hàng ngàn thẻ nhận dạng quân nhân và mua hết những cái mà chúng tôi xác định là đồ thật. Nhưng cũng có những thẻ mới tinh ghi tên Elvis Presley, đó hẳn nhiên là đồ giả”.
Sau khi nghe câu chuyện về tấm thẻ bài, tôi đã gửi cho Roskam một bức e-mail: “Tôi rất hiểu những việc ông làm. Những chiếc thẻ đó là một phần cua cuộc chiến đau thương từng xảy ra trên đất nước chúng tôi. Bây giờ đây, khi cuộc sống bình yên trở lại, tôi có thể giúp ông tìm lại chúng. Tấm thẻ bài là chứng tích cho một cuộc chiến tranh trong quá khứ và sự “trở về” của chúng ngày hôm nay là minh chứng cho cuộc sống hòa bình đang nảy nở, cho mối quan hệ đang tốt dần lên giữa hai đất nước”.
Trong thư trả lời, không thấy Roskam nhắc nhiều về quá khứ cũng như công việc ông đang làm, chỉ thấy ông bày tỏ cảm xúc về một Việt Nam mà ông gặp hôm nay, một Việt Nam đầy sức sống và thân thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận