Nguyệt Minh dẫn đầu đoàn đua. Ảnh: T.P |
Ngoài ra, Nguyệt Minh cũng giành luôn chiếc áo xanh chung cuộc của giải. Tuy nhiên, đằng sau vinh quang đó còn là một hành trình đáng nói hơn: chặng đường hồi phục sau chấn thương kinh hoàng cách đây hơn 4 năm ở cuộc đua Cúp truyền hình TP.HCM 2012.
Cú ngã rùng rợn
Trên chặng đường đi từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi năm đó, Nguyệt Minh gặp một tai nạn kinh hoàng và đến giờ vẫn còn in đậm ký ức của những người chứng kiến hiện trường năm ấy. Trong đó, cuarơ lừng danh Lê Văn Duẩn - cũng chính là anh trai của Minh - gần như chết sững khi nhìn em mình ngất lịm đi sau cú ngã.
Sau khi được đưa vào bệnh viện, Minh được các bác sĩ xác định gãy xương đòn vai và gãy chân trái. “Sự lo sợ về tương lai, sự nghiệp bao trùm tôi ở thời điểm đó và nó vượt qua cả nỗi đau thể xác. Các bác sĩ đã nói với tôi nên cân nhắc việc giải nghệ, điều đó ám ảnh tôi một thời gian dài”, anh kể về ký ức kinh hoàng cách đây hơn bốn năm.
10 ngày sau ca phẫu thuật, Minh được cho ra viện. Nhưng khoảng thời gian khổ sở, vật lộn trên giường bệnh của anh còn lâu hơn thế nhiều. Suốt hai tháng trời, anh không rời lưng khỏi giường bệnh. Điều này khiến chàng cuarơ nhanh nhẹn, rắn chắc, luôn tháo vát việc nhà cực kỳ khổ sở. Sự ám ảnh đến trong từng giấc mơ. “Cả một thời gian dài, tôi rất sợ ngủ vì hễ ngủ lại mơ thấy mình đang ra sức đạp xe. Mơ vậy nhưng có điều gì đó lại khiến tôi không nhấc nổi chân lên. Tôi rất sợ phải giải nghệ”, Minh kể.
Vượt qua khó khăn
Nguyệt Minh hạnh phúc trong khoảnh khắc đăng quang. Ảnh: T.P |
Nhưng rồi đam mê đã giúp Lê Nguyệt Minh vượt qua khó khăn. Hai tháng sau chấn thương, Minh chống được bước đi đầu tiên khỏi giường. Sau đó bốn tháng, anh đã trèo lên lại chiếc xe đạp. Rồi tiếp tục sau đó hai tháng, Minh kiên trì tham gia các tour đạp xe cùng đội xe lão tướng ở Hóc Môn. Hành trình hồi phục của Minh nhanh đến nỗi ai cũng phải bất ngờ.
HLV Đỗ Thành Đạt nói: “Trong suốt sự nghiệp thi đấu lẫn huấn luyện, tôi ít thấy VĐV gặp tai nạn gãy xương nặng như vậy. Với những trường hợp này, hầu hết VĐV chỉ có nước bỏ nghề, người nào trở lại thi đấu được thì cũng khó mà lấy lại phong độ. Minh thực sự là một trường hợp vô cùng đặc biệt”.
Nhận định này của ông Đạt thật ra đã có từ khoảng năm 2014, khi Minh trở lại trong các giải đua lớn và bắt đầu tái hiện phong độ ấn tượng năm nào. Còn khi Minh bùng nổ ở giải Cúp truyền hình Bến Tre những ngày qua, đó là điều chẳng ai tưởng tượng nổi.
Càng đáng nói hơn, chân trái của Minh dù hồi phục nhưng vẫn không được lành lặn như xưa, giờ đây teo rút lại, trông dáng anh tập tễnh, bên cao bên thấp thấy rõ khi ngồi trên yên xe đạp. Trên bục vinh quang, cuarơ 26 tuổi nghẹn ngào: “Đây là chiếc áo vàng đầu tiên kể từ khi tôi bị chấn thương. Trong mơ tôi cũng chưa từng nghĩ đến điều này. Tôi chỉ mong có thể thi đấu tiếp là hạnh phúc lắm rồi”.
Trong sự trở lại thần kỳ của Lê Nguyệt Minh, không thể không nhắc đến hình bóng người anh trai Lê Văn Duẩn. Bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, Lê Văn Duẩn hỗ trợ rất nhiều cho em trai, cả về mặt tinh thần lẫn trong những buổi tập. Và khi vừa trở lại, Minh cũng âm thầm đóng vai trò hỗ trợ, làm người rút “lót” cho anh trai, phòng khi Duẩn bị hụt hơi trong cuộc đọ nước rút với đối thủ. Còn bây giờ, những ngày tháng cùng sánh vai trở thành bộ đôi nước rút mạnh nhất làng xe đạp của anh em nhà họ Lê đã trở lại!
Nỗi lòng anh trai Lê Văn Duẩn nói: “Ngày đó, tôi chứng kiến cảnh Minh gặp nạn mà bủn rủn tay chân. Là anh em và cũng là đồng đội nên tôi hiểu những suy nghĩ bi quan của Minh. Lúc đó tôi chỉ biết tận sức chăm sóc, động viên cho Minh suốt những ngày nằm liệt trên giường và tập vật lý trị liệu để có thể đi đứng lại. Chính tôi cũng không tin Minh có thể chơi xe đạp tiếp. Tuy nhiên, Minh rất đam mê và có nghị lực mạnh mẽ nên trở lại nhanh đến không tưởng. Nhìn thấy Minh đăng quang ở giải này, tôi vui còn hơn chính mình giành được áo vàng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận