​Hành trình hoài cổ

Lê Nguyên Minh 13/01/2015 22:01 GMT+7

Dù đã xem qua hình ảnh, đọc những bài báo ca ngợi vẻ đẹp của làng cổ Shirakawa-go, nhưng khi đặt chân đến đây mới thấy những ngôn từ đẹp nhất dành cho di sản thế giới này vẫn chưa đủ. Một thế giới thần tiên hiện ra giữa màn tuyết trắng xóa.

Cây cầu vắt ngang sông Shokawa dẫn vào ngôi làng nổi tiếng Shirakawa-go - Ảnh: L.N.M.

Shirakawa-go huyền thoại

Qua bộ đàm, tiếng hai bác tài hai chiếc xe buýt chở đoàn du khách liên tục trao đổi khiến nhiều người tỏ ra căng thẳng. Nhiệt độ liên tục giảm xuống, âm 30C, âm 60C, rồi âm 80C... Đường đèo khúc khuỷu, trơn trượt vì tuyết rơi dày đặc ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2015. Qua chặng đường dài đầy vất vả mới thấy khu làng cổ Shirakawa-go, thuộc vùng núi miền trung Nhật Bản, nằm kẹp giữa hai thành phố Takayama và Kanazawa, cách biệt với thế giới hiện đại đến mức nào. Trong năm có đến năm tháng phủ trong tuyết, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nhưng Shirakawa-go vẫn trường tồn, thách thức thời gian.

Những mái nhà gassho-zukuri ẩn hiện trong bức tranh đầy màu sắc cổ tích - Ảnh: L.N.M.

Những ngôi nhà gỗ, mái tranh dày hơn một gang tay nằm ẩn sâu trong thung lũng, núi cao bao quanh, có một sức hút kỳ lạ. Mỗi năm có 2 triệu người trên khắp thế giới đến đây để chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của bàn tay người Nhật Bản, bất chấp đó là mùa hè nắng cháy hay mùa đông lạnh tê tái. Khi chiếc xe vừa qua một khúc ngoặt giữa sườn núi, bạn sẽ ngộp thở trước khung cảnh thần tiên trong truyện Doraemon hay như trong bộ phim Frozen được yêu thích gần đây.

Cây cầu treo vắt ngang qua sông Shokawa, hai bên bờ tuyết phủ trắng xóa các cành thông, những mái nhà hình chữ A (được người Nhật gọi là kiến trúc gassho-zukuri, có nghĩa là bàn tay cầu nguyện), tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên không bút mực nào tả nổi. Xe dừng lại, dù đã được hướng dẫn viên dặn trước rằng đường rất trơn, mọi người vẫn vội chạy ào ra với máy ảnh trên tay như thể phải chộp ngay khoảnh khắc đẹp nếu không nó sẽ biến mất.

Và rồi ai cũng phải chậm lại, không phải vì ngại trơn trượt mà còn vì vẻ đẹp đầy chất thiền của ngôi làng. Mấy bác trai trong làng, với đặc tính điềm đạm vốn có của người Nhật, rất nhẹ nhàng nhưng dứt khoát và đầy chuyên nghiệp hướng dẫn xe khách ra vô và tận tình hỗ trợ dòng người nối nhau qua cầu. Theo bản đồ hướng dẫn du khách của làng, hiện còn 63 ngôi nhà có kiến trúc gassho-zukuri. Kiến trúc mái nhọn hình chữ A này nhằm làm cho tuyết dễ rơi tuột xuống đất thay vì bám nhiều trên mái, tạo sức nặng quá sức chịu đựng của ngôi nhà. Thu nhập chính hiện nay của người dân nơi đây là từ du lịch. Một số ngôi nhà được tận dụng làm nhà nghỉ, số khác là nhà hàng, quán cà phê hay cửa hiệu bán hàng lưu niệm...

Mặc dù Shirakawa-go là làng du lịch, nhưng có lẽ điều làm du khách không thoải mái nhất ở đây là người làng không dùng tiếng Anh nên giao tiếp chỉ là trao đổi, mua bán đơn giản, khó có cơ hội tìm hiểu gì thêm về ngôi làng này, ngoại trừ tìm thông tin trong bảo tàng.

Phố cổ Takayama trầm mặc - Ảnh: L.N.M.

Tết trên đỉnh Alps (*)

Đã về Shirakawa-go, du khách không nên bỏ qua phố cổ Takayama, chừng một giờ đồng hồ về phía bắc tỉnh Gifu. Phố nhỏ nhắn, dễ thương, tựa như Hội An của Việt Nam. Những ngôi nhà gỗ truyền thống nhỏ, xinh xắn theo kiểu “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, ngoài chức năng là một điểm đến thu hút khách tham quan cũng là nơi bán những món ăn truyền thống. Bên dòng sông Miya với cây cầu đỏ nổi tiếng, mỗi buổi sáng nông dân sẽ họp chợ, bán những thứ mình làm được từ rau củ đến đồ thủ công mỹ nghệ. Tại đây du khách được trải nghiệm cảm giác “vua chúa” khi thử dùng dịch vụ xe kéo có từ thế kỷ 19 ở Nhật, loại xe kéo tương tự Việt Nam nhưng người phu kéo trong trang phục khá lạ mắt. Nhưng Takayama chỉ thật sự trở nên đẹp rực rỡ và nổi tiếng vào dịp tổ chức festival bè gỗ Takayama.

Du khách thích thú với dịch vụ xe kéo, hồi tưởng về thời xa xưa - Ảnh: L.N.M.

Takayama cũng là điểm dừng chân hợp lý để du khách nạp thêm năng lượng cho hành trình chinh phục đỉnh núi Alps cao 2.300m so với mặt nước biển, và nhiệt độ âm từ 12-18 độ C vào mùa đông. Cảm giác thật sự bay bổng và một chút phiêu lưu khi ngồi trong cabin cáp treo vượt qua độ cao trên 2.000m. Nhưng thật sự thú vị như thể bạn đang là ông già Noel cưỡi tuần  lộc vượt trên những ngọn thông và bách tán tùng có độ tuổi cỡ trăm năm, phủ đầy tuyết trắng, không phải đi phát quà Giáng sinh mà đang gửi lời chúc năm mới đến mọi người.

Hai bố con chơi trò trượt tuyết trên đường phố Takayama - Ảnh: L.N.M.

Bát mì tất niên

Người Nhật nổi tiếng không chỉ với món sushi mà còn là sự đa dạng trong món mì. Có ít nhất bốn loại mì người Nhật hay dùng là udon, soba, ramen và somen. Nhưng vào dịp đón giao thừa, mừng năm mới, gia đình người Nhật thường quây quần bên nhau với món mì soba.

Theo ông Shimada - một người có nhiều năm kinh nghiệm làm mì soba ở Kanazawa, bữa ăn gia đình này mang ý nghĩa trường thọ và gạt bỏ hết ưu tư phiền muộn của năm cũ, chuẩn bị tâm thế lạc quan đón mừng năm mới. Cây soba được trồng nhiều trên vùng đất Kansai. Sau khi thu hoạch, nông dân sẽ xay hạt ra thành bột, trộn với bột kiều mạch để làm mì soba. Mì soba có thể ăn nóng hoặc lạnh. 

Du khách Việt thử món mì chuẩn bị đón giao thừa năm mới 2015 - Ảnh: L.N.M. 

 

(*): Alps (Nihon arupusu) là tên gọi chung cho ba dãy núi vùng Chubu trên đảo Honshu của Nhật Bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận