14/02/2018 12:03 GMT+7

Hành trình đi tìm những đứa trẻ thiên thần - Kỳ 2: ‘Đứa bé’ đầu tiên ra đời từ ống nghiệm

CHU YÊN - TRÙNG DƯƠNG
CHU YÊN - TRÙNG DƯƠNG

TTO - Năm 2018, 'đứa bé' đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo Louise Brown tròn 40 tuổi. Do hoàn cảnh ra đời quá đặc biệt, cả thế giới luôn thắc mắc về cuộc sống của ‘đứa bé’ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Hành trình đi tìm những đứa trẻ thiên thần - Kỳ 2: ‘Đứa bé’ đầu tiên ra đời từ ống nghiệm - Ảnh 1.

Năm 2018, 'đứa bé' đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo Louise Brown tròn 40 tuổi - Ảnh: MIRROR

Cách đây tròn 40 năm, thế giới chấn động khi tại Anh chào đời đứa bé đầu tiên sinh ra từ ống nghiệm. Ngày 25-7-1978, Louise Brown chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nặng 2,6kg.

Vậy 40 năm qua, Louise Brown sống như thế nào?

Bình dị như bao người khác

Nếu không biết đến cái tên Louise Brown cũng như hoàn cảnh ra đời quá đặc biệt, không ai nghĩ rằng người phụ nữ này là từng làm thế giới xao động.

Hiện nay Louise Brown sống một cuộc sống bình dị cùng chồng và hai con. Louise làm việc hành chính cho một công ty tàu thủy còn chồng làm gác dan ca đêm. Cùng nhau, họ có hai đứa con khỏe mạnh Cameron 10 tuổi và Aiden 4 tuổi.

"Phải nói là hoàn toàn bình thường", là cách Louise nói về cuộc sống của mình với chồng, hai con và rất nhiều thú cưng trong nhà mà có thể kể ra là hai chó, bốn mèo, rùa kiểng, chuột kiểng, thỏ…

Louise cũng kể lại rằng cô có một tuổi thơ hoàn toàn bình thường và được cha mẹ đối xử bình đẳng như mọi đứa trẻ bình thường khác. Louise Brown nói: "Mẹ bảo vệ tôi nhưng không có gì quá đáng. Tôi không nghĩ cha mẹ đối xử có chút nào khác biệt so với nếu như tôi được sinh ra theo cách bình thường".

Cha mẹ của Louise vẫn sống rất bình thường dù cho cô con gái nhỏ của họ là tâm điểm của thế giới. Họ đi du lịch khi Louise vừa tròn tuổi và sau đó ba năm, Louise có em, cũng từ phương pháp thụ tinh nhân tạo.

"Chúng tôi có cuộc sống rất bình thường, chỉ thêm phần thụ tinh nhân tạo. Đôi khi chúng tôi trả lời phỏng vấn và chụp hình. Và cuộc sống đời thường của chúng tôi hoàn toàn không xuất hiện khái niệm thụ tinh nhân tạo".

Louise lần đầu biết về "thân phận" của mình lúc 4 tuổi, vài ngày trước khi lần đầu đến trường. "Ba má nói rằng tôi được chào đời hơi khác thường một chút và động viên tôi". Louise cũng chẳng ngại ngần kể cho cậu con trai lớn Cameron về nguồn gốc của mình và "thằng nhỏ rất tự hào về tôi".

Tâm điểm của thế giới

Hành trình đi tìm những đứa trẻ thiên thần - Kỳ 2: ‘Đứa bé’ đầu tiên ra đời từ ống nghiệm - Ảnh 2.

Louise Brown trong vòng tay cha mẹ - Ảnh: TELEGRAPH

Cách đây 41 năm, ngày 10 tháng 11 năm 1977, sau chín năm không thể thụ thai, bà Lesley Brown sống tại Bristol, Anh mang thai đứa bé được ‘sinh ra trong ống nghiệm’. Trước đó, bà Lesley đã phải chữa chứng trầm cảm do quá đau buồn vì không thể có con.

38 tuần sau, Louise Joy Brown ra đời trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và của sự quan tâm toàn cầu. Rất đông nhà báo có mặt tại bệnh viện Oldham để chờ đón Louise khiến nhà chức trách sợ có đánh bom nên đã phải di tản toàn bộ bệnh nhân.

Khi cả thế giới đang chờ đợi hình ảnh đầu tiên của ‘đứa bé sinh ra từ ống nghiệm’ với dày đặc cảnh sát bảo vệ bệnh viện, Louise Brown phải trải qua hơn 60 xét nghiệm để chắc chắn đứa bé hoàn toàn bình thường’.

Hành trình đi tìm những đứa trẻ thiên thần - Kỳ 2: ‘Đứa bé’ đầu tiên ra đời từ ống nghiệm - Ảnh 3.

Tờ Evening News đưa tin về sự ra đời của Louise Brown

Lúc Louise được xuất viện, có sẵn hơn 100 nhà báo chờ trước nhà. Báo chí tới tấp đưa tin về sự chào đời của cô với rất nhiều tít, tựa khác nhau trong đó nội dung chủ yếu xoay quanh nội dung "Đứa bé của thế kỷ".

Hàng xóm cũng tụ tập đông đủ quanh nhà cha mẹ Louise. "Tất cả những đứa bé trong xóm đều đến, tụ tập quanh nhà tôi, la lớn ‘đứa bé ống nghiệm đã về nhà’". Trong số những đứa bé này, có một cậu trai 7 tuổi tên Wes, sau này trở thành chồng của Louise.

Vượt qua làn sóng thù hằn

Với những người bảo thủ, việc Louise Brown "đến trái đất này" theo cách quá "không tự nhiên" là điều vượt ngoài sức tưởng tượng và không thể chấp nhận được. Cho tới nay, gia đình Louise vẫn còn giữ tất cả những lá thư gửi đến từ khắp nơi trên thế giới

Bên cạnh những thư chúc mừng, gia đình Louise còn nhận được vô số những thư đe dọa, sỉ vả. Trong số đó có một hộp quà gửi đến có chứa một lá thư nhuộm đỏ, một ống nghiệm bể, một bào thai nhựa và nhiều lời lẽ đe dọa.

Hành trình đi tìm những đứa trẻ thiên thần - Kỳ 2: ‘Đứa bé’ đầu tiên ra đời từ ống nghiệm - Ảnh 4.

Louise Brown thực tập tại một bệnh viện khi còn học trung học

Có người còn gửi đến một thẻ bảo hành cho "đứa bé sinh ra từ ống nghiệm"; người khác gửi đến một cuốn sách hỏi đáp với những câu hỏi bệnh hoạn xoay quanh chủ đề "đứa bé sinh ra trong ống nghiệm". Thậm chí, có lá thư đầy ác ý nói rằng phải để đứa bé trong ống nghiệm trong hồ cá hay bồn cầu.

Louise nhận xét: "Nghĩ tới việc họ phải mất bao nhiêu thời gian để làm ra những thứ này rồi gửi đến cho một đứa bé ba tháng tuôi, tôi phải nói rằng đây là hành động bênh hoạn của những tâm hồn bệnh hoạn. Hãy tưởng tượng má tôi đã phải sợ hãi như thế nào. Thậm chí có lúc, má tôi rất cảnh giác mỗi khi ra ngoài với tôi".

Phải mất nhiều năm, Louise mới có thể sống thoải mái với việc quá nổi tiếng ngay từ khi ra đời. Louise kể lại: "Tôi còn nhỏ, tôi luôn mang mặc cảm rằng bất cứ ai cũng biết tên mình". 

Còn ở trường, ai cũng bình luận về tôi. "Tôi hơi bự con nên mọi người thường nói ‘làm sao mà nó chui vừa trong cái ống nghiệm? Họ hoàn toàn không ác ý nhưng do vào thời đó, điều này quá bất thường nên mọi người phải nói một cái gì đó. Ngày nay, bạn không thể biết được rằng đứa bạn cùng lớp ra đời bằng phương pháp nào".

Thụ tinh nhân tạo là quá trình lấy trứng ra khỏi cơ thể người mẹ, thụ tinh với tinh trùng của người cha, tạo ra bào thai trong ống nghiệm. Sau đó, lại cấy bào thai vào cơ thể người mẹ.

Ngày nay phương pháp thụ tinh nhân tạo được coi là đương nhiên và rất bình thường. Tổng cộng có hơn 6 triệu trẻ chào đời bằng phương pháp này.

Năm 2010, giáo sư Robert Edwards - cha đẻ phương pháp thụ tinh nhân tạo - nhận giải Nobel Vật lí.

CHU YÊN - TRÙNG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên