15/07/2011 14:41 GMT+7

Hành trình của nhà báo kết liễu News of The World

QUÝ DƯƠNG - TẤN KHOA (Theo AP, NPR, Poynter)
QUÝ DƯƠNG - TẤN KHOA (Theo AP, NPR, Poynter)

TTO - Nhật báo Guardian (Anh) tiếp tục thể hiện vị thế hàng đầu trong lịch sử báo chí thế giới khi phanh phui vụ nghe lén của báo News of The World, buộc tờ này phải đình bản và làm mất mặt trùm truyền thông Rupert Murdoch.

Hãng tin AP đã phỏng vấn nhân vật chính làm nên câu chuyện: nhà báo Nick Davies.

NOhoqxaL.jpgPhóng to
Nhà báo Nick Davies - Ảnh: AP

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2005 khi tờ News of The World đăng một bài về vụ hoàng tử William bị chấn thương đầu gối. Khi ấy các quan chức cung điện tin rằng cách duy nhất để tờ báo thuộc đế chế truyền thông của Rupert Murdoch có thể nắm được thông tin này là nghe các tin nhắn thoại của hoàng tử. Do vậy họ đã yêu cầu cảnh sát điều tra. Cuộc điều tra dẫn tới hai người tình nghi đang làm việc cho News of The World là phóng viên Clive Goodman và thám tử tư Glenn Mulcaire. Năm 2007, hai nhân vật này lãnh án tù do nghe trộm các tin nhắn trong di động của những trợ lý hoàng gia, trong đó có tin nhắn gửi từ hai hoàng tử William và Harry.

Khi đó chủ bút của News of The World là Andy Coulson tuyên bố không biết gì về việc làm của hai nhân viên dưới quyền nhưng cũng đã từ chức. Thủ tướng David Cameron, khi đó còn là lãnh đạo phe đối lập, đã tuyển Coulson làm người phụ trách truyền thông.

Kiên trì đeo đuổi

Mối quan tâm tới vụ việc giảm dần. Nhưng phóng viên điều tra Davies tin rằng việc nghe trộm điện thoại không chỉ dừng lại ở đó. Ông đã âm thầm tìm hiểu, viện đến các nguồn tin mình xây dựng được suốt 30 năm làm việc cho The Guardian.

Có một sự kiện khác xung quanh sự nghiệp nhà báo Nick Daviesy mà không nhiều người biết đến: chính Davies là người đã thuyết phục chủ bút của Wikileaks, ông Julian Assange, hợp tác với The Guardian để báo này đăng tải các tài liệu của Wikileaks.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người không thuận hòa được lâu sau khi báo Guardian đăng bài của ông Davies về vụ cảnh sát Thụy Điển điều tra những cáo buộc việc Assange tấn công tình dục hai phụ nữ. Một số người ủng hộ Assange chỉ trích The Guardian vì đăng bài không có lợi cho một nguồn tin quan trọng như thế. Nhưng Davies cho rằng đó chính là con đường các nhà báo trở nên biến chất - tránh xa những bài viết về những người gần gũi với mình.

Tham khảo nguồn tin từ cảnh sát, Davies khẳng định nhà chức trách đã có những bằng chứng cho thấy hàng ngàn người, từ những ngôi sao đến các chính khách, là mục tiêu của những thám tử tư làm việc cho các báo thuộc đế chế Murdoch. Sau khi tiếp cận các hồ sơ của tòa án, Davies biết được Gordon Taylor - giám đốc điều hành Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp, đã đâm đơn kiện News of The World song vụ án đã được dàn xếp, tòa ra lệnh cấm Taylor đề cập tới vụ án này.

Tháng 7-2009 The Guardian đăng bài điều tra đầu tiên của Davies về vụ việc, tiết lộ rằng những tờ báo của Murdoch đã chi hơn 1 triệu bảng để dàn xếp các vụ kiện liên quan tới những cáo buộc nghe trộm tin nhắn thoại cũng như tiếp cận trái phép các hồ sơ thuế, hồ sơ an sinh xã hội và bảng kê ngân hàng của nhiều chính trị gia, diễn viên và ngôi sao thể thao.

Dẫu vậy, công chúng vẫn tin vụ nghe trộm tin nhắn thoại chỉ ảnh hưởng tới người nổi tiếng, các chính trị gia và hoàng gia Anh. Davies đã phải cố gắng vượt qua sự thờ ơ của lực lượng cảnh sát và sự chế giễu của các nhà báo cạnh tranh với mình.

“Khi bài báo lần đầu tiên được đăng, đã có nhiều làn sóng chỉ trích báo Guardian. Tập đoàn của Murdoch nhanh chóng tố cáo báo của chúng tôi đăng sai sự thật”, Davies trả lời phỏng vấn Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR).

Không nản chí, báo Guardian liên tục đăng trang nhất các bài điều tra liên quan đến vụ việc. “Một khi chúng tôi đã được thuyết phục rằng cảnh sát đã cố hết sức để dàn xếp vụ việc thay vì tận lực điều tra, bạn sẽ cảm thấy ngay có một câu chuyện quan trọng về sự làm dụng quyền lực ở đây. Tôi liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn rằng khi quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một người thì thể chế đó chắc chắn không đứng vững”, phó tổng biên tập báo Guardian Ian Katz trả lời phỏng vấn Viện báo chí Poynter.

Đền đáp

Giọt nước làm tràn ly chính là bài báo Davies tiết lộ News of The World đã truy nhập trái phép hộp thư thoại của cô bé 13 tuổi Milly Dowler, nạn nhân một vụ giết người, vào tuần qua. Bài báo cho thấy hành động nghe lén thậm chí đã cản trở việc điều tra vụ mất tích của cô bé hồi năm 2002, khi những người nghe lén đã xóa đi một vài tin nhắn. Khi ấy dư luận mới bùng lên giận dữ, khiến Murdoch phải quyết định đóng cửa vĩnh viễn tờ báo này và từ bỏ nỗ lực giành quyền kiểm soát Đài truyền hình BSkyB. Giới cảnh sát liên tục xin lỗi vì trước đó đã không quan tâm đúng mức đến vụ việc. Chính Thủ tướng David Cameron, người khá gần gũi với Murdoch và luôn bảo vệ Coulson, đã đột ngột thay đổi quan điểm của mình. “Thật không dám tin những gì đang chứng kiến”, thủ tướng nói.

Davies nhớ lại: “Khi viết bài liên quan đến Milly Dowler, tôi gửi một email đến chủ bút và nói đây là bài báo sẽ có sức bùng nổ nhất. Nhưng chính tôi cũng không thấy trước rằng ảnh hưởng của nó lại lớn như vậy”.

“Tôi nghĩ điều đầu tiên dẫn đến thành công là sự kiên trì của anh Nick Davies. Nhiều phóng viên sẽ héo hon dần sau vài tuần hoặc vài tháng liên tục bị cảnh sát từ chối, bảo rằng không hề có bằng chứng gì; trong khi những đại gia truyền thông như News Corp liên tục tố cáo mình đăng sai sự thật. Khi câu chuyện lần đầu đăng vào tháng 7-2009, Davies là phóng viên duy nhất đeo đuổi đề tài này. Anh thường xuyên gọi điện hoặc email mỗi khi tìm thấy bằng chứng mới” - ông Ian Katz nói.

Davies nói mọi thứ vẫn còn là sự khởi đầu. “Vẫn còn nhiều cách để mở rộng phạm vi của câu chuyện này, về vấn đề kỹ thuật, phạm vi của các báo cùng tham gia và thậm chí mở rộng tới các quốc gia khác”.

QUÝ DƯƠNG - TẤN KHOA (Theo AP, NPR, Poynter)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên