Chạy đua với thời tiết và thời gian
Nối lại sợi dây liên lạc giữa hai huyện Sapa và Bát Xát - vùng sạt lở nặng nề nhất của tỉnh Lào Cai là một trong các nhiệm vụ vừa khó nhằn vừa khó quên nhất đối với anh Bùi Hải Nam, nhân viên kỹ thuật viễn thông của Viettel được điều động từ Nghệ An lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tham gia khắc phục sự cố sau bão Yagi.
Chỉ riêng đường núi cần lội bộ là 10 km do giao thông tê liệt bởi mưa lũ. Có đoạn bùn ngập đến bắp đùi, đôi ủng đem theo bị mắc kẹt, anh Nam và người đồng đội còn lại đành bỏ lại, quấn tạm bìa các-tông vào bàn chân rồi bước tiếp. Con đường vốn đã khó đi, lại càng nhọc nhằn khi hai người còn vận chuyển 20 kg thiết bị sau lưng.
"Vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy bớt phần nặng nhọc khi trên đường, người dân nào nhìn thấy chúng tôi, biết mình đang đi dựng lại sóng điện thoại, họ đều hỏi han, chủ động giúp đỡ", anh Nam kể lại. Người gánh bớt đồ đạc, người thạo đường thì đi lên trước, dặn các anh cứ bước theo dấu chân họ để tránh dẫm phải cành cây, sỏi đá lẫn trong lớp bùn nhão.
Đến khi trạm phát sóng hoạt động trở lại, sự vui mừng của người dân khiến những người lính Viettel như được tiếp thêm động lực. Trong hơn một tuần chạy đua với thời gian khắc phục sự cố sau bão Yagi ở 15 tỉnh miền Bắc, người Viettel liên tục quên mình, bất chấp điều kiện thời tiết, ngày đêm đi ứng cứu thông tin.
Trên hành trình gian nan ấy, mọi vất vả của lực lượng kỹ thuật được đền đáp bằng lời cám ơn, động viên, sự ghi nhận của người dân, các cấp chính quyền.
Sóng 4G hỗ trợ tìm kiếm người mất tích
"Đến giờ phút này, sóng Viettel đã trở lại. Tôi xin cảm ơn sự nhiệt tình của các đồng chí kỹ thuật của Viettel. Dù đường đi bị chia cắt, rất ít đoàn có thể tiếp cận tới nhưng các anh đã đến sớm và khôi phục lại mạng viễn thông trên địa bàn", anh Lò A Cứu, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chia sẻ vào ngày 14-9.
Những ngày qua, Bát Xát là vùng hứng chịu nặng nề từ lũ cuốn và sạt lở đất liên tiếp ở tỉnh Lào Cai, khiến 15 người chết, 2 người mất tích, 8 người bị thương. Công tác cứu nạn vấp phải một loạt thách thức khi mạng lưới viễn thông bị cắt đứt, những người trong vùng nguy hiểm, bị cô lập không có cách nào liên lạc với bên ngoài.
Khôi phục sóng viễn thông nhanh chóng ở khu vực xảy ra sự cố là đòi hỏi bức thiết. Có sóng viễn thông, thông tin về tình trạng thảm họa, vị trí người bị nạn, và tình hình cứu hộ mới truyền tải được kịp thời. Nếu không, việc điều hành và quản lý các nguồn lực (y tế, quân đội…) sẽ gặp khó khăn, dẫn đến chậm trễ trong điều phối cứu hộ và giảm hiệu quả cứu nạn.
Cách huyện Bát Xát hơn 100 km về phía đông, ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, vụ sạt lở hôm 10-9, làm sập nhà điều hành thuỷ điện Nậm Lúc và quét qua hàng chục hộ dân thôn Bản Cái.
Khi nhận tin về vụ sạt lở, nhóm kỹ thuật viên của Viettel đã tức tốc lên đường, di chuyển không nghỉ bằng xuồng và đường bộ. Tiếp cận được vị trí, cả đội bắt tay ngay vào kéo cáp, hàn cáp, khôi phục kết nối nhanh nhất có thể.
Bà Trương Thị Hào, Phó Bí thư thường trực Đảng Ủy xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Sóng 4G của Viettel đã hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ của chúng tôi. Tôi túc trực ở vị trí cách khu vực sạt lở của xã Nậm Lúc khoảng 1km.
"Đây là điểm tập kết của tất cả lực lượng cứu hộ và người dân di tản từ khu vực sạt lở. Trực tiếp chỉ đạo công tác trên này, tôi bắt buộc cần đến sóng điện thoại để gọi điện báo cáo, nhắn tin trao đổi từng phút, từng giờ", chị Hào cho hay.
Cũng đang ngày đêm trực ở Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà chăm sóc y tế cho các nạn nhân, anh Lý Huy Hoàng cho biết các phương án xử lý được điều chỉnh kịp thời khi thông tin, hình ảnh, video cập nhật hiện trường gửi về đơn vị chỉ huy một cách thông suốt, không bị gián đoạn.
"Để đảm bảo công tác chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, kết nối, báo cáo với các cấp có thẩm quyền, sóng điện thoại của Viettel giúp ích rất nhiều. Chúng tôi đã thiết lập các đường dây chỉ huy kết nối từ quân khu, tỉnh, huyện đến khu vực tìm xảy ra sự cố", Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong khi đến trực tiếp tổ chức tìm kiếm người mất tích tại thôn Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên) đã đánh giá cao nỗ lực của Viettel.
Vì nhân dân phục vụ
Trên hành trình ứng cứu thông tin, mục tiêu của đội ngũ kỹ thuật Viettel là đưa liên lạc của người dân sớm về trạng thái bình thường. Và những vất vả được vơi bớt bằng sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của người dân địa phương.
Với cô Trần Thị Luyến, sinh sống tại Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh), hình ảnh ấn tượng sau khi cơn bão Yagi đi qua là cảnh đội ứng cứu thông tin của Viettel ngược gió, đội mưa về địa bàn để "cứu trạm".
"Ai nấy đều tất bật, có khi làm việc quá bữa trưa mà chẳng hề kêu ca. Sóng về, việc đầu tiên tôi làm là gọi cho người thân, biết được tất cả đều an toàn, tôi càng cám ơn đội ngũ của Viettel đã giúp tôi yên tâm", cô Luyến kể lại. Cảm động trước tinh thần của những người lính, người dân đã sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, chuẩn bị sẵn cơm, nước tiếp tế cho cả đội.
Bên cạnh khôi phục mạng lưới bị ảnh hưởng sau bão lũ, Viettel còn mở 500 điểm sạc pin miễn phí cho người dân với đầy đủ thiết bị củ sạc, dây sạc, đi sâu vào từng thôn, xã ở các khu vực bị cô lập. Không chỉ cửa hàng, điểm giao dịch tại trung tâm, thị trấn, đội ngũ nhân viên còn túc trực ở các điểm trạm phát sóng, trụ sở UBND, nhà văn hoá cả ngày.
Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), khẳng định: "Thiên tai đã để lại thiệt hại nặng nề cho hạ tầng viễn thông của Viettel, cả về hạ tầng di động lẫn cố định. Nhưng với một tinh thần trách nhiệm cao nhất, Viettel đã và đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực trên cả nước để khắc phục toàn bộ mạng lưới trong thời gian sớm nhất, đồng thời ưu tiên những vùng bà con gặp khó khăn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận