Tiếp theo bài viết "Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ!" trong loạt bài "Hành trình cận tử", tác giả Đặng Hoàng Giang tiếp tục đưa người đọc đến với những cung bậc cảm xúc phức tạp của những con người đã từng trải qua nỗi đau mất mát. Có người quen, có người lạ, có người vượt qua được nhưng có người đã chọn cách buông xuôi...

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 1.

Trước khi quen Hà, tôi nghĩ rằng trải nghiệm nào của con người cũng có thể mô tả được bằng sức mạnh của ngôn từ. Khi mới quen Hà, tôi cho rằng đồng hành với chị, tôi sẽ có thể hình dung ra được mất một đứa con thì như thế nào. Nhưng tôi đã sai.

"Không lời nào có thể mô tả nỗi đau này". Mấy tháng sau khi gặp Hà lần đầu, tôi đọc được một bài viết của nhà tâm lý học Ann G. Smolen về nỗi đau mất con. Chị mất đứa con trai đầu lòng khi nó 4 tuổi. Vốn là một diễn viên ballet chuyên nghiệp, trong những ngày cuối cùng của con trai chị, chị chỉ biết mở nhạc Mozart và Bach lên, và múa. Đó là điều duy nhất chị biết làm trong thời khắc đó. Ngoài ra, chị không còn có thể làm gì được nữa.

Thằng bé nằm trên giường, mắt dõi theo. Lúc này nó không còn chơi ôtô được nữa, nụ cười đã tắt trên môi nó. Dõi theo, cho tới khi nó hét lên, "Dừng lại". Rồi chị nằm cạnh con trai, sát tới mức có thể, nhưng không được chạm vào nó. Động chạm sẽ làm nó đau. "Làm sao mà một người mẹ có thể an ủi con mình mà không được dùng cái vuốt ve của một người mẹ?" - chị đau đớn.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 2.

Cái chết của một đứa trẻ là một cú đánh chí tử vào bản thể của người làm cha làm mẹ. Nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, giữ cho nó an toàn. Đó là lý do vì sao cái chết của một đứa con lại có tác động khủng khiếp như vậy tới cha mẹ. Họ cảm thấy bơ vơ và bất lực. Cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin của họ bị phá hủy. Cái tôi của họ bị vỡ vụn. Họ cảm thấy thất bại ở mức độ sâu sắc nhất.

"Phải buông tay con và không giữ được con bên mẹ là điều quá sức chịu đựng với mẹ - Hà vẫn thầm nói với Nam, con trai đã mất của chị - Nỗi đau này thực sự không thể và không bao giờ nguôi ngoai".

"Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết - Ann G. Smolen quan sát - Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên". Smolen viết bằng tiếng Anh, nhưng tôi nhận ra rằng ở điểm này không có sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt.

Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 2.

Sau khi Nam mất nửa năm, Hà làm đơn ly dị chồng. Có một thời gian chị ngấm ngầm nuôi ý định cưới giả để sang Canada sống. Chị có cảm giác rằng chị phải tới một nơi mới để bắt đầu lại từ đầu. "Em đã tính là mình bỏ ra chừng 1 tỉ đồng - chị nhớ lại - Em sẽ sang trước, ổn định rồi thì sẽ đón Thắng và mẹ em sang".

Nhưng cuối cùng, chị không dám dấn thân vào cuộc phiêu lưu. Chị tiếp tục ở Hà Nội, vật lộn với sự đau buồn của mình và cưỡng lại mong muốn đi theo Nam.

"Đau buồn không có khoảng cách. Đau buồn tới như những con sóng, từng cơn, như những nỗi sợ đột ngột khiến đầu gối chùng xuống và con mắt mờ đi, và phá hủy cuộc sống thường nhật" - nữ tác giả Joan Didion nhớ về trải nghiệm của mình. Chồng bà đột quỵ và qua đời trong lúc bà đang chuẩn bị bữa tối.

Trong cuốn hồi ký của mình, bà viết tiếp: "Gần như ai đã từng trải qua đau buồn đều nhắc tới hiện tượng "con sóng" này. Trong một nghiên cứu nổi tiếng năm 1944, Eric Lindemann, trưởng khoa tâm lý của Bệnh viện Massachuset General Hospital vào thập kỷ 1940 và người đã phỏng vấn nhiều thân nhân của những nạn nhân trong đợt hỏa hoạn Cocoanut Grove năm 1942, định nghĩa hiện tượng này với một sự cụ thể tuyệt đối:

Cảm giác khốn khổ về mặt cơ thể (somatic distress) xảy ra theo những đợt sóng, kéo dài mỗi lần từ hai mươi phút tới chừng một tiếng; người ta cảm tưởng như bị nghẹt thở, hụt hơi, muốn thở dài, và có một cảm giác trống rỗng nơi vùng bụng, rã rời, và một sự khó chịu chủ quan dữ dội, được mô tả là căng thẳng hay là đau đớn tinh thần".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 3.

Nghẹt thở. Trống rỗng. Rã rời. Hà biết rõ những cảm giác này. Chị gọi hiện tượng con sóng mà Eric Lindemann mô tả bằng một chữ hơi khác: chu kỳ. "Thi thoảng mình cứng rắn được, nhưng có những chu kỳ lặp lại, tự dưng tinh thần mình xuống lắm ". Với kinh nghiệm của người đi trước, chị nói với Ánh, một người bạn mới. Ánh trạc tuổi Hà, và cũng mất con trai, như Hà.

"Những lúc đó mình sẽ nghĩ và khóc nhiều hơn, em ạ!".

Với Ánh, các con sóng đau buồn đến theo nhịp độ tuần. "Không hiểu sao cứ gần tới ngày thứ tư, em lại nhớ nó mất mấy ngày" - Ánh tâm sự với Hà sau khi con trai cô chết. Hai người thường nói chuyện với nhau vào đêm khuya, khi cả hai đều không tìm thấy giấc ngủ.

Với Hà, chúng bất định. Có những ngày cảnh vật đánh mất màu sắc. Có những buổi sáng, mọi thứ như được phủ một lớp tro. Có những buổi chiều, khi Hà vặn tay cầm mở cửa nhà, chị lại nghe thấy giọng Nam lanh lảnh từ bên trong, "Con chào mẹ ạ!". Nếu hôm trước, chị còn "xí xớn" - từ mà chị dùng - chụp ảnh cùng đồng nghiệp tại Bangkok Riverside hotel trong một chuyến công tác, thì hôm sau, chị lại chìm trong nỗi đau. "Nam của mẹ đến kiếp này là để đòi nợ mẹ... Nợ đã đòi xong, con bèn ra đi. Mẹ đã phải trả nợ cho con, một món nợ đời mà mẹ chưa từng được biết".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 4.

Chị ao ước, nếu có cách nào đó để trốn được món nợ đau lòng này thì bằng giá nào chị cũng làm. Những hình ảnh của những ngày tháng cuối cùng của Nam trở đi trở lại. Những nhịp thở nặng nề làm rung cả lồng ngực cậu. Những cơn ho khiến Nam không thể nói được, chỉ ra hiệu. Cái buổi tối cậu thắc mắc: "Độ này mẹ không đánh con nữa nhỉ? Chắc là do con bị bệnh?".

Đôi khi đầu óc chị lang thang quay về ngày chị sinh Nam. Một đêm tháng 5 rất nóng, phòng đỡ đẻ chỉ có một cái điều hòa cũ. 36 tiếng đau đẻ kinh hoàng. Nam bị tràng hoa quấn cổ và một tay mắc vào thai nhau. Chị nhớ là cậu có tóc xoăn, mắt sắc và trông rất già. Rồi chị nhớ lại sáu năm sau, trên bàn mổ để đẻ Thắng, chị tự nghĩ và cười một mình: "Thế là làm xong nhiệm vụ, có hai con rồi, từ nay không phải nằm trên cái bàn mổ đẻ nữa".

Dường như Thắng cũng có chu kỳ của cậu. Mùa đông năm ngoái, không hiểu sao Thắng rất hay nhắc tới anh. Lúc này cậu ngoài 4 tuổi. Một buổi tối, lúc chuẩn bị đi ngủ, cậu vừa hí hoáy chơi ôtô vừa hỏi mẹ câu quen thuộc: "Anh Nam đâu hả mẹ?". Không đợi mẹ đáp lại, cậu trả lời luôn: "Anh Nam bay lên trời rồi, không xuống được đâu, vì anh ấy bị cắt chân rồi".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 5.

Tranh: STANLEY PETTIGREW

Thắng rất yêu anh. Năm trước, khi nhìn thấy ảnh Nam bị cắt cụt tới đùi, cậu òa lên nức nở. Mỗi lần Hà về nhà để lấy đồ vào bệnh viện, Thắng chạy ra ôm chầm lấy mẹ, nhưng sau đó khựng lại. "Mẹ ơi, anh Nam ở trong viện với ai?". "Anh ở trong viện một mình con ạ". Thắng buông mẹ ra, mắt ngân ngấn nước, "Thôi, mẹ vào viện chăm anh Nam đi".

Một ngày đầu năm nay, khi Hà đang cho Thắng ăn sáng để chuẩn bị tới lớp thì cậu lại nhắc, khiến trái tim Hà tan nát:

"Mai mẹ đi máy bay mẹ cứu anh Nam về nhà nhé".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 6.

Cuối tháng 11-2016, mười tháng sau khi Nam mất, Hà tới Trường tiểu học Nam Thành Công, nơi cậu đã theo học gần ba năm, để hoàn tất một số thủ tục bảo hiểm học sinh của cậu. Chị đã trì hoãn việc này cho tới lúc không thể trì hoãn được nữa. Trong cả năm qua, Hà vẫn thường xuyên ra vào khoa nhi, nó đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chị. Nhưng chị sợ vô cùng ngày phải quay lại ngôi trường này.

Hôm đó, cả miền Bắc chìm trong không khí lạnh tăng cường. Lúc Hà chia tay cô giáo chủ nhiệm cũ của Nam thì cũng là giờ ra chơi. Lũ trẻ ào ra sân nô đùa ầm ĩ, nhiều đứa mặc bộ đồng phục thể thao màu da cam để chuẩn bị cho tiết thể dục, làm sáng rực cả không gian mùa đông màu xám. Hà ráo riết nhìn quanh. Tất cả vẫn nguyên vẹn, khung cảnh nơi đây chẳng có gì thay đổi. Tim chị co thắt lại. Chị đi ngang qua sân trường, những lớp sóng trẻ em tách ra nhường lối. Nếu ngẩng đầu lên, chị biết chị sẽ nhìn thấy Nam đang hò hét, lưng và đầu ướt đẫm mồ hôi.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 7.

Đóng cửa xe, Hà để cho nước mắt tuôn trào. Những ký ức tràn về. Chị nhớ vẫn phải thường xuyên dặn Nam không vứt lăn lóc cái cặp sách to đùng, mà phải để ngay ngắn trên bục chào cờ. Chị nhớ là Nam vẫn đứng đợi bên gốc cây ở cổng trường để chị không phải tìm lâu khi đón con

Chị lái xe từ từ, qua hàng xôi của bác Hà mà hầu như ngày nào Nam cũng đòi ăn một gói với rất nhiều món ngon: ruốc, thịt kho, trứng kho và patê. Qua cửa hàng đồ dùng học tập, nơi chị đã phải mua không biết bao nhiêu lần bút mực cho Nam vì không hiểu sao cậu rất hay làm hỏng bút. Qua cửa hàng bánh kẹo nơi Nam hay đòi mua gói bim bim màu cam. Qua hàng bánh giò, trứng ngải cứu, trứng vịt lộn nơi hai mẹ con hay ăn khi chị đưa Nam đi học thêm các buổi chiều thứ bảy trước khi vào lớp 1. 

Chị đánh tay lái, để lại đằng sau góc đường nơi chị vẫn ngồi đợi hai tiếng khi Nam học thêm. Trong một tích tắc, chị ngửi thấy mùi xôi xéo trong xe. Ở ghế bên, Nam ngọ nguậy; cậu phàn nàn: "Mẹ ơi, con đói" trước khi huyên thuyên kể chuyện.

Tối hôm đó, chị trò chuyện với Nam và gần như xin lỗi cậu. 

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 8.

Chị vẫn mong muốn mình phải mạnh mẽ. Chị tin rằng nếu chị đau buồn, con chị sẽ lấn cấn ở nơi mà nó đang ở.

Giỗ đầu của Nam rơi vào một ngày thứ tư của mùa đông, hai tháng trước ngày tôi gặp Hà lần đầu. Hôm đó lạnh, trời đổ mưa nhỏ cả đêm. Khi thức giấc, Hà gấp cái chăn dạ màu nâu mỏng, thận trọng như đang giữ một báu vật. Nam đã thường xuyên đắp cái chăn này trong những tuần mùa đông lạnh lẽo và ngắn ngủi còn lại cuối cùng của cậu. Cậu đã được mẹ đắp cái chăn này trong 24 giờ trợ niệm, sau khi cậu trút hơi thở cuối cùng.

Đêm nào Hà cũng đắp cái chăn này. Chị kéo nó sát lên cằm như để cảm nhận hơi ấm của con, được chạm vào con, và hòng đẩy ra xa nỗi nhớ dai dẳng, thường trực hằng ngày, hằng giờ, gặm nhấm sâu bên trong tim gan, bên trong tâm can, rất khó chịu.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 9.

Thắp hương trên bàn thờ của Nam xong, chị để lại lon Coca Cola cho ngay ngắn. Nam mê Coca uống với đá. Trước kia cậu bị hạn chế uống, nhưng từ khi cậu đổ bệnh thì Hà cho con niềm vui này. Với Nam cái gì cũng phải để lạnh. Kể cả những ngày lạnh trong bệnh viện, bác sĩ Hương mặc áo cổ lọ thì cậu vẫn quần đùi, áo cộc tay. Mỗi buổi sáng Hà mua cho Nam một lon Coca, cậu nhấm nháp rả rích cả ngày.

Hà cảm thấy hài lòng với bản thân vì trong năm qua chị đã giữ đúng lời hứa với Nam. Tháng nào chị cũng đều đặn về quê thăm con, mặc dù nhiều người khuyên can không nên về thăm quá nhiều, không nên ở bên mộ quá lâu.

Hà giải thích với Nam trong đầu: "Mẹ chẳng cần kiêng cữ bất cứ điều gì cả, mẹ chẳng sợ hãi những gì sẽ đến với mẹ, và mẹ sẵn sàng đánh đổi bản thân mẹ để dành những tình cảm, tình mẫu tử sâu sắc nhất của một người mẹ cho con trai mình - Chị cảm thấy cay ở sống mũi - Những ngày này vô vàn ký ức lại ùa về nhưng giờ đây mẹ đã hiểu hơn là mẹ cần làm gì để hỗ trợ con từ nơi xa, mẹ đã cố gắng để kiềm chế những cảm xúc của mình, mẹ không bật khóc vì sẽ làm tổn hại đến con, tổn hại đến những gì một năm qua mẹ cố gắng làm để hỗ trợ cho con, với mong muốn con được siêu thoát".

Khí lạnh luồn qua khe cửa, lẩn quất dưới sàn. Hà nói tiếp với Nam. "Con trai yêu của mẹ, mẹ sẽ cố gắng giữ cân bằng trong cuộc sống, cân bằng trong tâm và cân bằng trong các công việc hằng ngày. Mẹ luôn có niềm tin nếu mình làm tốt mọi việc, tích đủ phước, giải được duyên nghiệp khổ thì mẹ con mình sẽ lại được gặp nhau ở nơi con đã được về.

Ở nơi đây mẹ sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy em Thắng và chị Linh nên người. Mẹ sẽ cố gắng làm thật tốt công việc thiện nguyện vì con chính là cơ duyên để đưa mẹ gắn bó với các bệnh nhi ung thư tại khoa nhi, K3 Tân Triều. Ở nơi xa đó, con nhớ làm theo những lời dặn dò của mẹ hằng ngày với con nhé. Buông bỏ, thanh thản, vui cười vô tư như những gì con đã có".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 10.

"Buông bỏ", "thanh thản", đã bao nhiêu lần chị nói những điều này với Nam, và với cả bản thân.

Hà đọc được rằng một kiếp ở cõi trần chỉ bằng một ngày đêm ở cõi Cực lạc. Như vậy thì với Nam, thời gian chờ đợi để hai mẹ con sum họp sẽ chỉ là một thoáng thôi, cậu sẽ không quá khổ sở. Còn chị, chị sẵn sàng một mình chịu nỗi nhớ da diết kéo dài vô tận. "Hãy luôn bên mẹ, đồng hành cùng mẹ con trai yêu nhé. Hãy luôn mỉm cười con trai nhé. Mẹ và em mãi mãi yêu con".

Trời lạnh khiến khói nhang lơ lửng, không thoát được lên cao. Đằng sau chị, Thắng trở mình ngủ mê. Chị thầm thì với bức ảnh của Nam: "Missing u".

Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 2.

Hà gặp Ánh trong khoa nhi vào giữa năm 2015, khoảng thời điểm Nam bị cắt chân. Ánh thua Hà một tuổi. Vinh, con trai thứ của Ánh, hơn Nam một tuổi. Gia đình Ánh cũng ở Hà Nội. Khác với nhà Hà, vợ chồng Ánh hòa thuận.

Vinh nhập viện muộn hơn Nam nửa năm, và cũng mất sau Nam nửa năm.

Sau khi Vinh chết, gia đình Ánh đóng cửa hàng ở phố cổ, và đưa Ánh đi chơi cho khuây khỏa. Mũi Né, Nha Trang... Trong ảnh, cô luôn là người cầm gậy selfie.

Nhìn ảnh sẽ khó để đoán được những điều cô vừa trải qua. Tóc cô vén sau tai gọn gàng, mắt không bị thâm quầng, da vẫn trắng, môi tô son sắc nét, áo lụa đen hở vai lượt là, chuỗi ngọc trai đeo trước ngực, kính râm cài trên trán.

Nhưng mặt cô lạnh băng.

Mấy năm trước, cô hay đăng ảnh và video của con. Giờ đây, chức năng Ngày này cách đây x năm của Facebook làm ruột gan cô tan nát. Hằng đêm, cô ôm thằng người nhện bông của Vinh để ngủ, nó to gần bằng một đứa trẻ, cho tới khi chồng cô phải giật nó ra khỏi tay cô. Nhà Ánh ở ngay cạnh trường học, hằng ngày lũ trẻ ồn ào kéo qua. Cô hình dung Vinh chỉ đang đi chơi ở đâu đó. "Thôi chơi thế đủ rồi, hãy về với mẹ đi con - Ánh kêu lên - Mẹ nhớ con lắm, về với mẹ đi con".

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 11.

Tranh: KATHE KOLLWITZ

Hà kể với tôi là Vinh hóm hỉnh, tinh tế, tài hoa, "chứ không tồ như Nam". Khi mặc áo, cậu so cho hai vạt áo của cậu đều nhau. Khi xắn tay áo, cậu chỉnh cho hai bên cánh tay bằng nhau. Tôi đã xem mấy clip của cậu, các bộ quần áo bệnh nhân của cậu luôn có họa tiết và phối màu rất đẹp. Cậu có giọng hát dịu dàng, và vẫn nhún nhảy nhẹ nhàng theo nhạc, kể cả khi đã gầy tong teo vì bệnh. Hà chép miệng khi kể với tôi, "Những người như thế là ở cõi âm người ta cũng thích lắm".

Trước khi chết mấy tuần, Vinh còn đòi ra biển. Nhà Ánh mang theo một bình oxy nhỏ trong xe. Ở Hà Nội, Hà hồi hộp theo dõi chuyến đi.

Giữa mùa hè năm nay, Ánh đăng ảnh mình cùng chồng và cậu con trai lớn đi chơi đêm ở đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Chị viết: "Tôi yêu gia đình nhỏ này". Ánh đã bắt đầu gượng dậy được, Hà thầm hi vọng.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 12.

Hai tuần sau, một con sóng mới tràn tới. Ánh viết trên Facebook, "Ngày mai là tròn một năm mẹ con mình xa nhau. Mẹ nhớ con trai mẹ nhiều lắm. Nếu phải làm gì để con trai quay về bên mẹ thì mẹ cũng làm. Nhớ con cồn cào. Nhiều khi không muốn tin đó là sự thật".

Câu cuối của chị là: "Giá như mẹ bị mất trí nhớ, giá như mẹ bị điên...".

"Hóa ra đau buồn là một nơi chốn mà không ai trong chúng ta biết được, cho tới khi chúng ta tới đó. Trong phiên bản về đau buồn mà chúng ta hình dung, mô hình có tên là "chữa lành". Những ngày tệ nhất sẽ là những ngày đầu tiên. Khoảnh khắc thử thách nhất với chúng ta sẽ là đám tang, sau đó, quá trình hàn gắn sẽ bắt đầu" - tôi trở đi trở lại với cuốn hồi ký của Joan Didion, mong muốn đi sâu vào những vận hành tâm lý đằng sau nỗi đau buồn.

"Chúng ta không thể biết trước là mọi thứ sẽ không như vậy. Chúng ta không thể nhìn ra (và đây chính là điểm khác biệt giữa nỗi đau buồn như chúng ta hình dung và nỗi đau buồn trên thực tế) sự thiếu vắng không có hồi kết, sự trống rỗng, sự đối nghịch hoàn toàn của trạng thái có ý nghĩa, sự nối tiếp không ngừng nghỉ của những khoảnh khắc mà chúng ta phải đối mặt với trải nghiệm của chính sự vô nghĩa".

Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 2.

Hai ngày sau, Ánh tước đi cuộc đời của chính mình.

Con sóng cuối cùng đã nhấn chìm chị. Chị đã đầu hàng trước sự thiếu vắng không có hồi kết và những khoảnh khắc không ngừng nghỉ của sự vô nghĩa.

Hà hẹn tôi ở buổi lễ hỏa táng của Ánh. Buổi sáng mùa hè hôm đó, Đài hóa thân hoàn vũ như một công trường xây dựng lớn. Người ta bận rộn chọn hòm tiểu sứ, ký tá các loại giấy tờ, tất bật tìm đám tang mình cần tới, rồi đứng sát nhau, hút thuốc lá chờ đợi, ai cũng sũng mồ hôi trong những chiếc áo sơmi đen giống hệt nhau, vì là áo đi thuê. Không khí đặc quánh và đầy khói, nhưng không phải từ lò hỏa thiêu mà là từ cái am đốt vàng mã lớn đặt ở sân.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 13.

Xe tang chở gia đình Ánh tới. Chị gái Ánh loạng choạng bước xuống, quần bò bó sát người, sơmi đen thuê, mặt nhợt nhạt. Một cô gái đỡ chị ngồi bệt xuống bậc thềm, tay kia quạt liên tục vào mặt chị. Một phụ nữ khác chải và búi lại mái tóc rất dày và rất đẹp của chị, rồi quấn lại khăn tang cho chị. Chị để mọi người muốn làm gì thì làm, chỉ cố giữ thẳng cái đầu ngật ngưỡng.

Chồng và con trai lớn của Ánh vẫn ngồi cạnh quan tài trên xe, ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn mà không thấy gì. Hà kể là tối hôm trước hai bố con đem bát cơm tới bên quan tài của Ánh ở nhà để "ăn bữa cuối cùng với cô".

Buổi lễ chỉ kéo dài vài phút. Theo tục lệ, bố mẹ Ánh không được phép có mặt. Một người trong họ nói lời cảm ơn. Khi ông kết thúc, giai điệu bi tráng của Hồn tử sĩ vang lên chừng mươi giây. Tôi đã nghe nó trong một tang lễ từ thập kỷ 1990. Trong hai chục năm qua, nó đã được cử lên cho bao nhiêu triệu người?

Khách tang đi vòng quanh quan tài một lần cuối. Tiếng khóc của người nhà to dần lên. Họ bám vào nhau ở phía bên phải căn phòng, cách quan tài chừng hai mét. Nhân viên tang lễ tuyên bố quan tài sẽ được đẩy vào bên trong.

Tiếng khóc than tăng lên một cung bậc.

Bức vách đằng sau quan tài tách ra làm đôi. Hai nhân viên bắt đầu đẩy quan tài vào.

Hành trình cận tử kỳ 2: Đau buồn: Đối diện và quy hàng - Ảnh 14.

Khung cảnh trở nên hỗn loạn. Nhiều giọng nữ thất thanh, "Chị ơi...! Chị ơi...!". Những cánh tay vươn ra, những bước chân ngập ngừng, như thể đằng trước là một dòng sông chảy xiết, người ta muốn bước lên để níu giữ một vật quý giá mà không thể.

Khi bức vách vừa khép lại, ngay lập tức ảnh của Ánh trên bàn thờ được lấy xuống. Chân dung người tiếp theo, cùng bát nhang và bát trứng khác, được đưa lên. Màn hình điện tử đổi tên người qua đời. Mọi người xô vào quạt cho mấy chị em của Ánh vừa quỵ xuống sàn. Không khí vẫn oi bức khủng khiếp. Ngoài sân, nhiều xe tang khác đã trực sẵn, cửa sau mở toang, để lộ các quan tài đang đợi tới lượt trong cái nóng. Đây là nơi cái chết được xử lý đại trà, theo băng chuyền. Chết không phải là sự kiện riêng lẻ, người ta được nhắc nhở như vậy. Nó hằng hà sa số.

Trước khi về, tôi thấy chồng và con trai Ánh đứng cạnh nhau, trông như hai anh em. Thằng bé 17 tuổi đi chân đất. Họ không chạm vào nhau, mặt ngơ ngác như đang bị lạc.

"Sự khác nhau giữa Hà và Ánh là gì? Cùng đối mặt với thảm họa, vì sao Hà đi tiếp được, mà Ánh lại đầu hàng?". Tối hôm đó, khi những ấn tượng thị giác của đám tang đã lắng xuống, tôi tự hỏi. "Với tất cả những đau đớn, điều gì khiến Hà có thể bắt đầu phục hồi?".

ĐẶNG HOÀNG GIANG

KỲ TỚI: "LỰA CHỌN TRƯỚC BI KỊCH"

ĐẶNG HOÀNG GIANG
BẢO SUZU
NHẤT ĐAN
DUY PHƯƠNG
23/10/2017


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên