TTCT - Trong hành trình cùng người cận tử năm qua của mình, Đặng Hoàng Giang đã chứng kiến những điều đẹp đẽ nhất nảy nở trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, đã thấy cái cao thượng và cái tầm thường ở sát bên nhau. Anh cũng thấy những định kiến xã hội cản trở sự sống, những con người bị bỏ rơi trong phút lâm chung và khoảng trống mênh mông của chăm sóc giảm nhẹ tại Việt Nam. TTCT giới thiệu loạt bài tiếp theo của tác giả về hiện trạng xã hội mà rồi ai cũng phải liên quan. Hầu như đêm nào Vân cũng mơ. Trong các giấc mơ, Vân đi rất nhiều trên đôi chân của mình. Cô thấy mình mười tuổi, đánh trâu lên đồi cùng đám bạn, lượm củi và phân bò khô đốt một đống lửa to rồi nướng khoai. Cô thấy mình cùng mẹ và chị đi trồng sắn thuê, tiền công mười hai nghìn một ngày. Đó là mùa hè trước khi cô lên cấp hai. Ba người dậy từ bốn giờ sáng và đi bộ rất xa. Mẹ cô mang theo cơm nắm và muối lạc, buổi trưa ba mẹ con ăn trên cái chòi nhỏ của họ, chiều tối lại cuốc bộ mười cây số về nhà. Có hôm, Vân thấy mình đi ra sân sau, xịt nước rửa chuồng lợn, gật đầu chào một người chú đi ngang qua sân, ông đã mất cách đây nửa năm, rồi vo gạo nấu cơm tối. Cảm giác được làm gì có ích cho người thân thật dễ chịu, trong cô không còn những ký ức về đau đớn nữa, tất cả thật thanh bình. Bỗng cô giật mình. Đằng sau cô, hai con lợn hộc lên, tranh nhau thức ăn. Vân tỉnh giấc. Cô đang nằm trong căn phòng nhỏ không cửa sổ của mình. Vân quay sang nhìn hai đứa con gái nhỏ đang ôm nhau bên cạnh. Cô bắt chúng nằm xa một chút để trong lúc mê ngủ chúng không chạm vào cánh tay trái của cô - chỗ dưới vai đã sưng to lên như có ai gắn một quả cam vào xương cánh tay. Đó là chỗ mọi thứ bắt đầu. Mùa hè năm 2012, khi mới hơn 22 tuổi, Vân ngã xe máy gãy tay trong khi đèo mẹ vào rừng lấy măng. Cô tới bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh ở Thanh Hóa, qua Việt Đức rồi dừng lại ở K2 (Hà Nội). Chỗ gãy ở tay cô không phải khớp, như thường gặp, mà ở dưới bả vai. Các bác sĩ ở K2 giải thích là ung thư xương đã làm chỗ đó giòn và dễ gãy, “như khúc gỗ mục”, và đưa cho gia đình hai lựa chọn. Phương án chi phí thấp là tháo bỏ cánh tay. Phương án thứ hai, nếu nhà “có điều kiện”, là phẫu thuật giữ tay và hóa trị. Tuy không “có điều kiện” nhưng gia đình Vân cố gắng vay mượn để giữ lại tay cho cô. Mẹ đẻ và chồng cô, Hoàng, lên Hà Nội chăm cô, để hai đứa con gái ở quê cho bố mẹ chồng. Đứa đầu, Nguyệt, chưa đầy ba tuổi; đứa thứ hai, Nga, mọi người hay gọi là Bép, mới được bốn tháng. Hằng ngày, mẹ chồng Vân bế nó đi xin sữa trong làng. Người ta đục bỏ khối u ở xương tay Vân, lấy một chất liệu như ximăng gắn hai đoạn xương lại với nhau rồi chạy sáu đợt hóa trị cho cô. Ban đêm, Hoàng ngủ ở ghế đá trong sân bệnh viện, dưới những cây xà cừ lớn, để tiết kiệm năm mươi ngàn cho một cái giường trọ. Chỗ đó đúng bằng số tiền cậu đút vào túi y tá mỗi khi họ thay băng, và bằng nửa con số cậu phải đưa mỗi lần họ tiêm. Cũng may là mùa đông năm đó ngắn hơn và ít rét đậm hơn mọi năm. Hồi đó, Hoàng 26 tuổi. Mùa xuân 2013, Vân được ra viện. Hè năm sau, vợ chồng cô đem con cái vào Kon Tum để làm ăn và cố gắng trả nợ. Chị gái Vân đã ở trong đó mấy năm và nhắn ra là “trong này dễ thở hơn”. Hai vợ chồng thuê nhà cạnh nhà chị Vân, cô ở nhà cơm nước, Hoàng làm thợ cho một cửa hàng sửa xe máy gần nhà. Cuộc sống đạm bạc nhưng êm đềm của Vân kéo dài được một năm rưỡi thì tới mùa xuân 2016, cô phát đau trở lại. Hai vợ chồng dắt díu quay về Thanh Hóa, rồi cô và mẹ lại khăn gói lên Hà Nội, nhập viện. Sau sáu đợt hóa trị nữa, bác sĩ trả Vân về. Cô đã bị di căn vào xương đùi, xương sống và sọ não. Hôm đó là ngày 19-12, Vân nhớ rõ, vì chỉ mười ngày nữa là cô tròn 27 tuổi. Đầu năm 2017, vợ chồng cô đã nợ tổng cộng tám mươi triệu. Vân dằn vặt bản thân vì năm qua cô không tổ chức được cái sinh nhật nào cho bọn trẻ. Mấy ngày tết, nhà cô trống trơn. Ra giêng, cô nằm liệt một chỗ và bắt đầu phải tiêm morphine giảm đau, nửa ống một ngày. Trong tám tháng tiếp theo, cho tới lúc cô mất, căn phòng nhỏ chín mét vuông luôn phải bật đèn neon là toàn bộ thế giới của cô. Mấy tháng đầu, đêm nào cô cũng mơ thấy mình ra khỏi giường. Lần nào tỉnh dậy cô cũng khóc. ====================== Không dám nói với ai, nhưng Vân bắt đầu nghĩ tới chuyện hiến tạng từ hồi cô nằm ở khoa nhi năm 2016, khi quan sát những đứa trẻ quanh mình, nhiều đứa nhỏ hơn con cô. Có đứa hỏi mẹ: “Sao người ở đây xấu xí thế mẹ? Rồi con cũng thành như thế à?”. Đứa khác hỏi y tá: “Cô ơi, có phải cháu sẽ chết không?”. Khi bắt đầu liệt giường, biết là mình không còn nhiều thời gian, Vân cố gắng vượt qua sự nhút nhát và nhắn tin cho bác sĩ Việt Hương: “Cô ơi, những bệnh nhân như cháu có thể hiến tạng được không cô?”. Mong muốn lớn nhất của cô là hiến tim, cô muốn được hiến và ra đi trước khi những cơn đau trở nên quá khủng khiếp. Gọi điện lên Hà Nội, Vân được chỉ dẫn rằng với những người mà ung thư vẫn đang hoành hành bên trong như cô thì hiến giác mạc là an toàn nhất. “Thôi thì cũng được” - cô nghĩ thầm. Nhưng Vân không hình dung được sự phản đối dữ dội của họ hàng cô. Buổi sáng cuối cùng của tháng ba, tôi vào Thanh Hóa thăm Vân. “Thân thể cháu là của bố mẹ, nên cháu phải được gia đình đồng ý thì mới yên tâm được. Bây giờ cháu không biết phải làm cách nào nữa” - Vân bế tắc. Nhà Vân ở vùng núi gần biên giới Lào, cạnh đường cái, sát nhà bố mẹ chồng và cách nhà bố mẹ đẻ năm phút đạp xe. Ngồi ở phòng khách trống trơn, tôi lắng nghe mọi người kể lại lịch sử bệnh của Vân. “Giá mà tui cho con được cái tim cái phổi, hay chết được thay cho nó...” - mẹ Vân nhắc đi nhắc lại, sắc mặt bà lộ vẻ thất thần. Một ông già chừng bảy mươi, tự giới thiệu là bác của Vân, nói về cô: “Hắn bản lĩnh lắm. Tôi nghe hắn la tôi còn chảy nước mắt”. Bố chồng Vân gói gọn tình hình: “Báo cáo với anh, giờ phút ni là gia đình bó tay rồi, chấp nhận thua rồi, anh ạ”. Bố Vân nói như tự kiểm điểm: “Chúng tôi nuôi con mà không được, đúng là buồn. Không hoàn thành rồi, không thành công rồi”. Trong bữa cơm, không khí dần bớt đi sự nặng nề. Mọi người chuyển sang chuyện thịt lợn đang bị rớt giá, sắp tới là mùa vào rừng lấy mật ong, nhắc đi nhắc lại cái nhiệt tình nhưng thẳng tính của bác sĩ Hương. Trong một phút, tôi có cảm giác đây là một bữa ăn bình thường, quên đi cái án tử hình đang lơ lửng. Hai đứa con Vân chạy ra chạy vào, há miệng đợi bà nội đút thức ăn, rồi lại biến mất. Chúng chưa có ý thức gì về cái chết đang rất gần của mẹ. Nằm trong phòng, Vân lắng nghe. Tóc cô đã mọc lại được chừng ba, bốn phân, sợi mỏng và mượt. Vân mặc áo may ô, một bên vai gầy thâm tím, không rõ tại sao. Khuôn mặt gầy khiến mắt cô to ra, làn da của tuổi trẻ vẫn mịn. Khi cô co chân lên, cái chăn mỏng không che được chân và đùi cô khẳng khiu bên dưới. Từ giường của Vân có thể nghe thấy tiếng xe máy thỉnh thoảng chạy ngang qua nhà. Mùi ẩm ướt của mưa xuân bay vào từ sân sau. Trên giường, cạnh Vân, Bép xem hoạt họa trên điện thoại. Nguyệt lúi húi làm bài trên cái bàn học ở góc phòng khách, cạnh cửa ra vào phòng Vân. Vân nhỏ nhẹ nhắc nó cao đầu lên. Liệu cô có lo rằng sau này không ai nhắc nó như vậy nữa? Sau bữa ăn, tôi đề cập tới nguyện vọng hiến giác mạc của Vân. Tôi muốn giúp cô. Tôi nhắc tới cả bác sĩ Việt Hương, hi vọng tên cô làm lời nói của mình có thêm trọng lượng. “Bác sĩ Hương cũng rất mong gia đình chấp nhận cho Vân được thỏa nguyện vọng của mình - tôi nói - Hiến giác mạc là một việc có ích, mà giúp được người khác thì mình cũng được an ủi phần nào. Hi vọng là các bác bàn bạc thêm để giúp Vân được toại nguyện”. Không khí trở nên băng giá. Mẹ Vân nói trước: “Bữa nứa nó xin đó mà bố mẹ hai bên vẫn chưa nhất trí, thế là nó khóc. Anh em họ hàng, ai cũng muốn khi cháu ra đi thì không để cho cháu thiếu thốn cái gì. Bố mẹ nào mà yên tâm được. Đau xót lắm, chú ạ”. Bà đang nói về chuyện khi chết thì phải toàn thây, thân thể phải nguyên vẹn. “Vâng, cái này thì em hiểu, nhưng em nghĩ là giữa cái đau của mình và ước nguyện của Vân thì mình cũng nên suy nghĩ để vượt qua nỗi đau, giúp Vân thực hiện nguyện vọng của mình - tôi cố gắng, những nội dung này tôi đã nhẩm nhiều lần khi đi đường - Coi như là món quà cuối cùng cho Vân, rất có ý nghĩa ạ. Sau này mình biết là một phần của Vân vẫn tiếp tục sống trong người khác, đấy cũng là một niềm an ủi lớn”. Mẹ Vân bỗng nhiên hỏi, như để cho rõ về nhân thân của tôi: “Thế bác sĩ Hương giới thiệu anh vào đây à?”. Tôi gật đầu. Đúng là Việt Hương đã kết nối tôi và Vân. Bà thẳng người lên: “Ai là người cần giác mạc hả anh?”. Hơi bất ngờ, tôi nói rằng người muốn nhận giác mạc phải đăng ký và xếp hàng. Sau này tôi lờ mờ đoán là nỗi hoài nghi về tôi đang hình thành trong họ. Bố chồng Vân lên tiếng, làm ở ủy ban xã nên ông ăn nói có ngọn ngành. Ông nói là sợ sau này lớn lên các con Vân sẽ oán trách ông bà nếu họ đồng ý với cô. Trong họ ai cũng ghi nhận nghĩa cử của cô nhưng tâm tư gia đình thì không thông. Ông bác Vân xen vào: “Hắn đang bệnh tình như thế mà dám nghĩ vậy, bản lĩnh quá. Như mình thì mình chẳng nghĩ chuyện gì nữa, mình chỉ sợ chết”. Đến lượt bố Vân, ông đã cau mày từ nãy: “Đúng là cái nguyện vọng của con ni thì không ai chê được. Hắn xin là khi chết đi hắn ủng hộ cho đời một tí. Thì cái đó là cái quý rồi, cái đó là đạo đức”. Ông quay sang bố chồng Vân: “Nhưng ông thông gia ạ, trên đây chưa có ai làm như rứa. Chừ con nó đang sống mà mình nói cái chuyện ni thì dã man quá”. Rồi ông trở nên gay gắt: “Nó đang sống sờ sờ chi mà các ông làm giống con lợn thì không được. Chừ đang muốn được chăm nó thêm dăm bẩy mười tháng nữa, chừ hắn đang còn trẻ, làm rứa thì thấy thiếu một tí lương tâm”. Sau chữ “con lợn” và “dã man”, tôi bị lùng bùng trong tai và có cảm giác chúng tôi đang dần trượt xa khỏi nhau. Mắt hơi hoa lên, tôi nhắc lại như một cái máy rằng đây là nguyện vọng của Vân và quyết định của gia đình, không có bệnh viện nào hay ai khác thúc giục. Bố chồng Vân nói tiếp: “Gia đình cũng không rõ hôm nay anh tới đây là có mục đích gì, nhưng nói tóm lại là cả cái huyện trên đây chưa có ai làm thế bao giờ. Cha sinh mẹ đẻ chưa có trường hợp như thế, bây chừ tự dưng gia đình tôi làm thì tôi lo. Không được”. Mọi người ồn ào lên, chen nhau nói. Ở cái huyện Kế Giang này sẽ có lời vào tiếng ra, rất lôi thôi. Sau này người ta sẽ bảo với các con Vân là ông bà bán đôi mắt của mẹ chúng. Bác Vân lại bảo: “Về cái bản lĩnh của con cháu thì đúng là ta phải phục. Nhưng xưa nay có ai làm thế mô”. Tới đây, bố Vân không chịu được nữa. Ông rút cái điếu cày từ dưới gầm bàn, nhồi thuốc, châm lửa, rít một hơi dài, rồi bỏ ra ngoài cửa đứng. Cuộc nói chuyện coi như kết thúc, mọi người tản đi, để lại một mình tôi bên bàn nước. Tôi hơi hối hận là đã đưa chuyện này ra. Tôi muốn giúp Vân, nhưng giờ thì có vẻ người nhà cô đang nghĩ là tôi nhắm tới cái giác mạc của cô. ============================== “Cản trở lớn nhất với công việc của chúng tôi là quan niệm trong xã hội là chết phải toàn thây”. Tôi lắng nghe anh Nguyễn Hoàng Phúc nói về bức tranh hiến tạng ở Việt Nam. Chúng tôi ngồi trong phòng làm việc của anh, một căn phòng rộng sáu mét vuông, không cửa sổ, trên tầng hai của một tòa nhà cũ của Bệnh viện Việt - Đức. Ở tầng dưới, một biển bệnh nhân và người nhà tràn từ những hàng ghế đợi xuống dưới đất, loa oang oang liên tục gọi tên người đến lượt khám. Phúc đã tham gia từ đầu trong ban soạn thảo luật có cái tên chính thức là “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”. Anh là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến giác mạc sau khi luật này được ban hành hơn mười năm trước. Là phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến tạng quốc gia (Bộ Y tế), một trong những nhiệm vụ chính của anh là vận động người dân đăng ký hiến tạng, một việc chông gai cho trung tâm non trẻ mới bốn tuổi đời này. Mỗi ngày, ở mỗi bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Việt - Đức, Bạch Mai, có thể có tới hàng chục ca chết não do chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hay vì tai biến mạch máu não. Từ cơ thể của một người chết não, các bác sĩ có thể sử dụng tim, thận, gan, phổi, ruột, tủy, hay các mô như gân, da, giác mạc... để cứu sống hàng chục người. Nhưng trong số hàng chục ngàn người chết não trong cả nước mỗi năm, hầu như không có ai đăng ký hiến mô, tạng. Thậm chí sau những ca phẫu thuật nhỏ liên quan tới cắt ngón tay, ngón chân, nhiều người cũng xin lại chúng để sau này đem chôn cùng khi họ chết. “Trần sao âm vậy, người ta đốt nhà, xe cộ, quần áo cho người đã chết - Phúc nói - Nhiều người cho rằng nếu cho đi giác mạc thì sang cõi âm người chết sẽ bị mù”. Giống một lớp kính trong suốt nằm phía trước nhãn cầu, giác mạc cho phép ánh sáng đi qua, giúp các tế bào thị giác nằm ở võng mạc nhận biết được hình ảnh. Hiện nay, trên cả nước, hàng trăm nghìn người đang chờ đợi được nhận giác mạc để thoát mù. Trong quá trình soạn luật, nhóm của Phúc đã gặp nhiều nhà tu hành. Không một tôn giáo nào ngăn cản hành động hiến tạng. “Dẫu xây chín bậc phù đồ - Không bằng làm phúc cứu cho một người” - anh dẫn lại một câu ca dao. “Và xin thưa anh là trên cái ghế anh đang ngồi ấy - anh trỏ vào chỗ tôi ngồi - đã có nhiều nhà sư ngồi khi tới đây đăng ký hiến tạng”. Cuối buổi nói chuyện, Phúc trở nên thiết tha: “Ai cũng mong muốn đem những điều tốt đẹp đến cho mọi người, đúng không anh? Nhưng khi còn sống, không phải ai cũng đủ điều kiện nhân duyên để thành tựu được cái tâm niệm đó. Nhưng có một cách mà bất kỳ ai cũng có thể làm được, không kể tuổi tác, tôn giáo, địa vị xã hội, không giới hạn bất kỳ một khía cạnh nào, đã là một con người thì ai cũng có thể làm được việc đó, đó là trao tặng cơ hội sống cho người khác nếu không may mình ra đi”. Trước khi ra về, tôi đứng vài giây trước tấm thư pháp nhỏ treo trên bàn làm việc của anh: “Mỗi ngày tự quét sân am trúc - Chớ hỏi vườn ai cỏ rác đầy”. Không rõ vì sao, cuộc nói chuyện với anh khiến tâm tôi tĩnh lại. Tôi băng qua đám đông ở tầng trệt, đi qua trùng điệp những khuôn mặt mệt mỏi và lo âu, và nhớ lại lời của Phúc. “Thưa anh là, sinh có hẹn, tử bất kỳ, không ai biết được lúc nào chúng ta ra đi cả. Nhưng nếu không may chúng ta ra đi thì hãy chia sẻ những gì chúng ta có được để đem lại sự sống cho cộng đồng. Biến mất mát, nỗi đau của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc cho gia đình khác, biến sự ra đi của một con người thành hành trình hồi sinh sự sống, đó là một điều tốt, một việc tử tế, tại sao không làm?”. =============================== Vân tiếp tục “vận động” người nhà. Vốn thầm lặng như một bông hoa dại ở chân hàng rào, cả đời chưa bao giờ cô xin gì từ gia đình. Nhưng tới cuối đời, hiến giác mạc trở thành dự án quan trọng nhất của cô. Cô dồn toàn bộ tâm trí vào đó, dùng “vũ khí khóc”, theo lời của cô, để làm xiêu lòng người nhà. Một thời gian sau, cô khấp khởi hi vọng. Anh trai cô đã phát biểu ý kiến ủng hộ. Hoàng cũng vậy. Bố mẹ chồng cô cũng xuống một nước. Nếu bên ngoại đồng ý thì họ cũng xuôi. Nhưng chuyện tắc ở đó. Mẹ cô quay ra dỗi: “Tùy con, mẹ không có quyền”. Một buổi trưa, cô thông báo: “Cháu liệt nửa người rồi chú à”. Tôi choáng váng. Hôm ở nhà cô, tôi vẫn thấy cô co chân lên được. “Bây giờ thì không được nữa chú ạ. Lên đến bụng rồi, cháu cảm nhận thấy nó rất nhanh”. Lẽ nào cái kết đến chóng vánh vậy? Vân có còn kịp thuyết phục bố mẹ cô? Liệu cô có cố gắng thêm được một tuần nữa? Vân hiểu chữ “cố gắng” của tôi. “Vâng, cháu sẽ cố hết sức chú ạ”. Ngồi trước bàn làm việc, tôi cảm nhận những giọt mồ hôi cựa quậy trên cánh tay. Mùa xuân đã gần trôi qua. Chưa bao giờ cảm giác ra mồ hôi lại tuyệt vời đến vậy. Tôi vẫn đang sống, cơ thể tôi vẫn toàn vẹn. Bên ngoài, một con sẻ đơn độc kêu những tiếng ngắn ngủi trên cành bưởi. Những quả bưởi con mới to bằng quả nhót. Ba tháng nữa, chúng sẽ to như những quả cam, nhưng những cơn mưa mùa hè sẽ giật chúng ra khỏi cành, ném chúng xuống lăn lóc trên mặt sân. Dưới nhà, con gái tôi đang tập piano. Tôi hình dung ra đôi vai gầy của nó nhô lên hạ xuống khi hai bàn tay di chuyển trên phím đàn. Đầu nó nhìn bên này, nhìn bên kia. Bản nhạc man mác, u ám, ngọt ngào êm dịu. Những nốt nhạc nối nhau tung lên trên cao như những hạt ngọc, phủ kín không gian. Chúng kêu lên kinh ngạc trước sự vô tận của thời gian, trước cái đẹp và sự huyền bí của cuộc đời. Hi vọng giúp bố mẹ Vân yên tâm, tôi gửi cô một bài viết tôi tìm thấy về Ngân hàng mắt thuộc Bệnh viện Mắt trung ương, đơn vị thực hiện việc phẫu thuật lấy giác mạc ở người qua đời. Chỉ với 15-30 phút thao tác nhẹ nhàng là giác mạc đã được lấy mà không làm thay đổi gì đến khuôn mặt người chết, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt và kế hoạch tang lễ không bị ảnh hưởng gì. “Một nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động của Ngân hàng mắt là tuyệt đối cấm mọi hành động mua bán, nên chúng tôi sẽ không được trả tiền cho người hiến và gia đình - bài báo nhấn mạnh - Mọi sự tôn vinh chỉ có ý nghĩa tinh thần, nhằm tỏ sự biết ơn với nghĩa cử cao đẹp này”. Nhiều người, cả họ hàng lẫn người ngoài, tìm tới nhà Vân. Họ nói thẳng với bố mẹ cô là họ phản đối chuyện này. Trước đó đã xuôi xuôi, nhưng khi nghe vậy, bố mẹ cô lại ngập ngừng. “Thời gian của cháu không còn nhiều - cô sốt ruột - Cháu lo lắm”. Giữa những cơn đau của Vân, tôi lắng nghe cô nhìn lại cuộc đời mình. Trước khi bị bệnh, cô kể với một sự tự hào kín đáo, cô đã cố gắng hết sức để làm một người con dâu có trách nhiệm. Tuy nhiên, cô buồn và hối hận là gần đây cô hay cáu với mẹ và với chồng, những người gần cô nhất. “Ngoài ra thì cháu làm gì mà cáu được với ai”. Vân hiểu rất rõ rằng cô chỉ là một cô gái nông thôn lặng lẽ, mới học hết lớp tám, đứng ở nấc thang thấp nhất trong một xã hội ồn ào và thô bạo. Vân hay bị chọc, bị chê bai vì hai cái răng cửa hơi chìa ra của cô. Hẳn đây là những tấn công kín đáo, bởi cả chồng lẫn chị cô, khi được tôi hỏi, đều không biết là cô đã có nỗi buồn này. Là người nhạy cảm, tới giờ cô vẫn nhớ câu người làng nói trước mặt cô về một phụ nữ bị đồn là ngoại tình: “Bọn răng hô là mất dạy lắm”. “Trong xã hội bây giờ, đẹp là lên ngôi chú ạ” - Vân bình luận. Có nhận xét nào đúng hơn về sự vô tâm và tàn nhẫn của nơi cô sống. Giữa tháng tư, bưu điện chuyển tới tờ đăng ký do Trung tâm điều phối hiến tạng gửi vào. Nó nằm suốt trên đầu giường Vân. Vân chần chừ không ký, cô bị giằng xé giữa nguyện vọng cuối đời của mình và nỗi đau mà nó gây ra cho người thân. Giá mà bác sĩ Việt Hương có thể gặp người nhà cô, họ kính trọng cô, chắc lúc đó họ sẽ được thuyết phục. Nhưng cô biết là Việt Hương còn vô vàn bệnh nhân khác. Tôi hỏi thăm cô: “Cái liệt tới đâu rồi cháu?”. Tôi nhận ra mình đã không hỏi: “Cháu bị liệt tới đâu rồi?”. Tôi đã tách cái liệt ra ngoài Vân, coi nó không phải là một phần của cô. Hôm trước, tôi cũng hỏi: “Cơ thể cháu hôm nay thế nào?”, thay vì: “Hôm nay cháu thế nào?”. Vô thức, tôi coi cơ thể Vân không thuộc về bản thể của cô. Cơ thể cô đang lụi tàn, nhưng con người cô thì vẫn nguyên vẹn. “Đến ức rồi chú” - Vân trả lời ngắn gọn. Tôi nghe có tiếng gào thét đâu đó trong không trung. Nhìn này, có sinh vật chuẩn bị lìa đời. Tiếng kêu vang vọng, không ai oán, nhưng cô đơn. Sức mạnh của tạo hóa vô hình hiện ra uy nghi, phủ kín bầu trời với uy quyền tối thượng. Vân sắp từ giã những gì mà cô biết, những đứa con, những quả roi chua, vị ngọt của nước, kỷ niệm tuổi thơ đánh trâu lên đồi, cảm giác dễ chịu khi rờ ngón tay lên làn da của chồng. Vân sẽ bị đánh gục như một con thú, hay cái chết sẽ rủ lòng thương và cho cô ra đi nhẹ nhàng và đàng hoàng? “Cháu có linh cảm về quỹ thời gian của mình không?”. “Có, cháu thấy hình như rất gần chú ạ”. Đây là cuộc nói chuyện kỳ lạ nhất mà tôi đã từng có, và tôi biết ơn về điều này. Được nói chuyện với người cận tử là một đặc ân. Có một sự thiêng liêng mà tôi không giải thích được nó tới từ đâu. Tim tôi đập nhanh, hơi thở gấp. Tôi không có thời gian cho sự ủy mị. Công việc phải được giải quyết. Sợ Việt Hương không về kịp, tôi khuyên cô cứ ký giấy và gửi ra Hà Nội. Nhưng Vân vẫn dùng dằng. Những ngày sau, những trao đổi của chúng tôi trở nên đơn điệu. Vân buồn và thất vọng. Cô bắt mẹ nắn bóp liên tục đôi chân tê dại của mình. Cái đau tấn công vào tay trái, cô chỉ còn nhắn tin được bằng một tay. Vân vẫn cố gắng không khóc trước họ hàng, cô chỉ khóc khi có mình Hoàng bên cạnh. Có những ngày trong đầu cô đầy những âm thanh vang dội, khiến cô tưởng mình đã bị điên. Cô trở nên căng thẳng, sợ hãi và cáu bẳn với tất cả mọi người. Vân không muốn mình như vậy, nhưng bất lực. “Cháu thua rồi chú ạ”. Nhìn vào tin nhắn của Vân, lần đầu tiên tôi thấy mình thầm mong cô được giải thoát. ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Hành trình cận tử Tiếp theo Tags: Đặng Hoàng GiangHành trình cận tửGửi lại một phần sự sống
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.