Đó là một ngôi nhà trước đây gia đình chủ của nó, và dĩ nhiên là cả Cleo đã từng sống ở thành phố Lawson, bang Missouri. Tuy vậy, gần hai năm trước, họ đã dọn khỏi ngôi nhà ấy, chuyển tới thành phố Olathe ở bang Kansas.
Vậy mà tới giữa tháng 7 này, cô nàng Cleo đã một mình trở lại ngôi nhà cũ, nằm… đợi chủ.
“Hôm đó, vợ tôi và tôi vừa đi làm về, bắt gặp một con chó lạ đang nằm ngay trước cửa hiên nhà. Nó chỉ nằm và có vẻ đang chờ ai đó” – ông Colton Michael, người chủ mới của ngôi nhà ở Missouri, kể với Hãng tin CNN.
Lúc đó Cleo không đeo vòng cổ, nhưng có vẻ cô nàng từng được chăm sóc chu đáo, khiến Michael nghĩ nó không phải là một con chó hoang.
"Thoạt đầu, Cleo tỏ ra rất lo lắng khi có ai tới gần", ông Michael cho biết. Rốt cuộc, khi đã có được sự tin tưởng của Cleo, ông Michael vuốt ve và khám phá rằng cô nàng đúng là đã được cấy microchip nơi cổ. Khi quét con chip ấy, Michael tìm được thông tin cá nhân về chủ của Cleo.
Kể với đài truyền hình KMBC, Michael cho biết vợ ông đã nhận ra họ của chủ Cleo trùng với họ của người chủ nhà cũ. Khi vô Facebook tìm tên người ấy, Michael thấy gia đình Feeback đã đăng thông báo, rằng con chó của họ đã mất tích một tuần trước đó ở thành phố Olathe, từ ngày 12-7.
“Tôi nói với Drew rằng chúng tôi đã tìm thấy Cleo, nhưng khi nghe nói chúng tôi đang ở đâu, anh ấy đã… không thốt nên lời” - Michael kể.
“Đó là một câu chuyện hết sức kỳ lạ. Thật sự thì Cleo là tất cả đối với chúng tôi và mẹ tôi” - Drew Feeback, chủ của Cleo, nói.
Từ hôm đó tới nay, cả nhà Feeback vẫn chẳng thể biết được tại sao nàng Cleo của họ lại tìm được về nhà cũ. Bởi Cleo phải băng qua những nơi giao thông đông đúc và một dòng sông, hay đi qua một cây cầu lúc nào cũng ào ạt những xe qua lại, phải đi bộ suốt 57 dặm (80,4 km) để trở về đúng ngôi nhà cũ bên Missouri.
“Bây giờ, tụi tôi đã biết Cleo thuộc về ai, nên nếu cô nàng lại xuất hiện một lần nữa trước hiên nhà thì tụi tôi biết nên báo tin cho ai” - ông Michael nói.
Câu chuyện về “hành trình bí ẩn” của Cleo một lần nữa cho thấy giá trị của việc gắn microchip cho thú cưng. Loại chip này không phải là vi mạch theo dõi, xác định vị trí của thú cưng mà chỉ phát mã RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến) cung cấp thông tin về chủ sở hữu, khi được quét bằng máy chuyên dụng.
Trong khi vòng cổ hay thẻ tên có thể bị rớt mất, một con chip nhỏ cỡ hột gạo, được cấy dưới da thú cưng, sẽ là ID (mã số nhận dạng) duy nhất và vĩnh viễn, giúp thú cưng có cơ hội tốt nhất được bảo vệ, được trở về nhà mỗi khi đi lạc hay bị “bắt cóc”,…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận