19/12/2017 16:26 GMT+7

Hành trình 10 năm lên hàng 'cường quốc nghiên cứu' của Singapore

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Từ vị thế một đảo quốc châu Á nhỏ bé, không "rừng vàng, biển bạc", Singapore ngày nay là một cường quốc nghiên cứu của thế giới. Tuy duy nào đã đưa một dân tộc đến thành công?

Hành trình 10 năm lên hàng cường quốc nghiên cứu của Singapore - Ảnh 1.

Giáo sư Bertil Andersson tại Singapore - Ảnh: NTU

Câu trả lời: Chính vì không có tài nguyên để đào lên và bán với giá rẻ mạt, Singapore chọn đầu tư vào con người, vào giáo dục, vào chất xám!

Giáo sư Bertil Andersson, học giả nổi tiếng người Thụy Điển - thành viên Ủy ban Nobel, là người đứng đầu Quỹ Khoa học châu Âu trước khi ông nhận lời đến Singapore dẫn dắt Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU) năm 2007. 

Thời điểm đó cuộc cách mạng giáo dục ở Singapore chỉ mới bắt đầu.

Trong cuộc phỏng vấn với trang University World News (UWN) mới đây, ông Andersson mô tả lại hành trình 10 năm đã qua của giáo dục đại học Singapore, về những thay đổi và công cuộc lột xác kỳ diệu của quốc gia này nhờ chọn con đường đi đúng đắn.

- Nền nghiên cứu của Singapore ra sao khi ông trở thành chủ tịch NTU vào năm 2011?

GS Bertil Andersson: Đối với một quốc gia nhỏ như Singapore, đầu tư vào lĩnh vực hàn lâm của họ thật sự ấn tượng - đây cũng là điều hấp dẫn tôi đến quốc gia này cách đây 11 năm. 

Trước năm 2000, nghiên cứu khoa học không thật sự phát triển ở Singapore, nhưng ngày nay họ đã có trong tay hai trường đại học hàng đầu (Đại học quốc gia Singapore - NUS, và NTU) và một cơ quan chuyên trách (A*STAR - Cơ quan Khoa học, công nghệ và nghiên cứu Singapore).

Tôi còn nhớ khi đến đây lần đầu tiên năm 2006 để làm cố vấn cho Chính phủ Singapore, thú thật tôi chưa nghe về đất nước này bao giờ. Ban đầu, tôi ấn tượng với các kế hoạch của họ. Nhưng phải thấy mới tin, sau 11 năm sinh sống và làm việc, tôi cho là mọi thứ thật tuyệt vời.

Giáo dục đại học của Singapore đã vươn lên rất nhiều. Riêng lực lượng nghiên cứu gia tăng không chỉ về số lượng mà còn chất lượng, tuy điều này không thể hiện rõ trên các bảng xếp hạng.

Khoảng năm 2005-2006, phó Thủ tướng Singapore Tony Tan thành lập Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF). Đó là một cú "Big bang" đối với hoạt động nghiên cứu của các trường đại học. Nói để thấy, cách đây 11-12 năm, hai trường đại học lớn nhất Singapore mới bắt đầu có được nguồn quỹ nghiên cứu tương đối.

- Nỗ lực mới nhất của Chính phủ Singapore chi 14 tỉ USD cho nghiên cứu và phát minh giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa gì?

Đó là một số tiền rất lớn đối với một quốc gia chỉ có 5 triệu dân và 3 tổ chức nghiên cứu. Nguồn quỹ nghiên cứu đã, đang và sẽ mang lại những thay đổi lớn trên bản đồ hàn lâm của Singapore. Trước đây chỉ có Đại học NUS nằm trong top xếp hạng, bây giờ có thêm 2 đơn vị nữa, bao gồm NTU.

Trước đây, khi khoản đầu tư lớn cho nghiên cứu xuất hiện, chúng tôi gom hết mọi nguồn lực và tuyển dụng các nhân sự hàng đầu từ Caltech (Viện Công nghệ California), từ MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), từ Imperial College (London), từ Đức, từ Thụy Sĩ...

Chúng tôi săn lùng hai đối tượng: Một là "cá voi" - tức các siêu sao, rồi sau đó chúng tôi tuyển một loạt nhà nghiên cứu trẻ tham gia tranh học bổng của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC).

Sau những nỗ lực đó, hiện tại NTU đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực khoa học vật liệu, chỉ xếp sau MIT; ngành hóa học xếp thứ 3 thế giới; điện tử trong top 10 thế giới; khoa học máy tính trong top 20...

Hành trình 10 năm lên hàng cường quốc nghiên cứu của Singapore - Ảnh 2.

Bức ảnh cho thấy những thay đổi chóng mặt của Singapore trong vài chục năm qua - Ảnh: REUTERS

- Có thể so sánh nỗ lực của Singapore với các siêu cường châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc?

Singapore rất quyết tâm cạnh tranh với các con rồng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng vì Singapore là một quốc gia nhỏ, họ cần phải rất tập trung vào chất lượng. 

Singapore có lợi thế dùng tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc chính, do đó dễ bổ sung nguồn nhân lực. Ngoài ra, họ có nhiều học bổng rất cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược. 

Tôi nhận thấy Singapore có tiêu chuẩn tiếp cận rất cao (trong nghiên cứu), áp dụng những thang đánh giá tốt nhất của thế giới. Tôi không chắc các quốc gia châu Á khác có được tất cả những thứ đó, chưa kể đến sự giới hạn do ngôn ngữ.

Singapore là nước nhỏ nhưng họ dùng nguồn lao động của thế giới. Các nước khác chủ yếu dùng nguồn lao động trong nước - đó là sự khác biệt lớn. Sự giao thoa Đông - Tây ở Singapore cho phép chúng tôi thuê lao động không chỉ từ Mỹ, châu Âu, mà còn cả Nhật Bản và Trung Quốc.

Ở đây tôi nhận thấy có sự tương đồng với quê hương Thụy Điển của tôi, rằng các nước nhỏ thường hợp nhất hơn so với các con rồng lớn.

- Dân số Singapore đang suy giảm. Liệu họ có đủ nhân lực nghiên cứu để thúc đẩy phát minh?

Không có trường đại học nào miễn nhiễm với các thay đổi về nhân khẩu. Có thể nói có quá ít trẻ em Singapore ra đời; đó là một vấn đề. Vấn đề khác là quá ít người Singapore chọn đi theo con đường hàn lâm. Cho đến nay điều này được giải quyết bằng cách nhập khẩu các nhà khoa học hàng đầu.

Giải pháp này hiệu quả trong bao lâu? Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi cho rằng Singapore là một quốc gia thực dụng, và họ sẽ làm những gì cần làm để tiếp tục bay lên cao.

Singapore là nước nhỏ, chúng ta không thể so sánh với Đức, Mỹ hoặc Anh. Nhưng chúng ta có thể so Singapore với Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sĩ, Israel - chúng ta gọi đây là các quốc gia nhỏ và thông minh.

Hành trình 10 năm lên hàng cường quốc nghiên cứu của Singapore - Ảnh 3.

Singapore ngày 27-9-1965 - Ảnh: REUTERS

- Các trường đại học của Singapore và châu Á đang tiến lên đều đặn. Họ có thể soán ngôi châu Âu và Mỹ?

Khi tôi còn là một giáo sư dạy học ở Stockkholm (Thụy Điển) cách đây 20 năm, trường đại học châu Á duy nhất tôi biết là Đại học Tokyo; còn bây giờ mọi thứ đã khác. 

Châu Á không chỉ đi lên mà còn thay đổi về trật tự, Nhật Bản và Đài Loan giảm xuống một chút, trong khi Trung Quốc đi lên rất nhiều; Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc cũng trên đà phát triển.

Các trường như NUS, NTU (Singapore), HKU (Đại học Hong Kong), Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa (Trung Quốc)... bây giờ đã ngang ngửa với các học viện hàng đầu châu Âu. Tôi từng làm việc tại Imperial College London, và tôi biết các trường châu Á trên đã ở tầm mức đó.

Riêng Ấn Độ và các nước châu Á khác còn một quãng đường rất xa để đi.

Hiện nay, phương Tây nói chung và các trường đại học phương Tây nói riêng và có vẻ không dám công nhận những gì đang xảy ra, rằng họ đang bị thách thức.

- Điều gì có thể khiến phương Tây thôi tự mãn?

Thực tế.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên