LTS: Sau bài viết “” (Tuổi Trẻ ngày 19-5), nhiều cha mẹ gửi thư đến trang Tổ ấm cho rằng “cửa ải” đầu tiên của bé không phải là vào lớp 1 mà là trường mầm non và đề nghị được chuyên gia tư vấn hỗ trợ cách để đồng hành cùng bé.
Phóng to |
Cô giáo hướng dẫn các bé lớp mầm Trường Hoa Hồng Đỏ (Q.9, TP.HCM) làm thiệp -Ảnh: T.B. |
Đi học mẫu giáo (không ít bé và cả cha mẹ gọi là “đi bộ đội”) thật sự có là cửa ải khó vượt?
Giúp trẻ làm quen
Chị Thu Hà (Q.3, TP.HCM) có hai cậu con trai, đứa lớn vừa hết lớp chồi, còn đứa nhỏ sắp vào lớp mầm (3 tuổi). Những ngày này chị rất lo lắng, nhất là khi nhớ lại chuyện đưa đứa lớn “đi bộ đội” hai năm trước. Chị kể: “Về đến nhà là thằng bé ôm cứng mẹ, đêm đang ngủ lại bật dậy la hoảng”. Chuyện kéo dài suốt cả tháng, vợ chồng chị vỗ về mãi mới dần ổn. Cũng vậy, con chị Bích (Q.6, TP.HCM) khóc quấy ban đêm trọn cả năm đầu “đi bộ đội” khiến cả mẹ lẫn con gầy rạc.
Theo các chuyên gia giáo dục, bé 3 tuổi cần đi mẫu giáo để hòa nhập dần vào môi trường xã hội qua tương tác với thầy cô và bạn bè cùng trang lứa. Đó là sự thay đổi lớn lao do “thế giới” trong mắt bé bấy lâu chỉ là gia đình nhỏ bé. Để bé ít bị “sốc”, cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho bé ít nhất hai tháng trước “giờ G”. Cha mẹ có thể kể những câu chuyện về sinh hoạt ở trường, dẫn bé đi tham quan trường sắp học. “Những việc đó khiến bé suy nghĩ, mơ mộng và trông chờ tới ngày đi học”, ThS Trần Thị Ái Liên nói.
Bà Liên cho rằng cha mẹ có thể cùng bé lên thời khóa biểu và rèn bé sinh hoạt. Cha mẹ vài ngày có thể gửi bé cho người thân một buổi, sau tăng lên hai buổi để bé quen dần với việc xa mẹ. Ngoài ra, trò chơi “cô giáo/học sinh” cũng rất hiệu quả. Theo bà Liên, trong lúc chơi trò này nếu xảy ra sự cố gì đó thì cha mẹ không nên la rầy bé, và trò này chỉ chơi một lần.
Bé cũng cần biết những điều đơn giản nhưng rất quan trọng như không ra khỏi cổng trường, không theo người lạ. “Cần nói với bé bị bắt cóc là không còn được gặp cha mẹ”, bà Liên nói. Ngoài ra, bé cần được dạy cách phản ứng khi bị người khác đụng chạm những vùng nhạy cảm.
Thổi bùng cảm xúc
Khi tinh thần bé đã “ấm” thì việc dẫn bé đi mua sắm quần áo, giày dép, khăn, nón... giống như thổi bùng ngọn lửa cảm xúc trong bé khi bé được tham gia chuẩn bị cho “ngày quan trọng” của mình. Theo bà Liên, cha mẹ nên khen “trông con khác hẳn” khi bé ướm thử quần áo mới mua. Chưa hết, vào đêm trước “giờ G” cha mẹ có thể cùng trẻ soạn đồ chuẩn bị. Vào buổi sáng đầu tiên đi học, cả nhà cần tạo bầu không khí háo hức vui tươi. Trên đường đến lớp, nếu bé có biểu hiện lo lắng thì cha mẹ cần bày tỏ sự thông cảm với cảm xúc đó nhưng an ủi rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. “Nếu có thể, cha mẹ nên ngồi lại lớp với con một buổi sáng hoặc nhiều hơn”, bà Liên nói.
Khi bé dần quen với môi trường mới, mỗi sáng đến trường cha mẹ cần làm “thủ tục tạm biệt” với bé thật sinh động và dứt khoát chia tay bé, không chạy ngược lại ôm ấp khi bé khóc. Để bé an tâm, mẹ có thể lấy vật gì nho nhỏ trên người đưa cho bé và dặn bé khi nào nhớ mẹ hãy ôm vật ấy vào lòng. Hằng ngày cha mẹ cần tiếp tục hỏi thăm bé chuyện bạn bè, lớp học, sự cố... Đặc biệt, cha mẹ cần quan tâm những dấu hiệu sốc tâm lý như bám sát mẹ, khóc đêm, mè nheo, hung dữ hay cáu gắt hơn bình thường, không tự đi vệ sinh được... để kịp thời giải tỏa.
“Người yếu đuối hoặc thân nhất với bé thì không nên đưa bé đến trường vào buổi sáng đầu tiên”. Chưa hết, theo bà Liên, việc một số người lớn dùng chiêu “lừa gạt”, dẫn bé đi đâu đó rồi bất ngờ “quăng” bé vào trường sau đó trốn đi, càng khiến cho bé sốc nặng. Và như thế, chuyện “đi bộ đội” sẽ còn mãi trong trí nhớ của bé như là một kỷ niệm buồn.
Trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm Ngoài các rối loạn tâm lý như sợ hãi (khóc la, phản kháng), sợ xa mẹ (rối loạn ăn uống, giấc ngủ) và lo lắng (thay đổi tính tình, dễ cáu gắt), trẻ đi mẫu giáo có nguy cơ nhiễm trùng tiểu và mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Những bệnh truyền nhiễm có thể mắc phải trong nhóm tuổi này là nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm siêu vi. Nhiễm khuẩn hô hấp gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Đặc biệt, viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Để tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi cần giữ ấm cho trẻ. Không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ. Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ... BS Nguyễn Thị Kim Thoa(trưởng khoa nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận