13/07/2019 10:08 GMT+7

Hành trang của tôi luôn có cây côn nhị khúc

KỲ THỦ NGUYỄN ANH KHÔI
KỲ THỦ NGUYỄN ANH KHÔI

TTO - Chắc hẳn mọi người sẽ rất lạ lùng về điều này bởi kỳ thủ cờ vua thì phải dính đến bàn cờ, quân cờ, chứ làm gì là cây côn nhị khúc. Nhưng đây là sự thật bởi ngoài cờ vua, tôi còn đạt đẳng cấp nhất đẳng huyền đai môn võ taekwondo.

Hành trang của tôi luôn có cây côn nhị khúc - Ảnh 1.

Không chỉ giỏi cờ vua, Anh Khôi còn là cao thủ môn võ taekwondo - Ảnh: NGUYỄN ANH TÚ

Được nhiều người biết đến nhờ chơi cờ vua, nhưng thật ra môn thể thao mà tôi tìm đến trước khi chơi cờ vua là võ thuật. 

Năm 5 tuổi, tôi bắt đầu với môn võ karatedo, sau đó chuyển sang taekwondo vì muốn sử dụng các đòn thế bằng chân linh hoạt hơn. 

Ba tôi có quan điểm nên học võ để tăng cường sức khỏe cũng như khả năng tự vệ. Vì vậy, lúc nhỏ tôi tập võ chủ yếu vì ba mẹ, chứ chẳng hề yêu thích. 

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy buồn cười vì hồi đó cứ hay kiếm cớ này nọ để được nghỉ tập.

Năm lên 10 tuổi, cậu bé đai đỏ cấp 4 là tôi được tham dự một giải đấu taekwondo Việt - Hàn. Chẳng hiểu sao hôm đó tôi sung sức đến kỳ lạ, hạ "knock out" tất cả đối thủ và giành hạng nhất. 

Chắc do không khí cạnh tranh quyết liệt ở giải đấu lần đó đã kích thích tôi, khiến tôi ngày càng yêu thích môn taekwondo. 

Từ đó, tôi tự mình tăng dần cường độ tập luyện và có thời điểm tập võ đến 5 buổi/tuần. Khi đó, mẹ tôi hay cười và nói: "Phải chi con chăm tập cờ vua như taekwondo...".

Tôi lấy đai đen nhất đẳng năm 14 tuổi. Với tôi như vậy là đủ, vì đã xác định từ đầu là học võ chỉ để tăng cường sức khỏe và tự vệ. Nhưng tôi nghĩ môn võ taekwondo đối với tôi không ít giá trị hơn cờ vua hay việc học. Mọi người đều biết đánh cờ là như thế nào. 

VĐV cờ chúng tôi phải ngồi rất nhiều giờ trên bàn mỗi ngày, chưa kể việc học. Quá nửa thời gian trong ngày của tôi là ngồi, ngồi và suy nghĩ.

Và việc tập luyện taekwondo mang lại cho tôi sự cân bằng trong cuộc sống, sức khỏe, sự dẻo dai, đầu óc tỉnh táo và thoải mái hơn. Do đó, mỗi lần đi thi đấu xa nhà, hành trang của tôi luôn có hai cây côn nhị khúc. Đó chỉ là loại côn nhựa thường để tập luyện các bài võ, chứ không phải là vũ khí gì cả. Khi rảnh rỗi, tôi thường lấy côn ra tập và vận động một chút.

Càng lớn tôi càng bận rộn với lịch đấu cờ, tập luyện và học hành. Vì vậy, tôi phải giảm cường độ tập taekwondo còn 2 buổi/tuần. Nhưng việc ngưng tập luyện thể dục thể thao thì không thể. Trong những ngày bận rộn nhất, tôi vẫn cố gắng chạy bộ cầu thang, tập các bài thể lực, múa côn...

Nói chung, nếu ngưng hoạt động thể dục thể thao lâu ngày, cơ thể tôi sẽ rất mỏi mệt, học hành hay đánh cờ cũng không hiệu quả. 

Bên cạnh việc rèn luyện cơ thể, tôi luôn chú ý ăn uống điều độ để tránh béo phì, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là khi tôi còn rất trẻ. 

Hiện tại, tôi đang tập thêm kickboxing - môn võ nặng tính đối kháng. Cũng như cờ vua, thể thao cần một chút mới lạ và cảm giác thi đấu để kích thích, như vậy việc tập luyện sẽ vui hơn, sẵn sàng hơn. Nếu không tập luyện thể dục thể thao đều đặn, chắc chắn tôi không thể duy trì thành tích chơi cờ lẫn học tập tốt đến ngày hôm nay.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"

Bài viết bằng tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email với độ dài tối đa 1.000 chữ. Tiêu chí: câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Những bài viết hay có thể nhận thưởng giải nhất lên đến 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, hai giải ba mỗi giải 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng.

Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động: 17-6. Kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019. Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected]. Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".

logo-her

Giấc mơ marathon và cuộc chiến với bệnh hen

TTO - Hơn 5 năm trước tôi sững sờ khi bị viêm phế quản mãn tính và chuyển sang hen suyễn. Nửa đêm ho dựng người, thở khò khè làm tôi mất hết niềm tin có phương thuốc chữa trị hữu hiệu khi tần suất những cơn đau ngày càng dày hơn.


KỲ THỦ NGUYỄN ANH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên