Cảnh thủ đô Brussels của Bỉ nháo nhào hoảng loạn sau hai vụ khủng bố chỉ trong vòng một giờ sáng thứ ba 22-3 vừa qua, tiếp theo cảnh thủ đô Paris của Pháp hai lần tang tóc trong năm ngoái, hoặc cảnh những vụ nổ tương tự ở đây đó, thậm chí ở Bangkok sát bên... là những thảm cảnh mà người dân Việt may mắn không phải trải qua.
Thật may khi mà trong nước không có mầm mống của một xu hướng cực đoan nào, bất luận mang “màu sắc” này nọ, để không phải cứ nơm nớp lo sợ khủng bố!
Song, cảm giác an toàn - không khủng bố này cũng mới chỉ là một góc của cả một bài toán lớn hơn là sự an ninh của một xã hội.
Bắt đầu là an ninh quốc phòng: có bị “ai” đó tranh chấp, đe dọa không? Kế đến là an ninh công cộng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh tư pháp, an ninh y tế..., gọi chung là an ninh dân sự.
Cũng có thể hiểu là an ninh của nhân dân, nghĩa là toàn bộ các phương tiện được thiết lập bởi một nhà nước nhằm đảm bảo an ninh cho dân chúng, thể nhân và pháp nhân, cùng tài sản và sinh hoạt của họ.
Sự đảm bảo an ninh này là nội dung của điều 3 Hiến chương nhân quyền Liên Hiệp Quốc: “Ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể” mà Việt Nam có tham gia. Bộ máy nhà nước có đủ những cơ quan chức năng đảm nhận công tác đảm bảo an ninh dân sự đó, vận hành trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật do Quốc hội thông qua. Bộ máy đó được cung ứng ngân sách đầy đủ, không thiếu hụt gì, kể cả nhân sự.
Trong những điều kiện thuận lợi chung là như thế, nhất thiết công tác đảm bảo an ninh công cộng phải có kết quả tốt nhằm tạo ra một bầu không khí thái bình, trật tự, từ trong ngõ ra đến ngoài phố, công lộ...
Tuy nhiên, những vụ việc như vụ nổ ở Hà Đông, những vụ đâm chém, cướp giật hằng ngày ở các đô thị... lại không tạo ra cảm giác an toàn cho người dân.
Điều mà bí thư Thành ủy TP.HCM khuyến dụ Công an TP.HCM: “Nếu có sự quyết tâm cao của tất cả các lực lượng trong ngành công an, thì mục tiêu kéo giảm tội phạm trong vòng 3 tháng tới như lời hứa của giám đốc Công an TP là hoàn toàn có thể thực hiện được”, cũng là ao ước của chục triệu người dân TP này. Không chỉ săn bắt cướp mà còn là quản lý ngăn nắp các mặt của cuộc sống xã hội.
Lấy ví dụ vụ nổ ở Hà Đông: phải làm rõ cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm không để cho việc thu gom, tích trữ, sử dụng những vật liệu nổ như thế và đã xử lý trách nhiệm như thế nào? Bộ ngành nào, cơ quan, địa phương nào sẽ tiên phong cam đoan không để cho các vụ nổ tương tự xảy ra, vì đó thuộc chức trách của mình?
Đó chỉ là một ví dụ của an ninh công cộng, còn bao thứ an ninh khác nữa, như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn tiêm chủng, điều trị... mà rõ ràng là đang cần rất nhiều nỗ lực hơn nữa.
Trong những ngày hạn mặn của tháng 3 này, không thể không nói tới an ninh nước, an ninh năng lượng khi mà nguồn tài nguyên nước đã và còn bị ngăn chặn ở bên ngoài.
Liệu đã có đủ nhìn xa trông rộng và cương quyết, liêm chính để bảo vệ nguồn tài nguyên không thể thiếu được đó cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân?
Hạnh phúc vì không phải sợ khủng bố, tốt thôi, song còn lắm thứ an ninh khác nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận