23/12/2019 11:44 GMT+7

Hạnh phúc nở ở đồng bưng

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Có người cho rằng chàng kỹ sư trẻ bỏ tất cả để về cưới người vợ bại liệt sống cùng người mẹ mù ở đồng bưng nghèo khó sẽ không thể bền lâu. Nhưng hạnh phúc đôi lứa ấy vẫn đang làm thổn thức bao trái tim…

Hạnh phúc nở ở đồng bưng - Ảnh 1.

Đặng giờ là trụ cột nuôi cả gia đình ở quê nghèo - Ảnh: NAM TRẦN

Đã 10 năm từ ngày Nguyễn Văn Đặng, chàng kỹ sư ở TP.HCM bỏ việc ở công ty lớn để về kết duyên cùng người vợ bại liệt Nguyễn Thị Tuyết Mai nơi biên giới Việt Nam - Campuchia heo hút.

“Anh Đặng vừa là đôi chân vừa là trụ cột cho mẹ con em. Sống chung với nhau, chưa thấy ảnh nổi nóng lần nào. Đặng cứ ăn qua loa, em cố bắt ăn thêm thì ảnh chỉ cười, nói để cho vợ con.

TUYẾT MAI

Tình yêu đẹp như cổ tích

Con đường ven kênh biên giới Cái Cỏ giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng nay đã trải nhựa, không còn mịt mờ bụi khi những xe máy cày chở lúa đi ngang như trước. Ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Vĩnh Hưng, nơi vợ chồng Đặng dựng nên chuyện tình tuyệt đẹp, cũng đã thêm hơn chục căn nhà, xua đi cảnh hiu hắt ngày xưa.

Xóm đông dần, và chuyện "cổ tích giữa đồng bưng" của vợ chồng Đặng mà báo Tuổi Trẻ từng giới thiệu gần 5 năm trước vẫn tràn nguyên cảm xúc tốt đẹp, được người trong xóm nâng niu truyền kể.

10 năm trước, Đặng làm bảo trì máy cho một công ty lớn tại TP.HCM. Chàng kỹ sư 22 tuổi, cao hơn mét bảy, điển trai, hiền lành ngày ấy là điểm ngắm của nhiều nữ nhân viên cùng công ty.

Còn Nguyễn Thị Tuyết Mai hồi đó đang sống cùng mẹ trong cái chòi nát chừng 20m2 nương nhờ trên đất ruộng người khác ở biên giới Long An. Bà Tám, mẹ Mai, sau phẫu thuật cườm mắt nhưng không có tiền tái khám đã mù hẳn.

Đang tuổi thiếu nữ rực rỡ nhất thì Mai phát bệnh xuất huyết tủy, liệt cả hai chân. Cha Mai đưa vợ con từ Trà Vinh dạt về đây vì dễ tìm việc làm mướn, cũng đột ngột qua đời. Hai mẹ con một mù lòa, một bại liệt sống nương nhờ tình thương của những người xung quanh và lần mò trong chuỗi ngày u ám không thấy tương lai.

Tình cờ, một người bạn của Đặng về thăm bà con ấp Cây Me, biết chuyện mẹ con Mai nên thương tình cho cô chiếc điện thoại cũ với sim khuyến mãi để tiện bề liên lạc khi trái gió trở trời. Rồi người bạn ấy đem câu chuyện về kể cho Đặng.

Sau vài lần nhắn tin, Đặng xuất hiện giữa cuộc đời Mai khi cô đang bị mảnh dằm trên ván gỗ đâm gây hoại tử xương cụt. Hình ảnh cô gái trẻ gầy tong teo, ngồi bên người mẹ mù lòa trong căn chòi gỗ bơ vơ giữa xứ đồng bưng biên giới đã làm thay đổi cuộc đời chàng kỹ sư phố thị...

Hạnh phúc nở ở đồng bưng - Ảnh 3.

Bỏ ngang tất cả, Đặng về xin ý kiến bà nội mình ở Củ Chi (TP.HCM) để đến với Mai. Rồi tình yêu nảy nở, anh làm mâm cơm mời rượu những người đang làm ruộng quanh ấp Cây Me. Đặng trở thành cư dân biên giới, thành ánh sáng của hai mẹ con một mù lòa một bại liệt giữa bưng biền thăm thẳm...

Lúc chúng tôi gặp Đặng gần 5 năm trước, anh kỹ sư đã thành nông dân thứ thiệt, rành từng con nước chạy đồng, biết đặt lợp bắt cá, gặt lúa, chăn bò mướn... Nhưng lúc ấy Mai cũng đang sụt sùi bệnh tật. Phần xương cụt vì lết đi nhiều nên cứ nhiễm trùng.

Được chủ đất thương tình cắt luôn cho miếng đất, một nhà hảo tâm xây tặng căn nhà gạch bên chòi nát, nhưng Đặng cũng không có tiền để làm cửa sổ, lót nền.

Da Đặng cháy đen giữa đồng vẫn không xoay xở nổi tiền thuốc men cho vợ. Nhưng tình yêu thì vẫn tiếp diễn. Chuyện tình của Đặng và cô gái bại liệt vẫn tỏa ấm cánh đồng biên giới.

Giữa năm 2015, khi báo Tuổi Trẻ kể chuyện tình của họ, một nữ danh ca đã cầm tờ báo lặn lội tìm về ấp Cây Me thăm hỏi. Cô giúp Đặng lót thêm nền gạch sạch sẽ. Chòi gỗ hôm nào được dỡ thành căn bếp tươm tất phía sau.

Nhiều lần nữ danh ca còn về giúp Đặng đưa vợ lên TP.HCM chữa bệnh. Nhờ sự giúp đỡ tận tình này, vết nhiễm trùng của Mai đỡ hẳn. Rồi đôi lứa đón nhận niềm hạnh phúc tuyệt vời mà trước đó chưa từng dám mơ tưởng: được làm cha, làm mẹ.

Chào đón thiên thần bé thơ

Ngày bé Nguyễn Thị Tuyết Nhung ra đời, Mai khóc hết nước mắt, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi ẵm thiên thần bé thơ trong tay. Bao năm Mai muốn đi lại phải nhờ chồng cõng ẵm. Rồi ngày ngày cô giấu nước mắt thương chồng khi nhìn tay anh chi chít thêm sẹo để mang về con cua con cá nuôi sống gia đình.

Về với nhau, đôi lứa cũng nghĩ không thể có con được. Mai luôn dằn vặt bản thân vì không biết lấy gì đền đáp được tình yêu vô điều kiện của người chồng "trời ban". Chuyền tay đứa con cho Đặng, Mai nghẹn ngào với hạnh phúc vô biên...

Hạnh phúc nở ở đồng bưng - Ảnh 4.

Thiên thần bé thơ đã đem đến niềm hạnh phúc vô biên cho đôi lứa, dù Đặng sẽ phải vất vả hơn - Ảnh: NAM TRẦN

Bé Nhung cứng cáp, khỏe mạnh, ưa cười và chóng lớn. 10 tháng tuổi, cô bé đã bập bẹ tiếng ba, tiếng má, đã có thể đứng được và lẫm chẫm tập đi. Nhung kể con có kiểu ngồi lết mông để di chuyển giống mẹ.

"Con bé chưa bao giờ bò, nó ngồi, rồi học mẹ lết tới lết lui vậy đó", Đặng và Mai nhìn con bật cười. Khuôn mặt người cha một mình choàng gánh cả gia đình đã giãn ra nét âu lo, khắc khổ hằn sớm trên gương mặt tuổi 32.

Nhưng người lớn có thể rau cháo tạm qua ngày, còn trẻ con thì cần sữa để lớn. Cha mẹ nào có thể nhìn con mình đói khát. Nhà thêm miệng ăn, Đặng phải căng sức hơn trước. Cuộc sống nơi biên viễn vẫn khó trăm bề với chàng kỹ sư gốc thành phố. Đặng đã làm tất cả những gì có thể làm nơi đây để đem lại no ấm và tiếng cười hạnh phúc của gia đình mình.

Phong trào ương nuôi cá tra bột về vùng này, Đặng chưa kịp mừng vì có việc nuôi cá tra được trả lương ổn định thì chủ phá sản. Hơn 4 tháng làm việc, chủ cứ khất hoài cho đến khi mất biệt. Anh lại phơi nắng mưa ngoài ruộng đồng.

10 năm trước, Đặng mới về ấp Cây Me, cán bộ biên phòng từng điều tra gốc gác Đặng để đề phòng tội phạm nơi khác lẩn trốn về đây. Lúc đó chưa ai tin một kỹ sư đẹp trai ở thành phố sẽ gắn bó bền lâu với cô vợ bại liệt nơi biên giới hẻo lánh.

"Giờ thì các anh ấy biết và thân với mình hết" - Đặng tâm sự.

Mùa lũ rồi, cá mú cạn kiệt. Có lẽ ông trời lại muốn thử thách Đặng. Cặp bò con được một nhà hảo tâm tặng, Đặng chăm chút làm cả cái chuồng to để nuôi. Nhưng cặp bò béo múp chưa kịp trưởng thành hoàn toàn thì vừa rồi Đặng đành phải bán.

Tiền bán bò, việc đầu tiên là Đặng trích trả hết nợ cho hàng xóm. Số nợ ân tình đã giúp anh xoay xở lo gia đình trong những ngày làm thuê nuôi cá tra mà không được lương. Còn dư 15 triệu đồng, Đặng mua chiếc xe lôi máy ba bánh cũ về sửa sang lại để có thêm nghề chở bò thuê cho các trại bò mới mở trong vùng.

"Nhưng cái thùng sắt sau nhỏ vậy chỉ chở được bò con chứ sao chở được bò lớn?" - chúng tôi ngạc nhiên khi thấy xe Đặng mới sắm.

"Thì bởi vậy, mình lần đầu làm không có kinh nghiệm, giao thợ hàn làm xong về mới thấy không được. Đang tính sửa tiếp mà chờ tiền công mần ruộng mấy bữa nữa mới đủ" - Đặng lại cười.

Ngồi bên cạnh, Mai và bé con cười cùng chồng, cùng cha. Hạnh phúc tràn ngập ngôi nhà đơn sơ mà đẫm đầy yêu thương...

Bớt ăn để nhường vợ con

Mùa ruộng thì đi làm mướn, mùa mưa anh bắt cá. Đặng còn chạy đi chạy về trông chừng gia đình vì không yên tâm để vợ bại liệt cùng con nhỏ và người mẹ mù lòa ở nhà. Đặng tập luôn cả thói quen ăn ít, chỉ đủ sức để làm việc, còn thì "dành cho vợ con".

​Cổ tích giữa đồng bưng ​Cổ tích giữa đồng bưng

TT - Một chàng trai Sài Gòn là kỹ sư điện, tình cờ gặp một cô gái bại liệt cả hai chân, bị ung thư xương và đem lòng yêu thương.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên