19/03/2016 09:13 GMT+7

Hạnh phúc nảy mầm trong “ngôi nhà tối”

LÊ TRUNG - TẤN LỰC (letrung@tuoitre.com.vn)
LÊ TRUNG - TẤN LỰC ([email protected])

TT - Từ trong bóng tối cùng cực, nhân vật trong bài viết “Một người sáng nuôi 5 người tối” của Tuổi Trẻ cùng những thành viên trong gia đình đã vươn lên bằng nghị lực phi thường để thay đổi số phận nghiệt ngã.

Cả gia đình vui vẻ bên bữa cơm trưa - Ảnh: Tấn Lực
Cả gia đình vui vẻ bên bữa cơm trưa - Ảnh: Tấn Lực

“Dù cuộc sống gia đình của anh Bảy Bôn đôi lúc vẫn còn khó khăn vì vợ con mù lòa, nhưng ý chí và khát vọng vươn lên nghịch cảnh là điều mà người dân trong thôn ai cũng nể phục ở anh

Ông Nguyễn Đình Dũng (trưởng thôn Tân Lộc)

Hẳn bạn đọc Tuổi Trẻ vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây gần 13 năm về hoàn cảnh ngặt nghèo của ông Bảy Bôn, tên thật là Nguyễn Duy Hùng (thôn Tân Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam), nhân vật trong bài viết “Một người sáng nuôi 5 người tối” (Tuổi Trẻ ngày 26-12-2003).

Ông Bảy Bôn là người duy nhất trong nhà sáng mắt, làm lụng vất vả để nuôi vợ và . Từ trong bóng tối cùng cực, ông cùng những thành viên trong gia đình đã vươn lên bằng nghị lực phi thường để thay đổi số phận nghiệt ngã.

Bảy Bôn đổi đời

Bữa cơm trưa một ngày đầu năm mới ở căn nhà của ông Bảy Bôn rộn rã tiếng cười. Căn nhà u ám, xập xệ lúc trước giờ được xây mới khang trang. Hạnh phúc dần nảy mầm trong căn nhà, có thời gian được coi là “ngôi nhà tối”, do có quá nhiều người không nhìn thấy ánh sáng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu vườn nhà mình, ông Bảy Bôn hào hứng giới thiệu cơ ngơi gầy dựng từ những đồng tiền ủng hộ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ mà ông chắt chiu dành dụm hơn chục năm qua. Ngay đầu ngõ là nhà máy xay xát lúa gạo ông sắm được nhờ tiền bạn đọc trợ giúp.

Ông vui vẻ nói những ngày đầu cũng nhờ cái nhà máy gạo này mà có được chút tấm cám rơi vãi để nuôi heo. Đến nay đàn heo trong chuồng gần 20 con, mỗi năm ông xuất bán ba đợt thu được số tiền kha khá.

Có tiền, gia đình mở rộng nuôi thêm đàn bò bốn con, giao cho đứa cháu nội coi giữ. Không bằng lòng với những gì có được, ông tiếp tục nuôi thêm thỏ thịt. Nhờ chăm sóc chu đáo lại thêm giống thỏ mắn đẻ, hiện tại đàn thỏ đã hơn 20 con.

Thỉnh thoảng ông bán bớt vài đôi lấy tiền lo việc ăn uống trong nhà. Mỗi tháng thu nhập từ xay lúa gạo thuê, bán gia súc, gia cầm cũng đủ cho ông trang trải cuộc sống gia đình, nuôi cháu ăn học, không còn lo chạy vạy cái ăn như những năm trước.

Đưa chúng tôi vào gian nhà mới xây khang trang, nhấp ngụm trà, ông Bảy Bôn tự hào bảo gian nhà này được xây lên sau những năm chăm chỉ làm lụng tích cóp.

Nhìn lại cơ ngơi của mình, mắt ông rưng rưng xúc động: “Gia đình tôi có được những thứ này cũng nhờ tình thương của bạn đọc báo Tuổi Trẻ gần xa. Hồi đó bạn đọc, nhà hảo tâm dẫn các con tôi đi chữa mắt rồi còn hỗ trợ tiền cho tôi. Cũng nhờ đó mà gia đình mới có sinh kế làm ăn, thoát được đói khổ”.

Nhìn quanh những ngôi nhà khác trong xóm, chúng tôi thêm phần nể phục nghị lực của người đàn ông trạc tuổi lục tuần này. Tóc ông đã sớm bạc nhưng gia sản của ông hôm nay đủ làm bà con lối xóm ngưỡng mộ.

Đang bưng nồi cám cho heo ăn, bà Mai Thị Lộc (vợ ông Bảy Bôn) ngước cặp mắt trắng đục quay lại khi nghe tiếng bước chân của chúng tôi. Bà Lộc là người bị mù đầu tiên trong gia đình, rồi lần lượt các con cũng bị mù giống mẹ.

“Giờ suốt ngày tui ở nhà quần quật chăm sóc bầy heo, mấy con bò, đàn thỏ trong chuồng rứa đó. Nghĩ lại hồi xưa mà thấy mình giờ sướng gấp mấy lần. Hồi đó đói khổ quá, giờ tuy mù lòa nhưng cuộc sống thấy đủ đầy, gia đình đầm ấm” - bà Lộc khoe.

Chiếc máy xay lúa được mua từ tiền của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tấn Lực
Chiếc máy xay lúa được mua từ tiền của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tấn Lực

 

Cười trong bóng tối

Những người con của ông Bảy Bôn dù mắt không thể phục hồi sau nhiều lần phẫu thuật nhưng không vì thế mà họ để cuộc sống của mình rơi vào bóng tối. Ba cậu con trai của ông dù mù lòa nhưng vẫn miệt mài mưu sinh kiếm sống.

Cậu con trai thứ ba Nguyễn Công Thành (26 tuổi) xin làm cho một trang trại gà tại TP Tam Kỳ. Công việc hằng ngày của Thành là cho gà ăn và quét dọn vệ sinh chuồng trại. Thấy Thành siêng năng lại chịu khó, chủ trại rất thương nên thường hay giúp đỡ.

Hai người con còn lại là Nguyễn Ngọc Lan (38 tuổi) và Nguyễn Thật (23 tuổi) hằng ngày vẫn bôn ba trên từng con đường, góc phố ở Đà Nẵng, Tam Kỳ bán vé số phụ giúp cha mẹ. Nguyễn Thật chia sẻ nghề bán vé số với một người mù hoàn toàn như anh không hề dễ dàng.

Những ngày đầu đi bán anh phải tự sắm một cây gậy dò đường, lúc qua ngã ba ngã tư phải nhờ người dắt qua. Thật nói may mắn là ngoài xã hội vẫn còn nhiều người tốt sẵn sàng giúp đỡ nên từ ngày đi bán vé số tới nay chưa có ai lừa gạt mình.

“Mỗi ngày bán vé số mấy anh em kiếm được 50.000-70.000 đồng phụ với ba mẹ. Nhiều lúc đói lòng em vào quán cơm ăn xong là có người đứng ra trả tiền giúp, lại còn cho em thêm tiền nữa. Giờ thì cả TP Tam Kỳ đều quen em nên đi đâu cũng được giúp đỡ, vui lắm!” - Thật tâm sự.

Cháu nội Nguyễn Ngọc Phước với đôi mắt sáng là niềm hi vọng của cả gia đình - Ảnh: Tấn Lực
Cháu nội Nguyễn Ngọc Phước với đôi mắt sáng là niềm hi vọng của cả gia đình - Ảnh: Tấn Lực

Chị Nga (con gái đầu bị mù của ông Bảy Bôn) lấy chồng là anh Nguyễn Như Ngoan cũng là một người khuyết tật ở tay. Nhưng với tình yêu vợ thật thà, anh Ngoan tình nguyện làm đôi mắt cho vợ.

Hiện hai vợ chồng đã cất một căn nhà ở riêng trên giồng cát thôn Tân Lộc, mở trại nuôi gà vịt trang trải nuôi con. Dù cuộc sống vợ chồng chị Nga không dư dả là mấy nhưng suốt ngày ngôi nhà nhỏ trên giồng cát ấy luôn tràn ngập tiếng cười đùa của cô con gái 3 tuổi bé nhỏ.

“Những tưởng mình mù lòa sẽ ở vậy suốt đời nhưng đời còn may vì có anh ở bên chăm sóc, che chở và làm đôi mắt cho mình” - chị Nga xúc động.

Bà Lộc kể từ khi nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, gia đình bà luôn dành dụm, chắt chiu từng li từng tí, không dám tiêu xài hoang phí và tập trung đầu tư chăn nuôi kiếm lãi vì tiền đó là từ những tấm lòng hảo tâm.

“Thấy cuộc sống giờ đã đỡ hơn rất nhiều, bữa cơm nào của gia đình cũng đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ của mấy đứa con, đứa cháu” - bà Lộc bộc bạch.

Còn ông Bảy Bôn khoe với chúng tôi giờ nhà ông lại có thêm nhiều thành viên sáng mắt. Đó là chồng và con gái tròn 3 tuổi của chị Nga, thằng cu cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Phước (11 tuổi) là con trai của anh Lan.

Với ông Bảy Bôn, cháu Phước là hi vọng lớn nhất đời ông vì đôi mắt của cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Ông hi vọng sau này Phước có thể thay ông chăm sóc cho các cô, chú. Phước đang học lớp 5 Trường tiểu học Ngô Mây (xã Tam Tiến) và năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi.

Nhớ ơn người đọc báo

Theo ông Bảy Bôn, khi biết được câu chuyện về gia đình ông, hàng trăm bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã sẻ chia, hỗ trợ với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

“Hồi xưa cuộc sống của gia đình tôi thấy toàn bóng tối, giờ tươi sáng, đủ đầy hơn, đó là nhờ ơn bạn đọc Tuổi Trẻ. So với gia đình khác trong thôn mình cũng thấy không thua họ về đời sống, kinh tế dù họ hơn mình là cả nhà đều sáng mắt” - ông Bảy Bôn nói.

LÊ TRUNG - TẤN LỰC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên