16/02/2019 18:32 GMT+7

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Năm trước vợ chồng anh Hoàng Văn Hưng (36 tuổi, quê Quảng Bình) may mắn có được bé Hoàng Bảo Lâm sau bao năm mỏi mòn tìm kiếm. Vừa qua, niềm hạnh phúc ấy không dừng lại...

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hưng (36 tuổi) và chị Huỳnh Kim Huệ (29 tuổi, Q.12, TP.HCM) hạnh phúc khi có thiên thần bé nhỏ Hoàng Bảo Lâm (16 tháng tuổi) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cụ thể tết vừa qua niềm hạnh phúc ấy đã được nhân đôi khi họ đón nhận tin vui mới: Vợ anh, chị Huỳnh Kim Huệ, vừa mang thai hai tháng.

Vợ chồng anh Hưng, chị Huệ chỉ là 1 trong 86 cặp may mắn có con nhờ chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" được khởi xướng bởi GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, người khai sinh ra kỹ thuật IVF ( - TTTON) ở Việt Nam.

Từ chương trình này, nhiều sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời, tiếp thêm niềm hi vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trong hành trình "ươm mầm sự sống".

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh - Ảnh 2.

Bác sĩ Đặng Quang Vinh (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức)

Vì nguồn lực chưa cho phép, chúng tôi phải lựa chọn ưu tiên những hoàn cảnh cần thiết nhất và khó khăn nhất. Khi quyết định loại ra một bộ hồ sơ nào đó khiến chúng tôi cảm thấy nặng nề vô cùng

Bác sĩ ĐẶNG QUANG VINH (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức)

Chuyện tình kết trái

Gia đình nhỏ của vợ chồng anh Hưng là một nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP.HCM.

Vợ chồng anh gặp nhau và nên duyên tại Matxcơva (Nga) xa xôi, nơi họ mưu sinh bằng nghề bán buôn quần áo, làm móng.

Ba năm sau cả hai về nước tổ chức đám cưới. Nhưng mơ ước có con càng trở nên xa vời khi nhiều năm chị Huệ vẫn không có thai, trong khi bác sĩ khẳng định cả hai đều "ổn".

Lần đầu tiên hai vợ chồng bàn nhau đến bệnh viện để bơm tinh trùng. Thật may chị Huệ có thai. Đó là thời khắc đầu tiên chị cảm nhận được thiên chức làm mẹ sau nhiều năm chờ đợi.

Tưởng rằng mọi thứ đều ổn thì đến tuần thứ 8 anh chị lại đón nhận cú sốc. "Bác sĩ siêu âm rất lâu, vẻ mặt nghiêm trọng quay qua hỏi tôi có từng đau bụng hay ra huyết không. Rồi lắc đầu nói thai trong bụng đã ngừng phát triển".

"Tôi nằm chết lặng trên giường, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn chảy" - chị Huệ rưng rưng nước mắt kể.

Dẫu đó là sự thật nhưng cả anh Hưng và chị Huệ chẳng ai chịu tin. Anh giấu nỗi tuyệt vọng cố an ủi vợ "chắc máy siêu âm sai". Quãng đường từ bệnh viện về nhà hôm ấy của hai vợ chồng gần lắm nhưng sao nặng nề và dài vô tận.

"Hi vọng rồi tuyệt vọng. Khi nghe vợ tôi có thai, cả hai bên nội ngoại mừng lắm, vậy mà..." - bỏ lửng câu nói, anh Hưng bảo rằng tháng ngày ấy dù rất nặng nề nhưng vợ chồng anh vẫn có một niềm tin sẽ có con, dù có điều gì xảy ra cả hai người vẫn nắm chặt tay nhau bước tiếp.

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh - Ảnh 4.

Bé Bảo Lâm ngày được các bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức mổ sinh ra ở trên đời, ngày 15-10-2016 - Ảnh: NVCC

Nghỉ ngơi một thời gian lấy lại tinh thần, vợ chồng tiếp tục hành trình tìm con. Lần này anh chị đến một phòng khám tư để bơm tinh trùng. Dù khá tốn kém nhưng cả hai lần bơm đều thất bại.

Thế rồi hi vọng cuối cùng như lóe lên khi hồ sơ của vợ chồng anh "lọt" qua vòng xét duyệt của chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" mùa 3 của Bệnh viện Mỹ Đức.

Điều này đồng nghĩa với việc anh chị sẽ được thụ tinh miễn phí. Trong lúc tinh thần suy sụp, tiền bạc dành dụm tìm con dần cạn kiệt, việc được hỗ trợ sinh sản miễn phí như chiếc phao cứu vớt cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ.

Một tháng sau ngày duyệt hồ sơ, chị Huệ được tận tay bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (con gái của GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng) cấy phôi. Đến khi nghe kết quả siêu âm, cả hai không tin nổi tai mình bởi không chỉ đậu thai, lần này họ có hẳn thai đôi.

Dù biết chắc có thai nhưng quá ám ảnh với những lần thất bại trước đó, chị Huệ bảo rằng cứ mỗi lần siêu âm là một lần chị như... rớt tim.

"Đó là lúc chỉ nghe được một tim thai đập, siêu âm tới lần thứ 4 mới tìm được tim thai còn lại nhưng đập khá yếu". Và điều anh chị lo lắng vẫn xảy ra, sự sống của một thai nhi chỉ kéo dài đến 11 tuần thì ngừng hẳn.

Sau cú sốc này, anh Hưng "ra lệnh" cho chị Huệ không được làm bất cứ việc gì, chỉ việc nằm xem phim hài để tâm trạng luôn được vui tươi. Thế rồi sợ "đêm dài lắm mộng", khi thai tròn 37 tuần vợ chồng anh xin bệnh viện mổ "bắt" cậu con trai trước ngày dự sinh 3 tuần.

"Chỉ khi nghe tiếng con khóc oe oe, vợ chồng tôi mới tạm yên tâm chút ít. Đó là thời khắc thật đặc biệt, tôi không thể nào quên" - anh Hưng nói.

Sau lần đầu tiên thụ tinh thành công, mới đây anh chị tiếp tục cấy phôi và may mắn nhận tin đậu thai - chấm dứt chuỗi ngày tìm con trong vô vọng.

Trải qua bao biến cố nhưng khi nhìn lại hành trình đã đi qua, chị Huệ nói mình là người hạnh phúc nhất bởi bên cạnh chị là một người chồng, một gia đình tuyệt vời. Giờ đây Hoàng Bảo Lâm chính là "bảo vật núi rừng" như chính tên gọi của bé.

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh - Ảnh 5.

Chị Huỳnh Kim Huệ hạnh phúc khi có thiên thần bé nhỏ Hoàng Bảo Lâm 16 tháng tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mầm sống nối tiếp

GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người khởi xướng chương trình này, cho biết có một hình ảnh khiến bà không thể nào quên. Đó là những cặp vợ chồng hiếm muộn quê ở tận miệt vườn miền Tây, họ đa số rất nghèo.

"Khi lên bệnh viện, họ nói phải bán từng đàn heo, bán đất, cầm cố nhà cửa và nhiều tài sản khác để có tiền điều trị tìm kiếm một đứa con. Với chuyên môn của mình, tôi thấy xót xa lắm" - bác sĩ Phượng ngậm ngùi kể lại.

Từ khi còn công tác ở Bệnh viện Từ Dũ, bà thường dặn dò các bác sĩ, nữ hộ sinh để ý những cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm tìm cách giảm tối đa chi phí cho họ như không thu tiền làm kỹ thuật hoặc đi xin thuốc.

Bác sĩ Phượng bảo rằng TTTON là kỹ thuật cao, chuyên sâu nhưng mong muốn của bà là khi áp dụng không chỉ phục vụ người có tiền mà những người nghèo họ phải có cơ hội tiếp cận, có quyền sinh con để được làm cha, làm mẹ.

"Do đó ý tưởng của tôi là tổ chức thành một chương trình hẳn hoi làm mỗi năm từ nguồn lực đơn vị, từ tiền đóng góp của bác sĩ, nhân viên để hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nghèo được phần nào hay phần đó" - bà Phượng nói.

Còn bác sĩ Đặng Quang Vinh - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức - nói rằng khi triển khai chương trình "Ươm mầm hạnh phúc", đơn vị đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất để TTTON cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Nhờ đó tỉ lệ đậu thai khá cao, có nhiều trường hợp có con và tiếp tục quay lại cấy phôi để có thêm những đứa con tiếp theo.

Dù giúp được rất nhiều trường hợp nhưng bác sĩ Vinh bảo rằng luôn cảm thấy "áy náy" bởi đơn vị chỉ có thể đồng hành với một số lượng khiêm tốn do nguồn lực chưa cho phép.

Đến nay ngoài những "mầm sống" chào đời từ chương trình, điều mà ông Vinh nói cảm thấy hạnh phúc hơn cả là sự lan tỏa tình cảm của cộng đồng, trong đó có cả những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Mới đây một phụ nữ làm nghề kinh doanh quần áo ở chợ Tân Bình, có được đứa con từ chương trình, xin được đóng góp 200 triệu đồng để hỗ trợ các cặp vợ chồng khác.

Rồi có nhiều bà mẹ đã lập nên các nhóm, hội "IVF" trên mạng, họ trở thành những "tình nguyện viên" tiếp thêm sức mạnh cho các cặp vợ chồng trên bước đường tìm con đầy gian nan nhưng vô cùng hạnh phúc.

86 mầm sống

vô sinh

Chị Huỳnh Kim Nhã, 31 tuổi, ở Vị Thanh, Hậu Giang. Sau bao năm chờ đợi đã có bầu khi tham gia chương trình Ươm mầm hạnh phúc - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Đặng Quang Vinh cho biết mục tiêu của chương trình là hỗ trợ kinh phí điều trị cho những trường hợp đã có chỉ định TTTON nhưng chưa thực hiện được do chưa đủ điều kiện kinh tế.

Khi được chọn tham gia chương trình, các cặp vợ chồng được theo dõi điều trị IVF hoàn toàn miễn phí ở các khâu gồm thuốc kích thích buồng trứng, thuốc chuẩn bị niêm mạc tử cung, thuốc hỗ trợ hoàng thể, chi phí chọc hút trứng, tạo phôi - nuôi cấy phôi, trữ lạnh phôi, chuyển phôi đông lạnh... cho đến khi có thai được 7 tuần hoặc hết phôi trữ lạnh.

Với sự hỗ trợ này, mỗi cặp vợ chồng có thể tiết kiệm được 80 - 100 triệu đồng/lần thụ tinh.

Bắt đầu từ năm 2014, đến nay chương trình đã bước sang mùa thứ 5 với 621 hồ sơ của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn cả nước gửi về. Tuy nhiên chỉ có 167 hồ sơ đáp ứng đủ các tiêu chí được chọn TTTON.

Từ đó đến nay đã có 80 bé chào đời và 6 sản phụ đang mang thai chờ sinh.

Nên có BHYT chi trả

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, tỉ lệ vô sinh hiếm muộn hiện nay ở nước ta tuy chưa cao so với một số nước trong khu vực nhưng đáng báo động. Ngoài yếu tố di truyền, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể do lối sống, ăn uống, hút thuốc, nhậu nhẹt...

Hiện nay ở Pháp, các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đều được quỹ BHYT chi trả cho 3 lần làm IVF đầu tiên, sau 3 lần người bệnh phải chi trả một khoản tiền thuốc... Do đó, bà Phượng đề xuất nước ta nên có chính sách BHYT hỗ trợ sinh sản, chi trả cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn như thế.

"Mặc dù chi phí IVF ở nước ta thấp nhất trên thế giới nhưng vẫn cao so với thu nhập của người nghèo. Nếu được chi trả chắc chắn có khoảng 70% cặp vợ chồng có thai" - bà Phượng chia sẻ.

Bác sĩ Phượng còn mong muốn ở mỗi tỉnh thành nên có một trung tâm IVF để người bệnh khỏi phải tốn chi phí đi lại, ăn ở điều trị dài ngày.

"Để làm được điều này cần đào tạo được ngày càng nhiều bác sĩ trẻ có thể thực hiện được những kỹ thuật IVF thật tốt. Việc đào tạo không chỉ về mặt kỹ thuật mà quan trọng phải truyền được cho các em lòng nhân ái, biết thương yêu, lo lắng cho bệnh nhân một cách thật tình nhất" - bà Phượng nói.

Hạnh phúc không dừng lại từ nỗi đau tuyệt vọng vô sinh - Ảnh 10.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đừng dừng lại nếu khó khăn

hiếm muộn

Vợ chồng anh Ngọc Thành và chị Lê Thị Bình (ngụ TP Thủ Đầu Một, Bình Dương) bên bé Ngọc Phúc Thịnh sau 7 năm trời tìm kiếm gian nan - Ảnh: HỮU THUẬN

Hơn một năm nay, gia đình anh chị Nguyễn Văn Niên, Nguyễn Thị Mai Thanh ở Thanh Hóa sống trong niềm hạnh phúc lâng lâng. Chị Thanh bảo chị vui lắm, nhiều đêm con ngủ rồi, vợ chồng chị ngồi ngắm con mà

cứ không tin niềm vui này là thực, em bé này là thực, sinh ra từ máu thịt của anh chị, hai vợ chồng nông dân nghèo ở Thanh Hóa.

"Chúng tôi lấy nhau năm 2009, nhưng chờ mãi không thấy có tin vui. Hai vợ chồng có vài sào ruộng, chăn nuôi thêm chút ít, cứ có dư đồng nào chúng tôi lại đi chạy chữa tìm con. Nhưng tiền không có nên chỉ có thể chữa thầy lang, thuốc nam, nhưng gần 8 năm vẫn vô vọng" - chị Thanh kể.

Một ngày, người họ hàng của gia đình sống ở Hà Nội biết tin Bệnh viện Bưu Điện có gói hỗ trợ 30 triệu đồng cho các gia đình hiếm muộn nghèo và gọi về cho anh chị. Nghe thông tin ấy buổi sáng thì buổi chiều anh chị lo xong các loại thủ tục, ra Hà Nội luôn.

Họ bắt đầu quá trình khám, xét nghiệm, lấy trứng, tạo phôi..., chị Thanh đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên và cuối năm 2017, bé trai Nguyễn Văn Quốc Bảo chào đời mạnh khỏe, là niềm vui của cả gia đình.

Câu chuyện của gia đình Bảo là một trong hàng chục câu chuyện của các gia đình hiếm muộn đã được hỗ trợ và có cái kết viên mãn trong năm qua.

Theo điều tra duy nhất trên diện rộng thực hiện ở VN từ trước tới nay, tỉ lệ gia đình vô sinh ở VN chiếm khoảng 7%. Tuy nhiên sau hơn 20 năm thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đã có hàng chục ngàn trẻ em ra đời nhờ phương pháp này.

Các bác sĩ VN cũng đã thành công ở những ca rất khó với tỉ lệ thành công nói chung trên 30%. Có gia đình lần một chưa đậu, đến lần hai, thậm chí lần ba, bốn mới đậu thai. Đã có sản phụ trên 60 tuổi sinh con nhờ hỗ trợ sinh sản ở VN.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế và cũng là chuyên gia về hỗ trợ sinh sản, tỉ lệ thành công trong điều trị hỗ trợ sinh sản ở VN là tương đương so với thế giới. "Các gia đình nếu có khó khăn, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ, hãy luôn hi vọng" - ông Tiến nói.

Cuối năm 2019 này, anh chị Niên - Thanh sẽ quay lại Bệnh viện Bưu Điện một lần nữa. Họ có 10 phôi đang gửi ở đây và dự kiến sẽ trở lại để mong bé Bảo sẽ có em.

Từ những "em bé đông lạnh" đang gửi ở bệnh viện, một ngày nào đó sẽ có một em bé bằng xương bằng thịt được hoài thai 9 tháng 10 ngày và trở về quê hương Thanh Hóa với bố mẹ.

Kỹ thuật y khoa kỳ diệu đã mang những điều kỳ diệu đến với cuộc sống của gia đình anh chị. Một mùa xuân mới đã về.

LAN ANH

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên