Toàn cảnh phiên giải trình sáng 15-11-2019- Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình. Tham dự phiên giải trình có phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng đại diện các sở, ban, ngành.
Khách tiếp tục bỏ xe buýt
Báo cáo giám sát về vấn đề này, trưởng ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên nêu lên thực trạng đáng lo ngại khi 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá ước đạt hơn 131 triệu lượt, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ mới đạt 51% kế hoạch năm 2019.
Ông Trương Trung Kiên trình bày báo cáo giám sát về xe buýt - Ảnh: TỰ TRUNG
“Sản lượng hành khách giảm có nguyên nhân chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, kéo dài giản cách tuyến, hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động”- ông Kiên phân tích.
Cũng theo ông Kiên, năm 2019, kinh phí trợ giá được UBND TP giao 1.000 tỉ đồng. Với tình hình khách giảm, bộ đơn giá cũ, cách tính trợ giá khiến đơn vị vận tải luôn bù lỗ.
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ băn khoăn khi giai đoạn 2013-2018 khách đi xe buýt giảm mạnh và đến giai đoạn 2019-2023 lượng hành khách này sẽ càng có xu hướng giảm sâu. Nếu không có giải pháp để xoay trở thì tình hình vận tải công cộng bằng xe buýt của TP.HCM sẽ thật sự vô cùng khó khăn.
Tài xế xe buýt Trần Văn Hùng chia sẻ về những khó khăn trong công việc- Video: TỰ TRUNG
Bà Tống Thị Thu Thanh - HTX Vận tải Quyết Thắng - nêu thực tế: “Càng giảm chuyến, giảm tuyến thì càng mất khách vì khách phải chờ lâu. Ngay đến sinh viên nghèo tưởng chừng như sẽ luôn ủng hộ xe buýt thì nay sinh viên đi xe buýt cũng giảm. Khi nghe nói làm xe buýt cho dân văn phòng đi, ban đầu chúng tôi kỳ vọng ghê lắm nhưng khi tuyến 35 ra đời chạy lòng vòng quận 1, quận 2 cũng chẳng có ai đi”.
Muốn hút khách phải cạnh tranh
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy hiến kế phát triển xe buýt - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng người dân TP không chọn xe buýt có lý do vì phương tiện chưa được cải tiến nhiều, chất lượng phục vụ chưa cao. Muốn hút khách không còn cách nào khác phải nâng chất lượng phục vụ.
Về phía tài xế, họ lái xe liên tục 6 giờ mỗi ngày với mức lương 500.000 đồng/ngày. Áp lực đối với lái xe buýt quá lớn mà đãi ngộ hạn chế dẫn tới quá trình phục vụ sẽ bị ảnh hưởng. Ông Quang đề nghị phải quảng bá nhiều hơn App dành riêng cho khách đi xe buýt.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng nên nghiên cứu trợ giá đầu ra chứ không phải đầu vào. Có thể nghiên cứu trợ giá theo quý, căn cứ trên tổng số khách, thị trường, tùy đối tượng hành khách, tuyến đường. Nếu trợ giá như vậy chúng ta tránh lãng phí, tăng cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ. Các đơn vị này sẽ phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh.
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu đề nghị nên cho hành khách chấm điểm xe buýt - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu đưa ra một ví dụ: “Bây giờ, đến một chị bán hàng rong ngoài đường còn biết trang bị phương tiện để khách mua hàng có thể thanh toán điện tử. Xe buýt cũng vậy, chúng ta có thể tạo sự tiện lợi để tối đa hóa tiện ích. Nên tiến tới tất cả phương thức thanh toán điện tử nào cũng có thể thực hiện trên xe buýt chứ không riêng gì vé điện tử”.
Theo ông Hiếu, với các tuyến tốt, giờ tốt, TP nên đấu thầu để các HTX, doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia. Doanh nghiệp nhà nước và ngân sách chỉ nên tham gia bù đắp vào những tuyến xấu, giờ xấu.
Về giải pháp tăng sự cạnh tranh giữa các đơn vị, ông Hiếu đề xuất: “Cán bộ công chức đang được người dân chấm điểm về thái độ, kết quả phục vụ thì thiết nghĩ ngành giao thông cũng nên áp dụng cách này: để hành khách chấm điểm phục vụ của tài xế, nhân viên các tuyến xe buýt”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận