06/10/2018 13:49 GMT+7

Hành động trước khi quá muộn

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Trong khi chờ đợi liệu pháp chữa trị ung thư tiếp tục hoàn thiện hiệu quả, Việt Nam rất cần phải có chương trình hành động để phòng chống căn bệnh này.

Hành động trước khi quá muộn - Ảnh 1.

Phòng bệnh của bệnh nhi ung thư tại BV Ung bướu TP.HCM - Ảnh: TTO

Một người bạn tôi lại mới ra đi vì bệnh quái ác. Anh 43 tuổi, nhưng không thể đợi thành tựu y tế cứu mình.

Vợ anh đến giờ vẫn khóc thương chồng. Hai con thơ thì một bé mới xong tiểu học, một bé vừa lẫm chẫm biết đi, cứ bi bô hỏi sao mãi không thấy cha về bế ru con ngủ.

Đến giờ, tôi cũng không thể nhớ mình có bao nhiêu người thân gia đình hay bạn bè, chòm xóm qua đời vì ung thư. Quá nhiều!

Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo 18 triệu ca bệnh ung thư mới và gần 10 triệu ca tử vong. Hiện trạng ung thư VN đứng 78 trong 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỉ lệ tử vong vì ung thư cao.

Đáng lo là ca ung thư mới ở VN đã tăng từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 người vào năm 2010, và dự báo còn tăng 200.000 ca năm 2020. Mỗi năm, VN có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức mỗi ngày 315 ca, và người bệnh ngày càng trẻ hóa.

Đặc biệt, WHO cũng vừa công bố ung thư gan là 1 trong 5 loại ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất với 782.000 ca mỗi năm. Và VN thuộc nhóm nước bị ung thư gan cao nhất thế giới với tỉ lệ 23,2 người mắc bệnh trên 100.000 dân.

Giải Nobel y học năm nay mở ra nguyên lý chữa trị mới căn bệnh hiểm ác với hệ thống miễn dịch, như tia sáng cuối đường hầm của bệnh nhân nan y này. Hình như, có những ánh mắt sáng lên một chút hi vọng.

Trong khi chờ đợi liệu pháp chữa trị ung thư tiếp tục hoàn thiện hiệu quả, VN rất cần phải có chương trình hành động để phòng chống căn bệnh này.

Thứ nhất, phải tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có thể tầm soát và chữa trị sớm. Bởi giới y học khẳng định ung thư tuy hiểm nghèo, nhưng có thể chữa trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.

Thực tế cơ sở y tế chữa trị cho người dân VN đang bị quá tải hết sức nghiêm trọng. Bệnh nhân xếp hàng khám ung thư từ rạng sáng đến chiều vẫn chưa tới nổi lượt mình. Thậm chí, rất nhiều ca bệnh phải chờ đợi hàng tháng mới được đặc trị.

Trong khi số giường bệnh cũng bị quá tải gấp nhiều lần, gây khốn khổ cho người dân.

Thứ hai và gốc rễ vấn đề là phải quyết liệt hành động (chứ không chỉ nói) để giảm thiểu các nguồn độc hại gây bệnh.

Thời gian qua, nhiều giới chức chuyên môn đã khẳng định hiện trạng môi trường không khí, nước ô nhiễm; thức ăn tồn dư hóa chất độc hại, và vật dụng nhập khẩu có chứa chất gây ung thư tràn lan...

Nhưng làm gì để loại trừ được các nguồn gây bệnh nan y đó thì vẫn phải còn chờ đợi, trong khi ung thư đang ngày càng hoành hành và trở thành hiểm họa vào từng nhà dân.

Người Việt có câu nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Hãy hành động vì sức khỏe người dân trước khi quá muộn!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên