15/12/2018 09:35 GMT+7

Hành động để học sinh hạnh phúc

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Hai tọa đàm cùng một chủ đề: hạnh phúc của học sinh, hành động của giáo viên đã diễn ra trong cùng ngày 14-12 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.

Hành động để học sinh hạnh phúc - Ảnh 1.

Tọa đàm "Áp lực của giáo viên: nguyên nhân và giải pháp" diễn ra tại Hà Nội ngày 14-12 - Ảnh: VĨNH HÀ

Đây là khởi đầu cho những nỗ lực của Bộ GD-ĐT để đồng hành cùng giáo viên, giảm bớt những câu chuyện đau lòng do sai lầm trong hành xử của giáo viên thời gian qua.

"Dù chính sách giáo dục đã có nhiều điều chỉnh tạo điều kiện hơn cho giáo viên, nhưng ở những vùng khó khăn, giáo viên vẫn còn vất vả, thiếu thốn. Trách nhiệm của bộ là phải lắng nghe tham mưu của các nhà giáo. Sau đây tôi cũng sẽ tiếp tục đến những vùng khó khăn nhất để có cái nhìn tổng thể, thực tế, hiểu áp lực của thầy cô".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Nỗi sợ mang tên điểm số

Tại buổi tọa đàm tại TP.HCM, ông Lê Thanh Long - trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Cần Thơ - đã kể về một kỷ niệm không vui trong cuộc đời đi học của mình mà ông không bao giờ quên: "Đó là giờ trả bài - thời khắc nặng nề nhất khiến chúng tôi lúc ấy ai cũng run sợ. Nhất là lúc thầy cô rà cây bút lên danh sách lớp là tim tôi đập thình thịch, sợ kêu đến tên mình.

Bởi nếu trả bài không thuộc thì đến cuối học kỳ cũng chưa "gỡ" được. Lúc ấy tôi đã ước giá như học sinh không phải trả bài thì chắc đi học sẽ vui hơn nhiều, thoải mái hơn nhiều".

Đồng cảm với suy nghĩ trên, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết - phó trưởng phòng phụ trách Phòng tiểu học, Sở GD-ĐT Bình Dương - cũng cho rằng: "Con gái chúng tôi siêng học bài hơn các bạn nam nhưng thời đi học, tôi cũng rất ngán giờ trả bài.

Bây giờ làm việc trong ngành giáo dục tôi mới nhận ra hình thức trả bài đầu giờ - bắt học sinh học thuộc lòng đã gây áp lực, gây ức chế và tước đi niềm vui khi đi học của các em học sinh".

Hành động để học sinh hạnh phúc - Ảnh 3.

Thầy Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc, TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: H.HG.

Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều cho rằng học sinh ngày nay đang phải chịu quá nhiều sức ép từ gia đình và nhà trường. Cô Trần Thị Thu Ngân - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM - thừa nhận: "Vào mùa thi, hầu hết các bậc cha mẹ đến đón con đều hỏi: Con có làm bài được không? Con nhắm được bao nhiêu điểm?

Phụ huynh nào cũng mong con em mình học giỏi, đạt điểm cao. Tôi là một người mẹ, tôi cũng mong như thế. Sự mong mỏi ấy đã vô tình gây áp lực đối với học sinh bởi không phải tất cả học sinh đều có thể học giỏi. Nếu các bậc cha mẹ bớt kỳ vọng vào con sẽ giảm áp lực được rất nhiều cho các em".

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các cộng sự đã công bố kết quả điều tra trên 181 học sinh THCS khối 6, 7, 8 với câu hỏi: "Học sinh cần thế nào mới cảm thấy hạnh phúc khi đến trường mỗi ngày?".

Các em đã lựa chọn 10 điều mong đợi. Trong đó 92,8% học sinh mong cô giáo cười nhiều hơn; 84% mong thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi em làm sai; 82,4% mong thầy cô đừng phê bình mình trước mặt bạn bè và nhiều người; 82,4% mong thầy cô tổ chức học tập xen kẽ với vui chơi, trao đổi và thảo luận...

Giáo viên cần "sức đề kháng"

Hành động để học sinh hạnh phúc - Ảnh 4.

Thầy Nguyễn Văn Hòa (chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: V.HÀ

Buổi tọa đàm ở Hà Nội tập trung nhiều vào những áp lực đối với giáo viên. Thầy Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - cho rằng ngay từ nơi đào tạo sư phạm đến trường phổ thông, cần tạo cho giáo viên "sức đề kháng" với những vấn đề khác nhau, những tình huống khác nhau cần giải quyết để giáo viên có năng lực xử lý các vấn đề trong quá trình dạy học, giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Hòa cũng bày tỏ quan điểm từ thực tế giáo dục đã trải qua cho thấy ở bậc phổ thông hiện nay, dạy người không phải dạy để có điểm số cao, để có thành tích, được giải nọ, giải kia mà phải giúp học sinh phát triển nhân cách, có những kỹ năng để bước vào cuộc sống.

Người thầy không phải chỉ làm công việc dạy kiến thức mà điều cần hơn cả là phải trở thành một nhà giáo dục, một người có khả năng truyền cảm hứng cho học sinh.

"Tôi nghĩ đào tạo giáo viên chỉ để dạy cho đúng yêu cầu của chương trình - sách giáo khoa thì dễ, nhưng đào tạo những giáo viên để có thể giáo dục nhân cách học sinh, truyền cảm hứng cho học sinh thì mới khó và mới cần làm hơn. 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi và cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý" - thầy Hòa nói.

Nhiều ý kiến tại cuộc tọa đàm ở Hà Nội đã nêu lên những bất cập khiến giáo viên phải làm nhiều việc, chịu những soi xét không đáng có. Ví như việc tuân thủ quy định về ghi chép sổ sách, tham gia các cuộc thi, chịu áp lực về thành tích.

Về điều này, ngay tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT phải rà soát ngay để cắt giảm các quy định hành chính phiền hà, gây áp lực cho giáo viên, không đưa ra chỉ tiêu thi đua khiến giáo viên chịu áp lực phải thực hiện đối phó.

Chọn nghề không yêu, làm nghề không hiểu...

Thầy Nguyễn Đức Sơn, trưởng khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề cập đến một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là nhiều người chọn nghề giáo nhưng lại thiếu định hướng giá trị nghề nghiệp. Chọn nghề mà không yêu thích, làm nghề mà không hiểu rõ công việc của mình khiến áp lực vốn có càng dễ gia tăng.

Bất cập là ngay từ công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm vẫn chỉ dựa trên kỹ năng, kiến thức môn học, mà không hề quan tâm đến đánh giá tư chất của thí sinh thế nào, xem các em có phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp này hay không.

"Ở nhiều nước, tuyển sinh còn yêu cầu viết bài luận. Điều này cũng chưa rõ có thể đánh giá được bao nhiêu phần trăm thiên hướng, tư chất của thí sinh phù hợp với nghề nghiệp, nhưng ít nhất đó cũng là kênh thông tin để nhà trường biết thí sinh chọn nghề này vì cái gì. Vì vậy, thời gian tới, các đề án tuyển sinh sư phạm cần quan tâm đến công cụ nào đó để đánh giá được thí sinh có tư chất phù hợp với nghề giáo hay không" - ông Sơn phân tích.

Lắng nghe ý kiến về đào tạo sư phạm, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong năm tới nên đi đầu trong việc nghiên cứu việc đổi mới tuyển sinh. Nếu các trường kỹ thuật coi tiêu chí điểm số đầu vào là số 1 thì trường sư phạm cần có những tiêu chí về phẩm chất phù hợp nghề nghiệp sau này.

"Tôi lấy ví dụ như giáo viên mầm non điểm cao hay thấp không quan trọng bằng phẩm chất cô giáo là yêu trẻ, kiên trì, biết cách giáo dục cho trẻ con, tình yêu thương, hình thành nhân cách tốt" - ông Nhạ bày tỏ quan điểm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng Cục Nhà giáo và các vụ, cục của bộ khi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần chú ý đến các bài học xử lý tình huống để giáo viên có những kỹ năng ứng xử phù hợp.

Đào tạo 8.000 hiệu trưởng thay vì đào tạo 80.000 giáo viên

Thầy Nguyễn Văn Hòa (chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng hãy đào tạo 8.000 hiệu trưởng giỏi thay cho việc đào tạo 80.000 giáo viên. Vì hiệu trưởng sẽ giúp bộ trưởng đào tạo giáo viên chứ Bộ GD-ĐT không thể đào tạo xuể giáo viên giỏi để đáp ứng yêu cầu giáo dục.

"Muốn thay đổi diện mạo chất lượng giáo dục ở các nhà trường thì hiệu trưởng phải là "thầy hiệu trưởng" chứ không phải là "anh hiệu trưởng", có nghĩa đó phải là người thầy thực sự của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường, phải hơn giáo viên về năng lực, tầm nhìn, phải có nhân cách để giáo viên tin tưởng và được truyền cảm hứng", thầy nói.

Còn thầy Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc, TP.HCM), cần xóa bỏ ngay quan niệm: người thầy chính là nguồn gốc kiến thức của học sinh. Ngày nay, học sinh có thể tìm hiểu kiến thức từ nhiều kênh thông tin khác nhau chứ không chỉ ở ông thầy. Giáo dục thế kỷ 21 là ông thầy làm nhiệm vụ định hướng, nâng đỡ, dẫn đường... cho học sinh chứ không chỉ là người truyền đạt kiến thức cho các em.

Vì sao học sinh không hạnh phúc khi đến trường?

TTO - Đây là câu hỏi được đặt ra tại tọa đàm 'Hành động vì hạnh phúc của học sinh' do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức chiều 14-12.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên