Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trao giải nhất (nhóm tuổi từ 15 - 30) cho tác giả Lê Hồng Mận - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở ước mơ, không chỉ ngồi nghĩ ra giải pháp, những tác giả bước vào vòng chung khảo đã, đang từng ngày hành động để góp phần biến kỳ vọng thành hiện thực.
Trao quyền tự quyết không có nghĩa là thả lỏng con. Chúng ta phải tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, không áp đặt con phải sống như thế nào. Cha mẹ là giảng viên đại học nhưng con cái hoàn toàn có thể không theo con đường học thuật mà theo kinh doanh chẳng hạn |
LÊ HỒNG MẬN |
Góp sức cho bức tranh tươi sáng
Hai phụ nữ - hai người mẹ mang đến cuộc thi hai ước mơ giản dị mà đầy yêu thương cùng những nỗ lực từng ngày để góp dần từng nét vẽ vào bức tranh ngày mai cho các con, ngày mai cho gia đình, ngày mai cho đất nước đã chinh phục được ban giám khảo để giành hai giải nhất của cuộc thi.
Đó là tác giả Lê Hồng Mận, 26 tuổi, với kỳ vọng về Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết (giải nhất của nhóm tuổi 15 - 30) và tác giả Song Phương, 37 tuổi, với ước mơ cho đất nước (giải nhất của nhóm tuổi trên 30).
“Với tôi, đây hoàn toàn không phải ước mơ viển vông. Trên thực tế, nhóm chúng tôi (gồm 5 gia đình) đã áp dụng. Chúng tôi không đặt nặng kết quả học tập ở trường, không bắt con học “hết chữ” trong sách mà hướng đến khả năng tư duy và năng khiếu của con mình nhiều hơn”, tác giả Lê Hồng Mận bày tỏ. Chưa dám nói là thành công, nhưng nhóm các chị đang có thành quả ban đầu: những đứa con tự tin, vui vẻ, phát triển đúng với năng khiếu của chúng.
Và chị Mận say sưa phác thảo dự án để không chỉ các con trong nhóm của chị mà nhiều đứa trẻ, nhiều người trẻ khác cũng sẽ được cha mẹ, thầy cô vun bồi kiến thức, kỹ năng sống rồi tự tin trao gửi yêu thương cho các con được phát triển theo hướng mà con muốn. Đó là kế hoạch khởi đi từ những nhóm gia đình, rồi nhân nhóm, ghép nhóm để tạo thành một cộng đồng hoặc một mô hình cụ thể, tiếp đến là sự chung sức của cả cộng đồng và xã hội với việc triển khai trường đào tạo kỹ năng mềm...
Khi tác giả Nguyễn Bích Thủy, người cùng dự thi vòng chung khảo, đặt câu hỏi: “Liệu khi trao cho đứa trẻ tất cả quyền tự quyết, chúng phát triển theo chiều hướng xấu thì sao?”.
Chị Mận giải thích: “Trao quyền tự quyết không có nghĩa là thả lỏng con. Chúng ta phải tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, không áp đặt con phải sống như thế nào. Cha mẹ là giảng viên đại học nhưng con cái hoàn toàn có thể không theo con đường học thuật mà theo kinh doanh chẳng hạn. Và cha mẹ chấp nhận lựa chọn đó của con, chấp nhận cả những thất bại bước đầu, xem đó là tiền đề cho sự thành công”.
Cũng đi vào hướng vận động cộng đồng thực hiện mục tiêu góp phần phát triển đất nước, tác giả Song Phương chọn một hướng khác: vận động những nhóm người có sự đồng cảm về cây xanh và môi trường.
Chị đề ra những giải pháp rất gần gũi, không khó thực hiện: “Hãy tặng em bé những chậu cây ngày bé bước vào thế giới. Những chàng trai hãy tặng bạn gái chậu cây thay vì những món quà vật chất đắt tiền. Khi đến trường, cô giáo hãy giao cho trẻ bài tập chăm sóc những mầm xanh...".
Điều quan trọng từ dự án của chị là không chỉ dừng lại ở những mầm xanh được trồng mà là những thế hệ người trẻ biết quý trọng, nâng niu màu xanh, đó sẽ là những con người tự tay mình xây dựng chính sách phát triển đất nước trong hòa bình, bền vững.
Giám khảo Huỳnh Thế Du, giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thắc mắc: “Tại sao những người thực hiện giải pháp chỉ tập trung ở phụ nữ, trẻ em mà không có đàn ông?". Chị Phương nhẹ nhàng: “Ông bà ta vẫn có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Trong việc này, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ để truyền cảm hứng cho những đứa con và lôi kéo người đàn ông cùng thực hiện”.
Cách lựa chọn của tác giả Song Phương cũng cho thấy một tinh thần: không cần đao to búa lớn, không phải cứ sức dài vai rộng, không chỉ những chính sách vĩ mô mới có khả năng tạo ra đổi mới. Những người phụ nữ, những bà nội trợ bé nhỏ bình thường, những em thơ, cụ già chỉ cần có ước mơ thay đổi, họ sẽ làm cả đất nước chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn.
Giải quyết những vấn đề nóng của đất nước
Ngoài hai tác giả đoạt giải nhất, 12 tác giả khác tham gia vòng chung kết đều có những kỳ vọng sát sườn liên quan đến những vấn đề nóng của đất nước như mơ ước về một đất nước không bia, rượu, thuốc lá, đất nước có bộ máy hành chính công thật sự công bằng, khoa học, năng suất lao động vươn tầm khu vực, tất cả người lao động đều có nhà ở, người nghèo không bị gạt ra bên lề của sự phát triển...
Quan tâm đến các giải pháp về vấn đề giáo dục, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hỏi anh Lê Minh Tiến, tác giả bài dự thi Mơ một xã hội bình đẳng: “Đối với vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục, anh cho rằng giải pháp nào là quan trọng nhất? Nếu nói nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì việc nhà nước cứ rót thêm tiền cho giáo dục có phải là giải pháp tốt không?”.
Anh Tiến đáp: “Tôi cho rằng vấn đề không phải ở chỗ cứ đổ thêm nhiều tiền mà quan trọng là minh bạch hóa, xem đồng tiền nhà nước đưa xuống được sử dụng ra sao, có đến được người học hay không!”.
sở hữu lực lượng học giả về Biển Đông có năng lực của tác giả Nguyễn Thế Phương, 24 tuổi, đụng chạm đến câu chuyện chủ quyền quốc gia và thu hút sự quan tâm của nhiều người. “Đã có trường hợp một học giả nước ngoài cho rằng Việt Nam là quốc gia hung hăng nhất trên Biển Đông. May mà lần đó Việt Nam ta có một vài học giả có bài phản bác lại lập luận không đúng đó bằng những bài viết tiếng Anh”- anh Nguyễn Thế Phương kể.
Theo anh Phương, thực tế trên là do Trung Hoa có một lực lượng học giả nghiên cứu về Biển Đông hùng hậu, một chiến lược bài bản, trong khi Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về những vấn đề này. Để mặt trận Biển Đông cân sức hơn, nhất là về mặt học thuật, anh Phương mong muốn xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu các bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông một cách khoa học, chính xác, toàn diện.
Trả lời câu hỏi của ông Lê Xuân Trung, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, về vai trò cá nhân của mình để góp phần thực hiện kỳ vọng, anh Phương chia sẻ: “Tôi đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về vấn đề này, đặc biệt là hệ thống hóa các dữ liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo. Mục tiêu ngắn hạn của chúng ta là phản bác lại các luận điệu không chính xác của phía Trung Quốc, còn xa hơn, khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, tập hợp được lực lượng học giả hùng hậu thì việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của chúng ta sẽ được thế giới nhìn nhận khách quan hơn”.
Thay mặt ban tổ chức cuộc thi, ông Xuân Trung nhắn gửi thông điệp: “Chúng ta sẽ không dừng lại ở sự kỳ vọng, không dừng lại ở những giải pháp được nêu ra hôm nay. Cuộc thi như là một sự khơi gợi, mở ra những đòi hỏi cho bản thân mỗi người về mặt hành động, về những đóng góp cho đất nước trong 20 năm tới, để những kỳ vọng hôm nay sẽ trở thành hiện thực trong 20 năm sau”.
Thu hút nhiều người trẻ
Cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”, do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức, được phát động từ ngày 18-5-2015. Sau khi kết thúc thời hạn nhận bài, ngày 28-6-2015, ban tổ chức nhận được 598 bài dự thi của 473 tác giả (có khoảng 80 tác giả gửi 2 - 3 bài). Không chỉ thu hút các tác giả từ 41 tỉnh thành trong nước, cuộc thi còn có sự tham gia của 5 tác giả đang ở nước ngoài. Đáng chú ý trong cuộc thi này là có nhiều bạn trẻ tham gia, với 47% người dự thi ở độ tuổi 15 - 30, trong đó có nhiều tác giả là học sinh, sinh viên. Xem chi tiết danh sách giải thưởng . |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận