Bà Giang Thị Sil (80 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại BV Q.11. Cách đây gần hai tháng, thấy bà ăn uống không được, da vàng bất thường, sụt cân nên gia đình đã đưa bà đến BV Q.11 khám bệnh. Ngày 11-11-2011, bà Sil được bác sĩ S. chuyển viện đến BV Chợ Rẫy khám bệnh. Sau khi được xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT..., các bác sĩ của BV Chợ Rẫy phát hiện bà Sil có u ở đoạn cuối ống mật chủ, nghi bị ung thư và cho sinh thiết để xác định. Sau khi được nội soi đặt ống thông mật qua gan, bà được bác sĩ cho ra viện, hẹn một tháng sau tái khám.
Đủ kiểu hành
Ngày 23-12-2011, chị Nhan, con bà Sil, đến BV Q.11 xin giấy chuyển viện tái khám cho bà nhưng bác sĩ N. không cho. Dù chị Nhan trình ra giấy chuyển viện lần trước có chữ ký của bác sĩ S. nhưng bác sĩ N. vẫn không cho chuyển đến BV Chợ Rẫy và bảo: “Phải chuyển qua BV 115, rồi BV 115 chuyển đi đâu thì tùy!”.
Thế nhưng, chiều cùng ngày, bà Sil đến BV 115 khám theo giấy chuyển viện của BV Q.11 thì bác sĩ T. ở phòng khám 13 không đồng ý vì cho rằng “BV Q.11 đã chuyển cho điều trị tại BV Chợ Rẫy rồi thì phải chuyển tiếp tục để điều trị và theo dõi, chớ sao lại chuyển qua đây?”. Bác sĩ T. hướng dẫn chị Nhan đưa bà Sil quay lại BV Q.11.
Ngày 26-12, bà Sil quay lại BV Q.11 nhưng bác sĩ N. vẫn không chịu cấp giấy chuyển viện dù gia đình bà Sil đã năn nỉ hết lời. Quá bất bình, chị Nhan tìm gặp giám đốc BV Q.11 thì được giám đốc chỉ đạo bác sĩ N. cấp giấy chuyển viện đến BV Chợ Rẫy cho bà Sil. Dù đã được giám đốc BV chỉ đạo nhưng bác sĩ N. vẫn đẩy qua bác sĩ S. vì cho rằng bộ phận làm giấy chuyển viện đã chuyển qua đó. Gia đình bà Sil thắc mắc không hiểu vì sao cùng một BV nhưng bác sĩ này thì cho chuyển viện còn bác sĩ khác lại từ chối với lý do sai tuyến.
Ngày 4-11-2011, bệnh nhân Mai Ngô Phương Tâm (30 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) được BV Q.Tân Bình chuyển viện đến BV Hùng Vương để khám và sinh con theo chế độ bảo hiểm y tế với chẩn đoán ban đầu là “thai 33 tuần, tiểu đường”. Khám xong, bác sĩ hẹn chị Tâm ngày 16-11-2011 tái khám nhưng chưa đến ngày này thì một nhân viên của BV Hùng Vương gọi chị Tâm, bảo đến BV Tân Bình xin lại giấy chuyển viện vì họ đã làm mất giấy chuyển viện của chị. Chị Tâm phải đến BV Tân Bình xin lại giấy chuyển viện khác, nhưng khi đi tái khám nhân viên của BV Hùng Vương không chấp nhận giấy chuyển viện này mà yêu cầu chị Tâm phải đóng tiền khám bệnh trái tuyến. Sau khi gặp phòng kế hoạch tổng hợp trình bày, chị Tâm mới được giải quyết thỏa đáng. Bác sĩ hẹn chị Tâm ngày 30-11 tiếp tục đến tái khám.
Ngày 13-12, chị Tâm đến BV Hùng Vương tái khám nhưng nơi tiếp nhận hồ sơ bảo “tái khám quá hẹn, phải đóng tiền trái tuyến”. Nghĩ là lỗi của mình, chị Tâm chấp nhận đóng tiền. Sau khi khám, bác sĩ bảo tim thai yếu nên cho chị Tâm nhập viện cấp cứu ngay. Thế nhưng, trước khi chị Tâm được chuyển sang phòng cấp cứu, nhân viên của BV còn bảo chị phải về BV Tân Bình xin giấy chuyển viện. Một lần nữa gia đình chị Tâm lại tất tả chạy về BV Tân Bình xin giấy chuyển viện. Lúc đầu, BV Tân Bình từ chối vì đã hai lần cấp giấy chuyển viện cho chị Tâm đến BV Hùng Vương, nhưng trước hoàn cảnh éo le của chị, BV Tân Bình hướng dẫn gia đình chị quay lại BV Hùng Vương mượn sổ khám bệnh đem về để có cơ sở cấp giấy chuyển viện khác cho chị Tâm được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế tại BV Hùng Vương.
Trái quy định và máy móc
Về trường hợp chị Tâm, theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, nhân viên BV Hùng Vương không nắm rõ quy định chuyển viện nên đã gây khó khăn cho người bệnh. Đối với trường hợp bà Sil, bà Thanh Huyền khẳng định bác sĩ N. của BV Q.11 thực hiện quy định chuyển viện “máy móc”. Theo quy định, BV tuyến quận huyện quá khả năng điều trị thì chuyển lên BV tuyến tỉnh, tuyến tỉnh quá khả năng mới chuyển lên tuyến trung ương. Tuy nhiên, nếu bác sĩ khám bệnh thấy cần phải chuyển thẳng bệnh nhân lên BV tuyến trung ương thì cho chuyển thẳng để bệnh nhân đỡ phải đi lòng vòng. Trường hợp bà Sil đã cao tuổi, bệnh nặng, nhà ở Q.11 chuyển đến BV Chợ Rẫy sẽ nhanh và thuận lợi hơn so với BV 115 nên bác sĩ S. chuyển bà đến BV Chợ Rẫy là đúng. Việc cho bà Sil được chuyển viện tái khám tại BV Chợ Rẫy để được điều trị, theo dõi xuyên suốt cũng phù hợp.
Quy định về tiêu chuẩn chuyển viện Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có quy định về tiêu chuẩn chuyển viện. Cụ thể, nếu bệnh nhân bị bệnh bình thường nhưng vượt quá khả năng điều trị ở BV tuyến dưới hoặc BV tuyến dưới không có dịch vụ kỹ thuật để điều trị cho bệnh nhân thì phải có trách nhiệm chuyển bệnh nhân đến BV có khả năng điều trị. Giấy chuyển viện cho đối tượng này có giá trị trong đợt điều trị và có tái khám một lần. Nếu là bệnh mãn tính (Bộ Y tế có danh mục quy định hơn mười loại bệnh) thì giấy chuyển viện có giá trị một năm. Trong trường hợp cơ sở y tế nơi bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu không có khoa sản thì giấy chuyển viện cho bệnh nhân có giá trị từ lúc chuyển viện cho đến khi hoàn tất sinh nở. Trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu không cần phải có giấy chuyển viện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận